MBA không phải là chiếc đũa thần

11/02/2012 03:50 GMT+7

Nhiều người vẫn tin rằng có được bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) là sự nghiệp sẽ lên cao chót vót nên đổ dồn theo học chương trình này. Sự thật không phải lúc nào cũng vậy. 

Ngày nay, mở bất kỳ phụ trang quảng cáo nào, độc giả cũng dễ dàng bắt gặp hàng loạt mẩu tin chiêu sinh của các chương trình MBA từ trong nước đến quốc tế. Các chương trình MBA đa dạng từ học tập trung tại Việt Nam, liên kết với nước ngoài, du học, bán du học, thậm chí đào tạo từ xa hay bán từ xa. Các đối tác cũng đến từ khắp nơi trên thế giới. Điều này cho thấy thị trường kinh doanh giáo dục sau ĐH, đặc biệt ngành kinh doanh-quản lý, là rất lớn và đầy hứa hẹn. Vì sao mọi người lại đổ xô học MBA và tạo ra một thị trường lớn như vậy?

Bước đường thăng tiến

MBA là một trong những chương trình sau ĐH phổ biến, mang tính toàn cầu và có tốc độ phát triển nhanh nhất. Chương trình cung cấp cho người học những kiến thức về kinh doanh và quản lý, qua đó có thể áp dụng trực tiếp vào công việc kinh doanh hiện tại hay nâng cao kỹ năng quản lý.

Trên thực tế, giá trị sử dụng của bằng MBA không chỉ giới hạn trong ngành kinh doanh mà còn cực kỳ hữu ích cho nhiều ngành nghề khác. Career Launcher - một tổ chức Ấn Độ chuyên thống kê dữ liệu về MBA - công bố những số liệu đầy bất ngờ: Một chương trình MBA điển hình thường có 60-80% học viên là kỹ sư, chỉ khoảng 10% xuất thân ngành kinh doanh, phần còn lại trải đều các ngành nghề khác như bác sĩ, luật sư, giáo viên, công chức nhà nước... Lợi ích trước mắt và rõ ràng nhất khi sở hữu tấm bằng MBA là thăng tiến nghề nghiệp và tăng lương. Theo khảo sát của Hội đồng tuyển sinh cao học quản lý (Mỹ), nhân viên thường được tăng lương đến 40% sau khi hoàn thành MBA. Không chỉ đơn thuần là tiền lương hay chức vụ, một chương trình MBA chất lượng mang đến cho người học những giá trị bền vững và không mua được bằng tiền: Kiến thức - kỹ năng, quan hệ trong ngành, và khả năng tự nghiên cứu.


Các tân thạc sĩ chuyên ngành kinh tế phát triển, chương trình MBA liên kết giữa Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Hà Lan - Ảnh: Đào Ngọc Thạch  

Những ảo tưởng

Rõ ràng, tấm bằng MBA giá trị sẽ là cơ sở để người sở hữu nó phát triển sự nghiệp. Điều này khiến nhiều người bằng mọi giá phải lấy được tấm bằng này mà không biết rằng đường đi đến thành công còn cần nhiều yếu tố khác. Phần lớn học viên Việt Nam thường có những nhận định không đúng về bằng cấp MBA.

Cái nhìn sai lầm lớn nhất là sau khi tốt nghiệp, học viên sẽ dễ dàng có ngay một vị trí quản lý. Quan điểm này càng lệch lạc hơn đối với các du học sinh tại các nước phát triển. Hầu như ai cũng tự tin với tấm bằng MBA của nước ngoài, các bạn sẽ nhanh chóng trở thành “ngôi sao tập đoàn” và được trải thảm đỏ ngay khi trở về Nội Bài hay Tân Sơn Nhất. Một du học sinh Việt Nam đang theo học MBA tại ĐH Stanford (Mỹ) khi trả lời phỏng vấn của tuần báo Business Week khẳng định rằng tấm bằng MBA tại Mỹ chắc chắn sẽ mang đến cho cô các cơ hội làm “sếp lớn” cũng như nâng mức thu nhập gấp nhiều lần các đồng nghiệp ngay khi trở về Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng trơn tru như hoài bão hay các dự tính.

Không một ngân hàng nào mạo hiểm giao chức giám đốc chi nhánh cho một tân MBA tài chính vừa tốt nghiệp từ Úc, không một trung tâm ngoại ngữ nào liều lĩnh ký quyết định bổ nhiệm giám đốc học vụ cho một thạc sĩ từ Anh với nửa năm kinh nghiệm đứng lớp, cũng không tập đoàn bất động sản nào trao nhiệm vụ quản lý dự án cho anh kỹ sư trẻ từ Mỹ chỉ có tài sản là tấm bằng MBA. Doanh nghiệp là nơi mọi người cùng chung tay lao động với mục đích cuối cùng là tạo ra lợi nhuận và phục vụ cộng đồng. Bất kể loại hình kinh doanh nào, điều chủ doanh nghiệp cần ở một nhân viên là: Kiến thức + kỹ năng. Mặc dù chương trình MBA được thiết kế để cung cấp cho học viên cả 2 mảng kiến thức - kỹ năng (mảng “cứng” chuyên môn như tài chính, kế toán, thống kê, tiếp thị... và mảng “mềm” gồm kỹ năng lãnh đạo, giao tiếp, đàm phán, quản lý nhóm đội...) nhưng kỹ năng, về bản chất, là những gì tích lũy được từ các thao tác nhiều lần suốt cả thời gian lao động, quá trình đào tạo chính quy, cộng với những trải nghiệm thực tiễn. 

MBA thật sự phù hợp cho những chuyên viên đã có bề dày kinh nghiệm tương đối trong ngành. Kiến thức tổng quát về kinh doanh - quản lý cộng với sự am hiểu trong ngành giúp nhân viên đó nhìn ra ngay các vấn đề tồn tại trong chuyên môn cũng như có một tầm nhìn hoạch định cho tổ chức trong tương lai. Do đó, việc các chuyên viên này sau khi hoàn thành MBA nhanh chóng thăng tiến là do tính hiệu quả rõ rệt trong công việc, chứ không phải vì tấm bằng MBA.

 

Lịch sử về MBA

Chương trình Master of Business Administration - MBA - thạc sĩ quản trị kinh doanh đầu tiên ra đời ở Mỹ vào đầu thế kỷ 20. Chương trình được thiết kế trong 2 năm và sinh viên được nhập học tự do nếu có bằng ĐH mà không cần kinh nghiệm quản lý. Đến những năm 1950, các chương trình MBA bị chỉ trích là nặng lý thuyết và xa rời thực tiễn thương trường.

Các trường ĐH Mỹ nhanh chóng nâng cao điều kiện đầu vào, chất lượng giảng dạy, và thiết kế lại chương trình: Năm học đầu gồm những môn nòng cốt (Core courses) như tiếp thị, quản trị nhân sự, tài chính, kế toán... cung cấp toàn bộ kiến thức cơ bản về quản trị kinh doanh cho học viên. Năm thứ hai gồm các môn chuyên ngành (Specialization courses) để học viên đào sâu vào lĩnh vực mình muốn nghiên cứu hay đang công tác quản lý. Đây cũng chính là cấu trúc truyền thống và đặc thù của một chương trình MBA cho đến ngày nay.

Nghiên cứu sinh Đỗ Hữu Nguyên Lộc
(ĐH Quản lý Thụy Sĩ - SMC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.