Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên chạm đến bề mặt khu hồ huyền hoại Vostok, nằm dưới lớp băng dày 4 km ở Nam cực.
Một trong những biên giới cuối cùng trên trái đất chuẩn bị được khám phá, sau khi một nhóm chuyên gia Nga tuyên bố đã khoan xuyên qua lớp băng dày khủng khiếp ở Nam cực để đến được hồ Vostok. Đây là vùng hồ lớn nhất nằm sâu phía dưới lớp băng ở cực Nam, có thể đang nắm giữ một hệ sinh thái bí ẩn sau hàng trăm ngàn năm bị cô lập. “Các nhà khoa học của chúng tôi đã hoàn tất việc khoan băng và chạm đến bề mặt của vùng hồ bên dưới,” RIA-Novosti dẫn một nguồn tin cho biết. Kết quả sẽ được chính phủ Moscow chính thức công bố sau đó.
Sergei Lesenkov, phát ngôn viên của Viện Nghiên cứu khoa học Bắc và Nam cực tại Moscow, cho biết diễn biến mới mở ra một viễn cảnh hứa hẹn cho công cuộc nghiên cứu. Chẳng hạn, việc phân tích kết cấu của bong bóng khí trong lớp băng trên mặt hồ có thể cung cấp thông tin quan trọng cho những dự án nghiên cứu tình trạng thay đổi khí hậu hiện nay. “Do lớp băng phía dưới được hình thành từ hỗn hợp khí cách đây 400.000 năm, giới khoa học có thể đánh giá kết cấu của nó trong khí quyển vào lúc đó và trong suốt thời gian đã qua kể từ khi hồ Vostok hình thành”, AFP dẫn lời ông Lesenkov. Từ đó, giới khoa học có thể xác định và dự đoán những sự thay đổi về khí hậu trong tương lai.
Phát biểu về tầm quan trọng của dự án trên, Giáo sư Martin Siegert của Đại học Edinburgh (Scotland) khẳng định đây là cột mốc quan trọng đối với Nga sau bao năm theo đuổi. Ông cũng cho biết việc thám hiểm các môi trường như hồ Vostok sẽ cho phép giới khoa học phát hiện những hình thái sự sống có thể tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, cũng như liệu sự sống có thể tồn tại trên một số hành tinh của hệ mặt trời hay không. Lâu nay, không ít các chuyên gia nuôi hy vọng rằng trên lý thuyết, có thể có sự sống trên mặt trăng Enceladus của sao Thổ và mặt trăng Europa của sao Mộc, nơi mà họ cho rằng có đại dương, hoặc ít nhất là hồ lớn, nằm dưới bề mặt băng giá của những thiên thể này.
Chuyên gia khí hậu và môi trường Valerie Massson-Delmotte của Ủy ban Năng lượng nguyên tử Pháp cho biết hồ Vostok được lưu tâm vì nó được hình thành trong hơn 400.000 năm trước. Theo RIA Novosti, khả năng có thể tồn tại một hồ như Vostok đã được một nhà khoa học Liên Xô nêu lên vào năm 1957. Công tác khoan băng đã được khởi động vào năm 1989 nhưng phải đến năm 1996, người ta mới xác nhận được Vostok là có thực. Tuy nhiên, nỗ lực chạm đến bề mặt hồ buộc phải hoãn lại trong 2 năm do lo ngại rằng quá trình này có thể làm ô nhiễm vùng nước bên dưới. Sau khi phía Nga tìm ra phương pháp xóa bỏ trở ngại trên, tiến trình khoan băng được tiếp tục cho đến khi đạt được thành công như mong đợi.
Những khu hồ nằm sâu dưới bề mặt Nam cực luôn được cho là một trong những biên giới khám phá cuối cùng trên trái đất. Sau thành công của Nga ở hồ Vostok, chuyên gia Siegert của Đại học Edinburgh sẽ dẫn đầu sứ mệnh khoan mới tại một hồ ở phía tây Nam cực, gọi là hồ Ellsworth.
H.N
Bình luận (0)