Chiều qua 10.2, Bộ LĐ-TB-XH họp báo về kết quả kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động về tiền lương, thu nhập tại Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
|
Lương lãnh đạo “ăn nhờ” lương công nhân
Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH khẳng định có sự mập mờ trong cơ chế tính lương của lãnh đạo EVN, điều này đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra trước đó. Cụ thể, quỹ tiền lương hằng năm của lãnh đạo, tối đa cũng chỉ hưởng bằng quỹ lương kế hoạch được duyệt (năm 2010, bình quân công ty mẹ là 37 triệu đồng/người/tháng, công ty con bình quân 21 triệu đồng/người/tháng), trong khi tiền lương của người lao động (NLĐ) được điều chỉnh tăng theo mức độ hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh và theo quy chế phân phối riêng, nên đã xảy ra hiện tượng quỹ lương của lãnh đạo được bổ sung một phần từ quỹ lương theo đơn giá tiền lương của NLĐ.
Đáng chú ý, theo Thanh tra Bộ, “một số viên chức quản lý” của tập đoàn, khi tham gia phần vốn ở một số doanh nghiệp (DN) đã nhận trực tiếp các khoản thù lao do các DN này trả mà “quên” không nộp lại cho tập đoàn để thực hiện phân phối lại theo quy định. Dưới sức ép của KTNN vào năm 2010, những “viên chức quản lý” này đã phải nộp số tiền thù lao về tập đoàn.
Đổ lỗi cho nhân viên làm lương? Về việc xây dựng quy chế trả lương trong tập đoàn, ông Nguyễn Tiến Tùng, Phó chánh thanh tra Bộ LĐ-TB-XH cho rằng, lãnh đạo EVN coi nhẹ công tác tiền lương. Điều kỳ lạ là chỉ có 5 người trong tập đoàn làm công tác tiền lương, các đơn vị trực thuộc chỉ bố trí từ 1-2 người chuyên trách, quá ít so với số lượng nhân viên toàn tập đoàn lên tới 96.319 người. Về vấn đề này, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN đã thừa nhận sự yếu kém trong đội ngũ làm chính sách quản lý tiền lương. Năm 2008 EVN có hẳn một ban lao động tiền lương nhưng do tinh giảm biên chế, cắt giảm lao động nên ban này bị xóa bỏ. T.H - M.H |
Quỹ tiền lương của EVN cũng được “phình” to nhờ những mập mờ như hệ số lương cấp bậc công việc và hệ số lương thực tế chênh lệch lớn (cao hơn hệ số lương thực tế bình quân 0,72), do EVN sử dụng nhiều lao động có hệ số cấp bậc kỹ thuật thấp hơn so với yêu cầu cấp bậc kỹ thuật của công việc.
Trong cơ cấu tiền lương, phụ cấp tiền lương bình quân của EVN từ năm 2008 - 2010 đã tăng hơn 2 lần, trong khi năm 2010 EVN công bố con số lỗ kỷ lục. Cụ thể, năm 2008, phụ cấp bình quân là 578.000 đồng/người/tháng (chiếm 9,97% tổng lương) thì năm 2010 con số này là 1,3 triệu đồng/người/tháng (chiếm tới 17,5% tổng lương).
EVN còn thiếu công bằng trong việc áp dụng phụ cấp độc hại, nguy hiểm ở một số đơn vị, nhất là các nhà máy điện, có người đã được xếp lương theo thang lương chức danh, nhưng vẫn áp dụng phụ cấp. Ngược lại, có đối tượng phải làm việc trong môi trường độc hại thì lại không được áp dụng.
Không chấp nhận: không hiệu quả mà lương cao
Lương ông Đào Văn Hưng, khi còn đương chức Chủ tịch HĐTV EVN là 51 triệu đồng/tháng. Lương ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc là 40 triệu đồng/tháng. Thấp nhất, lương nhân viên tạp vụ dưới 3 triệu đồng/tháng... Tổng quỹ lương của EVN chiếm khoảng 5,5% tổng giá thành sản xuất kinh doanh điện. |
Thứ trưởng Huân cho biết, Bộ sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra việc thực hiện tại các tập đoàn, DN lớn.
Sau cuộc thanh tra, ông Nguyễn Tiến Tùng, Phó chánh thanh tra Bộ LĐ-TB-XH cho biết bộ này đã đưa ra 8 kiến nghị, trong đó yêu cầu EVN phải sử dụng quỹ tiền lương đối với cán bộ lãnh đạo đúng quy định tại Nghị định 207 của Chính phủ, áp dụng đúng quy chế trả thù lao đối với người đại diện phần vốn góp của tập đoàn tại DN khác theo quy định. Đối với số tiền thù lao của một số cán bộ làm đại diện phần vốn ở DN khác đã chuyển về tập đoàn, EVN phải xin ý kiến Bộ Tài chính để thực hiện. Ngoài ra, EVN phải điều chỉnh hợp lý tương quan lương giữa các khối, rà soát lại định mức lao động…
Trước câu hỏi có xử phạt EVN do sai phạm trong cơ chế tiền lương, ông Tùng cho rằng, 100% DN Việt Nam đều chưa thực hiện đúng quy chế tiền lương. Đây là đợt kiểm tra lần đầu nên chỉ nhắc nhở. Nếu năm sau EVN không khắc phục 8 yêu cầu mà Bộ đã kiến nghị, sẽ tiến hành xử phạt hành chính theo quy định pháp luật.
Thu Hằng - Mai Hà
Bình luận (0)