Theo Hội Nghề cá TP.Đà Nẵng, nếu năm 2007, thành phố có hơn 2.100 phương tiện nghề cá thì nay chỉ còn 1.669, sản lượng hải sản từ hơn 40.000 tấn/năm nay còn khoảng 30.000 tấn/năm. Một số đội tàu nổi danh năm 2006 như 120 chiếc câu mực khơi của ngư dân Thanh Khê giờ chỉ còn 12 chiếc, đội tàu 194 chiếc năm 2007 của P.An Hải Tây giờ chỉ còn 84 chiếc... “Bây giờ đi biển nhiều rủi ro, hết thiên tai rồi tàu nước ngoài bắt bớ, tranh chấp trong khi thu nhập từ nghề cá không cao nên thanh niên, trai tráng dần bỏ nghề”, ông Ngô Sỹ Kiến Trúc - Phó chủ tịch UBND P.An Hải Tây, Q.Sơn Trà - nói.
Trước tình hình này, nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân đã được TP.Đà Nẵng thực hiện. Từ ngày 1.1.2012, UBND TP.Đà Nẵng trích ngân sách mua 100% bảo hiểm tai nạn thuyền viên 64.000 đồng/người/năm cho ngư dân các tàu cá TP.Đà Nẵng công suất trên 50 CV, kể cả lao động ngoại tỉnh. Trường hợp ngư dân bị thương tích, tử nạn khi đang hành nghề trên biển, Bảo Việt Đà Nẵng sẽ chi trả bảo hiểm cao nhất 20 triệu đồng. Ngư dân Phạm Hùng ở P.An Hải Tây phấn khởi cho biết đội tàu 4 chiếc trên 90 CV nghề lưới cản của ông hiện có 40 lao động, số tiền được hỗ trợ bảo hiểm tai nạn dù không lớn nhưng ông và các bạn chài cũng cảm thấy được chính quyền chia sẻ với những rủi ro trên biển.
TP.Đà Nẵng còn có các chính sách hỗ trợ cho ngư dân khác như đào tạo miễn phí cho hơn 1.000 máy trưởng, thuyền trưởng, hỗ trợ 700.000 đồng/ngư dân học các lớp nâng cao trình độ, trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa, hầm bảo quản hải sản… Năm 2011, Sở NN-PTNT hỗ trợ 50% chi phí cho 5 tàu mua máy dò ngang. Thuyền trưởng Lê Văn Chiến, Q.Thanh Khê - một trong 5 tàu được hỗ trợ - cho biết máy dò ngang trị giá gần 300 triệu đồng, được hỗ trợ 50% chi phí, chỉ sau một chuyến biển, ông đã thu hồi vốn nhờ hiệu quả đánh bắt cao.
Nguyễn Tú
Bình luận (0)