Khó bảo hiểm cháy chợ

12/02/2012 03:02 GMT+7

Việc giải quyết hậu cháy chợ Quảng Ngãi đang là vấn đề hết sức cấp bách đối với chính quyền tỉnh để sớm giúp hàng trăm tiểu thương ổn định cuộc sống và tiếp tục kinh doanh.

>> Vụ cháy chợ Quảng Ngãi: Tiền hỗ trợ đã đến tay tiểu thương
>> Vụ cháy chợ Quảng Ngãi: Tiểu thương khánh kiệt
>> Cháy lớn ở chợ Quảng Ngãi, thiệt hại hơn 200 tỉ đồng

Gấp rút xây chợ tạm

Ngày 11.2, UBND TP.Quảng Ngãi cùng Công ty CP nông sản thực phẩm Quảng Ngãi (đơn vị đầu tư kinh doanh, quản lý và khai thác chợ Quảng Ngãi) bắt đầu chi tiền hỗ trợ cho 417 tiểu thương bị thiệt hại, mỗi tiểu thương được nhận 14 triệu đồng, trong đó UBND TP.Quảng Ngãi hỗ trợ 5 triệu đồng, Công ty CP nông sản thực phẩm Quảng Ngãi 9 triệu đồng.

 
Hàng trăm tiểu thương chợ Quảng Ngãi trắng tay vì không tham gia bảo hiểm hỏa hoạn hàng hóa - Ảnh: H.C - Đ.H

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, nhờ UBND TP.Quảng Ngãi có sự chuẩn bị chu đáo các khâu nên việc hỗ trợ tiền cho các tiểu thương tại Kho bạc Nhà nước Quảng Ngãi diễn ra hết sức nhanh gọn. Tuy nhiên, tại địa điểm do Công ty CP nông sản thực phẩm Quảng Ngãi tổ chức hỗ trợ tiền cho tiểu thương quá luộm thuộm. Nhiều người sau cả giờ đồng hồ chen lấn mới nhận được tiền hỗ trợ.

Doanh nghiệp bảo hiểm không thể và cũng không dám triển khai bảo hiểm hỏa hoạn tài sản trong chợ cho tiểu thương
Ông Ngô Ngọc Hải - Phó giám đốc Công ty Bảo Việt Quảng Ngãi

Song song với việc hỗ trợ đời sống, miễn giảm thuế, khoanh nợ, cho vay vốn thì việc sớm hoàn thành chợ tạm để tiểu thương tiếp tục buôn bán là việc làm cấp thiết. Ngay trong sáng 11.2, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi và ông Cao Khoa - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trực tiếp làm việc với Công ty CP nông sản thực phẩm Quảng Ngãi. Ông Khoa yêu cầu: “Nói là chợ tạm nhưng phải đảm bảo chất lượng, có hệ thống cấp thoát nước, phòng cháy, chữa cháy, đảm bảo vệ sinh và có kế hoạch cụ thể trong việc bố trí, sắp xếp hợp lý các hộ kinh doanh từ chợ cũ qua chợ tạm”.

Theo ông Ngô Văn Tươi - Phó tổng giám đốc Công ty CP nông sản thực phẩm Quảng Ngãi, chợ tạm được xây dựng tại P.Nghĩa Chánh với tổng diện tích 16.000m2, kể cả trưng dụng phần sân của Trung tâm văn hóa thông tin triển lãm Quảng Ngãi. Sau khi hoàn thành sẽ di dời toàn bộ hơn 1.600 hộ kinh doanh về chợ tạm buôn bán.

Vướng mắc về bảo hiểm hàng hóa

Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng, vụ cháy chợ Quảng Ngãi đã gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của hàng trăm tiểu thương với tổng số tiền khoảng 200 tỉ đồng, chưa kể tài sản cố định là khung chợ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, cả đơn vị quản lý chợ và tiểu thương đều trắng tay vì không mua bảo hiểm hỏa hoạn.

100% tiểu thương trong vụ cháy Chợ Lớn Quy Nhơn không mua bảo hiểm cháy nổ

Trong vụ cháy Chợ Lớn Quy Nhơn (Bình Định) tối 16.12.2006, thiệt hại trên 120 tỉ đồng, nhưng các tiểu thương đều phải tự gánh do không mua bảo hiểm cháy nổ. Trong hợp đồng thuê dịch vụ bảo vệ của ban quản lý chợ với một doanh nghiệp có ghi: “Ban quản lý chợ sẽ chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp nếu để xảy ra cháy nổ”. Tuy nhiên, khi vụ cháy xảy ra thì việc bồi thường nằm ngoài khả năng của ban quản lý chợ. (Trần Thị Duyên)

Chúng tôi đã trao đổi với nhiều tiểu thương chợ Quảng Ngãi về vấn đề mua bảo hiểm hỏa hoạn cho số tài sản của mình trong chợ nhưng họ đều lắc đầu “nói không” với bảo hiểm. Lý do mà họ đưa ra là cả chợ không ai mua thì tôi mua làm gì, chắc gì chợ đã cháy mà mua bảo hiểm cho tốn tiền nên tất cả đều tỏ ra thờ ơ, không mặn mà với bảo hiểm hỏa hoạn hàng hóa. Có tiểu thương thì cho rằng, rất muốn mua bảo hiểm nhưng cũng chẳng có ai bán.

Theo ông Ngô Ngọc Hải - Phó giám đốc Công ty Bảo Việt Quảng Ngãi, việc triển khai bảo hiểm hỏa hoạn hàng hóa (loại hình bảo hiểm tự nguyện - PV) cho tiểu thương ở các chợ trên địa bàn tỉnh, không chỉ Bảo Việt Quảng Ngãi mà các công ty bảo hiểm khác đều không thể thực hiện được, bởi có nhiều điều kiện ràng buộc. Đó là, chợ phải được cơ quan chức năng cấp chứng nhận đạt yêu cầu PCCC và điều cốt lõi là mỗi tiểu thương phải có hệ thống sổ sách kế toán theo dõi từng danh mục mặt hàng cùng lượng hàng hóa xuất, nhập rõ ràng từng ngày, từng tháng để khi có tổn thất xảy ra thì doanh nghiệp bảo hiểm mới có đủ cơ sở để giám định, xác định mức độ thiệt hại.

“Theo tôi, không chỉ ở chợ Quảng Ngãi mà hầu như nhiều chợ ở các tỉnh, TP trong cả nước, các tiểu thương đều không đáp ứng được yêu cầu chứng từ, sổ sách nhập, xuất hàng vì việc kinh doanh của họ lâu nay dựa trên thói quen theo kiểu “mua bán trao tay”. Chính vì vậy, doanh nghiệp bảo hiểm không thể và cũng không dám triển khai bảo hiểm hỏa hoạn tài sản trong chợ cho tiểu thương”, ông Hải nhận định.

Điều này cũng đồng nghĩa xem ra việc triển khai bảo hiểm hỏa hoạn hàng hóa cho tiểu thương ở các chợ là bài toán chưa có lời giải. Và như thế, khi sự cố hỏa hoạn xảy ra đương nhiên tiểu thương là người gánh chịu thiệt hại.

Hiển Cừ - Đức Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.