Mùa lễ hội

12/02/2012 03:09 GMT+7

Mùa xuân là mùa lễ hội, đặc biệt là các tỉnh phía bắc. Đền - chùa nào cũng nườm nượp, người trẩy hội chen chúc, ngột ngạt khói nhang; “ngựa xe như nước, áo quần như nêm” (Nguyễn Du).

Tôi vừa làm hướng dẫn viên một vòng các tỉnh, từ Hà Nội lên Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hạ Long... Có cảm giác lễ hội ngày càng phát triển, cả quy mô và hình thức.

Nhiều người đến với lễ hội bằng cả tấm lòng thành để cám ơn trời đất, thần linh và tổ tiên, cầu mong năm mới an lành. Nhưng cũng không ít kẻ đến với lễ hội để “buôn thần bán thánh”, cầu “thăng quan tiến chức”, “trúng mánh”, “vô hợp đồng”, “triệt hạ đối thủ”...

Bao nhiêu là tiền bạc, vàng mã và vô số lễ vật dâng cúng cho thần linh? Nếu dùng số tiền này giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh thì phúc đức bội phần và thần thánh chắc chắn sẽ rất vui. “Dẫu xây chín đợt phù đồ, Không bằng làm phúc cứu cho một người!”.

Đứng trước chùa Bái Đính nguy nga, lộng lẫy và hoành tráng như một cung điện hiện đại, tôi đã thẫn thờ “Thái tử Tất Đạt Đa đã từ bỏ quyền uy để tu hành với dân nghèo khổ và thành Phật. Bây giờ thiên hạ lại bắt Phật làm vua trong những ngôi chùa - cung điện. Không biết Phật thờ trong mỗi gia đình hay trong những ngôi chùa đơn sơ và Phật dát vàng ở Bái Đính chỗ nào linh thiêng hơn?”.

Đền - chùa không phải là chỗ để cầu lợi, danh, phú, quý. Chưa ai thống kê được bao nhiêu cán bộ, viên chức nhà nước bỏ bê công việc để đi lễ - hội. Báo chí đã tốn rất nhiều giấy mực về nạn “xe công trẩy hội” dù Thủ tướng đã có nhiều chỉ thị cấm. Nhưng đến hẹn lại lên, điệp khúc “xe công trẩy hội” lại nhan nhản thách thức dư luận, phớt lờ lệnh của Thủ tướng.

Ước tính có đến hàng ngàn “xe công trẩy hội” khắp cả nước. Đó là một hình thức tham ô công khai về thời gian của cán bộ viên chức, về tài sản công. Nguy hại hơn, sự tham ô đó hủy hoại niềm tin của nhân dân với cán bộ viên chức, với phép nước. Lệnh của Thủ tướng mà cán bộ viên chức còn không nghe thì thử hỏi họ nghe ai? Điều quan trọng hơn, nhân dân sẽ nghĩ gì khi “Thủ tướng cấm cứ cấm”, còn thuộc cấp “thực hiện hay không là quyền của mình”.

 Có người cho rằng đó là chuyện nhỏ, chẳng chết ai. Xin thưa, đứa trẻ ăn cắp vặt không được dạy dỗ thì chắc chắn sẽ trở thành tên cướp khi trưởng thành vì “ăn cắp quen tay”. Mọi việc lớn đều bắt đầu từ những việc nhỏ. Lỗ nhỏ làm đắm thuyền. Lo lắm thay.

Nguyễn Công Dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.