Mong showbiz Việt sạch sẽ hơn

10/02/2012 08:42 GMT+7

Muốn có một thị trường giải trí lành mạnh đòi hỏi mọi người cùng có chung nhận thức và chung tay hành động.

Muốn có một thị trường giải trí lành mạnh đòi hỏi mọi người cùng có chung nhận thức và chung tay hành động.

Những câu chuyện “lộ hàng”, giới tính, đạo nhạc, hở ngực, độn mông, phẫu thuật thẩm mỹ... trở thành thông tin tâm điểm của những trang báo mạng và là những câu chuyện “trà dư tửu hậu” không chỉ của công chúng mà của cả người trong giới.

Quá kệch cỡm!

Nhạc sĩ Lê Quang bức xúc: “Hình như showbiz không còn chuyện gì đáng để nói nữa ngoài những câu chuyện “lộ hàng”, hở ngực của vài cá nhân muốn nổi loạn”. Ca sĩ Phương Thanh chia sẻ: “Ngày nào lên mạng cũng thấy gương mặt này, ca sĩ nọ “lộ hàng”, khoe eo thon, lưng trần, ngực khủng, chân dài “miên man”... thấy ngán quá.

Ngày trước, để được khán giả chú ý, chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều trong nghề nghiệp, không phải chỉ việc xây dựng hình ảnh như thế nào đâu mà phải có những sản phẩm nghệ thuật chất lượng. Riết rồi thấy showbiz Việt kệch cỡm quá khi mọi người cứ quan tâm vòng 1 khủng, vòng 2 thon và vòng 3 tròn, vuông gì đấy”.
 


Mai Vàng - giải thưởng của công chúng không dành cho những nghệ sĩ dính xì-căng-đan.
Trong ảnh: Các nghệ sĩ hân hoan  với tượng Mai Vàng 2011 - Ảnh: Quang Liêm

Đồng tình với quan điểm này, ca sĩ Kasim Hoàng Vũ chia sẻ: “Tôi nghĩ một phần vì báo chí cứ viết về họ, những người thích khoe thân tất tần tật trong khi tài năng nghệ thuật thì kém. Nếu báo chí cứ làm lơ mấy chuyện “lộ hàng”, phẫu thuật thẩm mỹ thì nghệ sĩ làm gì có hứng nghĩ trò, tung chiêu.

Công chúng nên quan tâm, đề cao tài năng hơn là những gì rất riêng tư trong đời sống thường ngày của nghệ sĩ.

Đôi khi báo chí làm thế sẽ khiến người không ra gì ảo tưởng, cứ nghĩ như thế là hay và tiếp tục lao vào. Có người bảo do mất điện thoại, laptop hay thẻ nhớ máy ảnh nên mới xảy ra chuyện hình ảnh sinh hoạt mang tính riêng tư của cá nhân bị tung lên mạng nhưng công chúng chỉ tin một lần chứ làm sao tin lần hai, lần ba được”.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong: “Nói showbiz Việt loạn cũng đúng khi chất lượng chuyên môn của nghệ sĩ bị lép vế trước những thông tin phơi bày cơ thể”. Đồng thuận với quan điểm này, nhạc sĩ Lê Quang cho rằng: “Dễ hiểu vì sao có nhiều người muốn tham gia thị trường giải trí đã lợi dụng xì-căng-đan để được nổi tiếng ngay thay vì phải nỗ lực lao động trong nhiều năm để chinh phục khán giả bằng tài năng thực sự của mình.

Thực tế, có không ít người đã được công chúng biết mặt nhớ tên chỉ sau một lần vô ý hay cố tình bị “lộ hàng” hay khoe thân nóng bỏng trên báo mạng. Là những người làm nghề, chúng tôi cũng mong một showbiz sạch sẽ hơn, có thế mới mong phát triển bền vững, lâu dài”.

Đề cao giá trị đích thực và vẻ đẹp tự thân

“Ngay chính tôi là một người trẻ nhưng khi thấy trên mạng đăng tải chuyện “sao” khoe ngực khủng đến 6 kỳ liên tiếp mà thấy hết hồn. Chẳng lẽ cả nền công nghiệp giải trí không còn gì để quảng bá, thông tin ngoài những chuyện này? Nếu ai cũng bỏ quên chuyên môn mà chạy theo những điều quá tầm thường ấy thì showbiz chết cũng chẳng có gì ngạc nhiên”- nhạc sĩ Đằng Phương nói.

“Với nghệ sĩ, chỉ có giá trị thật trong sáng tạo nghệ thuật mới giúp họ tồn tại được. Khán giả thời nay tinh ý lắm, không phải cho cái gì là họ nhận cái đó đâu”- ca sĩ Lam Trường chia sẻ.

Ca sĩ Minh Hằng thẳng thắn: “Nếu bản thân tôi không chăm chút cho các sản phẩm âm nhạc của mình, liệu khán giả có thể nhớ đến tôi được bao lâu? Chính vì vậy, dù muốn dù không, với tôi, xì-căng-đan chỉ mang đến điều tai hại, chẳng có ích gì. Tôi nghĩ việc chúng tôi phải làm là chinh phục khán giả bằng chính năng lực chuyên môn của mình”.

Đồng thuận với những quan điểm trên, nhóm hát 5 Dòng Kẻ bày tỏ: “Không khó để làm sạch môi trường nghệ thuật khi mỗi cá nhân nghệ sĩ dành tâm huyết cho công việc chuyên môn của mình. Nếu ai cũng chú tâm và cho ra đời những sản phẩm chất lượng thì chắc chắn showbiz Việt sẽ phát triển tốt đẹp.

Muốn có một thị trường giải trí lành mạnh đòi hỏi mọi người cùng có chung nhận thức và chung tay hành động, chỉ một vài người làm tốt thôi vẫn chưa đủ, cần những người khác cũng phải làm tốt. Khán giả bây giờ khó lắm, nếu không làm tốt họ sẽ quay lưng ngay. Cũng đã đến lúc mỗi người nên chung tay trồng và chăm sóc “hoa thơm” để “cỏ dại” không còn đất sống. Nếu cứ để tình trạng cái xấu, kệch cỡm phát triển trong đời sống nghệ thuật như vừa qua thì ngay chính người làm nghề tâm huyết cũng bị nhụt chí, chán nản”.

Cần tiếng nói đồng nhất

Tại hội nghị nâng cao thẩm mỹ trong nghệ thuật biểu diễn, do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch tổ chức vào dịp đầu năm 2012, nhạc sĩ Hồ Quang Bình (Chủ tịch Hội m nhạc Hà Nội) đã thiết tha đề nghị: “Những người hoạt động âm nhạc trong lĩnh vực lý luận phê bình, những biên tập viên âm nhạc trên các phương tiện truyền thông đại chúng, phát thanh và truyền hình, những người tổ chức chương trình âm nhạc, những nhà báo viết về âm nhạc, những người quan tâm đến sự phát triển âm nhạc có tính định hướng cần tập trung tạo nên những đóng góp thiết thực, đúng đắn bằng một thái độ chân thành  trong công việc của mình để góp phần có thể tạo được những tiếng nói đồng nhất, có hiệu quả nhằm phát huy những tác dụng tích cực trong việc nâng cao những giá trị cao đẹp của tư tưởng và nghệ thuật trong sáng tạo tác phẩm và biểu diễn”.

 

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.