Việc phát hiện một số mỏ dầu và khí đốt trữ lượng lớn tại Địa Trung Hải khiến các tranh chấp lâu nay ở đây càng thêm tăng nhiệt.
Với vị trí địa lý lọt thỏm giữa châu Á, châu Phi và châu Âu, Địa Trung Hải xưa nay được xem là giao điểm quan trọng giữa các nền văn hóa. Bên cạnh đó, từ khi kênh đào Suez được đưa vào hoạt động năm 1869, vùng biển này trở thành một trong những tuyến hải hành quan trọng nhất thế giới. Đây cũng là khu vực có nhiều vùng lãnh hải chồng lấn giữa các quốc gia, làm phát sinh một số tranh chấp.
Bên cạnh đó, đà phát triển trong những năm qua đã làm nhu cầu về năng lượng ngày càng trở nên nóng bỏng đối với các nước ven Địa Trung Hải. Hầu hết những quốc gia này, trừ Ma Rốc, đều sở hữu các mỏ dầu khí trong đất liền hoặc ngoài khơi, với trữ lượng khác nhau. Năng lượng hóa thạch vẫn được xem là nguồn thu quan trọng trong tương lai gần. Vì vậy, việc phát hiện những mỏ dầu khí có trữ lượng lớn ở vùng biển phía đông Địa Trung Hải ngay lập tức “khuấy động” tình hình kinh tế, chính trị trong khu vực.
|
Nở rộ giàn khoan
Tờ Le Figaro dẫn lời chuyên gia địa chất học Lucien Montadert nhận định các dự án khoan thăm dò dầu khí sẽ ngày càng nhiều tại Địa Trung Hải, đặc biệt ở khu vực phía đông. Tính đến nay, toàn bộ vùng biển này có 232 giàn khoan khai thác nguồn năng lượng hóa thạch, trong đó 1/3 dành cho dầu mỏ. Các nước sở hữu nhiều giàn khoan là Tunisia (43), Ý (13), Libya (5)... Hiện tại, 11 giàn khác đang tiếp tục được xây dựng ở Ai Cập (6 giàn), Ý (2), Tunisia (2), Croatia (1) và hàng loạt dự án đang chờ chính phủ các nước xét duyệt.
Tình hình “được mùa” giàn khoan tại Địa Trung Hải nhờ vào sự phát triển của khoa học kỹ thuật, giúp khoan được ngày càng sâu hơn. Chuyên gia Lucien Chabason của Viện Phát triển bền vững và quan hệ quốc tế (Pháp) cho Le Figaro biết: “Sau Thế chiến 2, các hãng dầu khí chỉ có thể khoan xuống độ vài chục mét. Ngày nay, việc khai thác năng lượng hóa thạch ở độ sâu trên 2.000 mét là chuyện bình thường”.
|
Nguy cơ về môi trường Theo Le Figaro, việc ồ ạt lập giàn khoan dầu khí tại Địa Trung Hải là một mối họa tiềm tàng cho hệ sinh thái vì tiêu chuẩn về an toàn và môi trường của các nước rất khác nhau. Ở một số quốc gia, vấn đề này không được ưu tiên bằng hiệu quả kinh tế. Kết quả là nhiều giàn khoan đã “có tuổi” vẫn đang hoạt động. Đáng lo ngại hơn, trong trường hợp xảy ra sự cố ở giàn khoan gây tràn dầu, vẫn chưa có hiệp ước nào giữa các nước trong khu vực này về việc xử lý ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, sự gia tăng vận chuyển dầu qua Địa Trung Hải cũng mang đến những nguy cơ cao cho môi trường. Ngay cả khi không xảy ra tai nạn, chỉ riêng việc dọn dẹp vệ sinh của các tàu chở dầu cũng xả thẳng ra biển từ 100.000 - 250.000 tấn dầu/năm. |
Trữ lượng khí đốt cao kỷ lục
Các dự án thăm dò rầm rộ đã tỏ ra hiệu quả khi một số mỏ khí đốt có trữ lượng lớn nhất trong hơn một thập niên qua đã được tìm thấy ở vùng biển phía đông Địa Trung Hải, theo Đài truyền hình France 24. Năm 2010, tại vùng biển cách thành phố cảng Haifa, phía bắc Israel 130 km, tập đoàn dầu khí Noble Energy của Mỹ đã phát hiện ra 2 mỏ khí đốt Tamar (238 tỉ m3) và Leviathan (hơn 400 tỉ m3) ở độ sâu hơn 1.600 mét. Việc khai thác dự kiến có thể bắt đầu từ năm 2017. Giữa năm 2011, các chuyên gia lại tìm thấy 2 mỏ Sarah và Mira có tổng trữ lượng khoảng 184 tỉ m3 ở vùng biển cách thành phố Hadera phía bắc nước này 70 km.
Trữ lượng khổng lồ của những mỏ này ước tính có thể đáp ứng nhu cầu của Israel trong 25 năm tới. Nhờ đó, nước này không chỉ tự chủ về năng lượng, mà còn có thể trở thành quốc gia xuất khẩu khí đốt. Tiềm năng về kinh tế quá lớn, lại nằm ở vùng biển còn đang tranh chấp về chủ quyền giữa Israel và Li Băng nên các mỏ khí đốt nói trên ngay lập tức đã làm “tăng nhiệt” quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai nước.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)