Cơn lốc ma túy “đá” - Kỳ cuối: Chơi ma túy “đá” là tự sát

09/02/2012 14:48 GMT+7

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn (phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai):

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn (phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai):

>> Kỳ 1: Alô là có “đá”
>> Kỳ 2: Một lần “đập đá”
>> Kỳ 3: Thử chơi “đá” và tôi ghê sợ

Chết dần chết mòn

Thanh niên chơi “đá” là tự giết chính mình vì loại ma túy này kích thích thần kinh cực mạnh, gây rối loạn tâm thần, nguy hiểm nhất là tạo ảo giác, khiến người sử dụng không kiểm soát được hành vi.

Giai đoạn đầu sử dụng ma túy “đá” tạo nên cảm giác vui, tăng tự tin, hưng phấn cho người sử dụng. Ngoài ra, loại ma túy này không gây phụ thuộc tâm lý mạnh, không gây hội chứng cai như các chất ma túy khác nên dễ tạo tâm lý chủ quan cho người sử dụng và gia đình, khi phát hiện thường đã quá muộn. Tuy nhiên nếu dùng “đá” lâu dài, dễ làm rối loạn dẫn truyền các chất hóa học tâm thần kinh, gây ra biến chứng về hệ tim mạch, tiêu hóa, gây chán ăn, hoạt động không biết mệt mỏi, gầy rộc, suy kiệt, tổn thương não, thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Thực tế tại bệnh viện đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân hoang tưởng, ảo giác do sử dụng ma túy “đá”. Biểu hiện gặp nhiều nhất ở các bệnh nhân nghiện “đá” nặng là ảo giác bị truy sát, có người âm mưu hãm hại mình khiến bệnh nhân sợ hãi, chạy trốn, bị kích động. Nhiều trường hợp học sinh giỏi, thậm chí có cả công chức, cán bộ ngân hàng giỏi nhưng đã đánh mất tất cả vì dính vào “đá”, nhiều trường hợp do hệ lụy của “đá” phải vào bệnh viện tâm thần.

Tiến sĩ tâm lý học Phạm Mạnh Hà (Đại học Quốc gia Hà Nội):

Sự khủng hoảng về nhân cách

Trước hết phải lý giải tại sao nhiều thanh niên vẫn vô tư tham gia chơi “đá” không hề lo sợ, dù rất nhiều người trong số đó biết rõ đó là ma túy, là chất gây nghiện. Lứa tuổi thanh niên thích chứng tỏ mình, muốn được thể hiện bản thân trước một tập thể. Điều này lý giải cho tâm lý chứng tỏ sành điệu hay đẳng cấp dân chơi khi tham gia “đập đá”. Trong lúc những giá trị truyền thống, tốt đẹp từ trước bị cho là cũ, bị lấn át, thanh niên tự mò mẫm đi tìm giá trị riêng cho mình. Khi có mặt trong nhóm chơi “đá” họ thấy mình được tôn trọng, được thừa nhận, cảm thấy vui, bất chấp hành vi đó không tốt cho sức khỏe và tốn kém tiền bạc.

Lỗi ở đây thuộc về nhiều phía, nhưng tựu trung là những thanh niên hư hỏng hầu hết đều thấy mình bị “bỏ rơi”, họ tự sống, không mục đích, không mục tiêu khi xã hội không định hướng, chưa tạo ra môi trường cho họ thể hiện mình, rồi những gò ép, kiểm soát đến từ nhiều phía. Khi đã nghiện “đá” rồi không chỉ ảnh hưởng thể chất, về mặt xã hội dễ dàng dẫn tới các hành vi trái chuẩn mực xã hội, dễ sa vào đánh chém nhau, chống đối, cướp bóc, gây bất ổn cho xã hội.

Theo tôi, muốn giải quyết tận gốc cần phải giải quyết sự khủng hoảng về giá trị, nhân cách của thanh niên. Những biện pháp mạnh như ngăn chặn, bắt bớ chưa đủ mà trước hết cần phải tìm bài toán giải quyết dứt điểm sự khủng hoảng đó. Xã hội phải tôn trọng thanh niên, tạo nhiều cơ hội cho họ tham gia cộng đồng thông qua các hoạt động của tổ chức Đoàn, Hội trong nhà trường, ở địa bàn dân cư. Ngoài ra cần xây dựng cho thanh niên giá trị chuẩn về nhân cách để họ nhìn vào đó điều chỉnh hành vi cho phù hợp. Thêm nữa sự giáo dục nhân cách từ gia đình đóng vai trò rất quan trọng, nếu hình thành nhân cách nền tốt từ nhỏ, khi lớn lên sẽ khó bị lệch chuẩn hơn.

Bà Vũ Thị Giáng Hương - (phó trưởng Ban thanh niên công nhân và đô thị  - Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh):

Đối tượng quan tâm đặc biệt của Đoàn

Thực tế hiện tượng “đập đá” - một sân chơi vô bổ, lệch lạc mới hình thành phát triển trong nhóm thanh niên đô thị tại các thành phố lớn, đa số đối tượng tham gia là con gia đình khá giả, một số ít do đua đòi. Đây cũng là nhóm thanh niên mà tổ chức Đoàn đang tập trung dành sự quan tâm đặc biệt.

Hiện nay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM mặc dù thiếu không gian, sân chơi nhưng ngược lại có rất nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức thường xuyên, nhiều địa điểm vui chơi, giải trí lành mạnh dành cho giới trẻ.

Trong thời gian vừa qua, tổ chức Đoàn, Hội đã có rất nhiều hoạt động giáo dục đạo đức, lý tưởng, lối sống đẹp, sống có mục đích, ý nghĩa để đoàn kết tập hợp các tầng lớp thanh niên. Trên các địa bàn dân cư, tổ chức Đoàn đứng ra dạy nghề cho thanh niên, giới thiệu việc làm, “ba cùng” (cán bộ Đoàn cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với thanh niên). Tại mỗi phường có cán bộ Đoàn đứng ra giúp đỡ các thanh niên nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng, nâng đỡ, dạy nghề cho thanh niên chậm tiến. Hiện nay tổ chức Đoàn có 36 trung tâm dạy nghề, giới thiệu việc làm cho thanh niên, có cả đường dây nóng (19009416) tư vấn về nghề nghiệp việc làm, có cổng việc làm trực tuyến mywork.vn đăng tải thông tin tuyển dụng cho thanh niên...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.