Gấu trúc hay ong?

15/02/2012 03:02 GMT+7

Trước số lượng sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng lớn, các nhà hoạt động vì môi trường đang đau đầu khi phải chọn ra loài ưu tiên cho công tác cứu hộ.

Trước số lượng sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng lớn, các nhà hoạt động vì môi trường đang đau đầu khi phải chọn ra loài ưu tiên cho công tác cứu hộ.

Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) chuẩn bị thực hiện hàng chục dự án thuộc chương trình SOS (“Save our species” - tạm dịch “Cứu lấy các loài quanh ta”). Chương trình này do IUCN phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Quỹ môi trường thế giới tổ chức, với mục tiêu đến năm 2015 sẽ trở thành quỹ quốc tế lớn nhất về giữ gìn sự đa dạng sinh học, theo báo Le Monde.

Chiến lược lâu nay là dùng hình ảnh của những loài có nguy cơ tuyệt chủng mang tính biểu tượng cao về mặt truyền thông như gấu trúc, cọp, báo tuyết, tê giác, khỉ đột… Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng để bảo vệ môi trường thiên nhiên, không thể chỉ tập trung mọi ngân sách vào các “ngôi sao”, trong khi số phận hàng chục ngàn loài động - thực vật khác cũng rất mong manh.

Chuyên san Conservation Biology đã thực hiện thăm dò về chiến lược gìn giữ sự đa dạng sinh học vào cuối năm 2011. Giáo sư chuyên ngành kinh tế môi trường Murray Rudd thuộc Đại học York (Anh) đã thu thập câu trả lời của 583 chuyên gia đến từ nhiều quốc gia. Hầu hết (99,56%) những người được hỏi đều đồng ý rằng chính hoạt động của con người đã làm tính đa dạng sinh học bị suy giảm nghiêm trọng. Về biện pháp giải quyết, các ý kiến có nhiều khác biệt, đặc biệt trong vấn đề chọn loài nào, bỏ loài nào nếu không đủ kinh phí để bảo tồn tất cả.

Trên lý thuyết, giá trị về mặt sinh thái của các loài đều ngang nhau. Nhưng thực tế cho thấy, ngay cả một chương trình do 3 tổ chức rất có uy tín phối hợp thực hiện như SOS, số tiền thu được vẫn chưa như mong đợi. Chính vì vậy, nhiều nhà khoa học đang đề cao tính thực dụng khi thực hiện các chương trình bảo tồn. Trong thăm dò nói trên, có đến 50,3% chuyên gia “đồng ý” với giải pháp tập trung nguồn ngân sách để bảo vệ các loài động - thực vật có khả năng phục hồi số lượng cao nhất, hơn là bỏ tiền vào những loài mà sự tồn vong chỉ còn tính theo ngày với những cá thể cuối cùng còn sót lại.

Nhưng nên chọn gấu trúc hay ong? Cọp hay giun đất? Những loài vật có vẻ “tầm thường” như ong lại giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với sự vận hành của hệ sinh thái, cả tự nhiên lẫn nhân tạo. Cách đây vài năm, truyền thông Pháp liên tục giật tít trang nhất về việc một số ngành trồng trọt của nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do số lượng ong giảm vì các tác động xấu của môi trường. Không có vật trung gian giúp cây thụ phấn, nông dân sẽ bị mất mùa. Các chuyên gia đầu ngành về nông nghiệp, sinh thái… đã phải cấp tốc thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ ong để ổn định lại tình hình.

Tuy nhiên, nếu đem ong, ốc sên hay giun đất ra làm biểu tượng thì sẽ khó “lay động lòng người” như gấu trúc, cọp hay đười ươi. Báo Le Monde dẫn lời Giám đốc chương trình SOS Jean-Christophe Vié nhận định: “Hãy nhìn vật may mắn của các đội tuyển bóng đá thì biết. Bạn có thể tưởng tượng những đội này sẽ được mệnh danh là… Kiến Cameroon hay Bọt biển Colombia? Nếu so sánh, đương nhiên hình ảnh dũng mãnh của các loài săn mồi sẽ thắng thế”.

Có quá nhiều khó khăn để tìm lối ra vẹn toàn cho 20.000 loài đang bị đe dọa trong Sách đỏ của IUCN. Hiện các nhà khoa học đang thực hiện một số biện pháp được xem là đạt kết quả cao. Trước tiên là về mặt địa lý, chọn đầu tư bảo tồn vào những vùng có hệ sinh thái phong phú nhất với nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng. Từ 20 năm nay, Tổ chức Bảo tồn quốc tế đã khoanh vùng 34 “điểm nóng” về đa dạng sinh học. Những vùng này chỉ chiếm 2,3% diện tích trái đất nhưng là nơi sinh sống của 90% sinh vật của hành tinh xanh.

Biện pháp tiếp theo là chọn những loài mà công tác bảo tồn có thể giúp ích cho nhiều loài khác. Ví dụ cọp,  chúa tể sơn lâm là hình ảnh sáng giá để thu hút nhiều nguồn tài trợ. Không chỉ thế, loài này phụ thuộc lớn vào môi trường xung quanh nên cần phải giữ gìn cả hệ động - thực vật nơi chúng sinh sống. Nói cách khác, bảo tồn cọp đồng nghĩa với việc bảo tồn cả cánh rừng rộng lớn. Ngoài ra, việc chọn loài cũng có thể dựa trên nguyên tắc bảo đảm sự đa dạng về mặt tiến hóa: thay vì bảo vệ cùng lúc 3 loài ếch, cần ưu tiên bảo vệ 3 đại diện lưỡng cư khác nhau (như ếch, cóc, kỳ giông). 

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.