Đưa con đi tiêm chủng, nhiều phụ huynh ra về vẫn không đủ thông tin về lọ văcxin vừa được nhân viên y tế sử dụng...
Sự cố tiêm văcxin hết hạn tại Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương lộ ra ngày 7-2 khiến nhiều bậc phụ huynh “ngã ngửa” vì trước nay quá chủ quan khi đưa con đi chích ngừa.
“Không biết kêu ai”
Chị Trần Ngọc Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) than: “Ngay Làng quốc tế Thăng Long gần nhà tôi có phòng tiêm chủng hiện đại của một đơn vị uy tín. Song, khi biết chuyện Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tiêm văcxin hết hạn, tôi mới giật mình vì hàng chục lần tiêm cho cậu con trai gần 2 tuổi tại đây nhưng chưa bao giờ tôi biết mặt mũi của các loại văcxin bác sĩ tiêm cho con là gì”.
Theo chị Ngọc Anh, khi đến tiêm chị nộp tiền, rồi đưa con vào tiêm mà cán bộ tiêm chủng không hề đưa lại cho chị vỏ hộp văcxin để xem. Đó là lý do khiến chị lo lắng “không biết kêu ai” về giá trị của các loại văcxin đã sử dụng cho con vì chưa từng tận mắt thẩm định.
Nỗi lo lắng của chị Ngọc Anh không phải cá biệt sau khi sự cố bất ngờ xảy ra tại địa chỉ tiêm chủng văcxin đầu ngành của cả nước. Chị Lê Quỳnh Trang - mẹ của bé gái 2 tuổi rưỡi bị tiêm thuốc ngày 7-2 bằng thuốc hết hạn từ ngày 1-2, đã phát hiện sai sót của nhân viên y tế khi cẩn thận kiểm tra lại vỏ hộp văcxin sau khi tiêm. Tuy nhiên, cùng lô thuốc này, có bốn trẻ khác đã bị tiêm thuốc quá hạn mà các bậc phụ huynh của các em đã không phát hiện.
Theo ông Nguyễn Trần Hiển - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, viện sẽ phải có trách nhiệm liên hệ với những trường hợp này, nếu cần sẽ xét nghiệm phát hiện kháng thể sau tiêm để quyết định trẻ cần tiêm lại hay không.
Thực tế nhiều phụ huynh với tâm lý “sợ”, “ngại” khi đến cơ sở y tế nên không hỏi thêm về văcxin khi đưa trẻ đi tiêm phòng. Nhiều người từng bị nhân viên y tế ở đó quát nạt khi cố tình hỏi nhiều nên càng ngại. Trong khi đó, nguyên tắc tiêm chủng an toàn là trước khi tiêm, cán bộ tiêm chủng phải giới thiệu đầy đủ về tác dụng của văcxin, những biến chứng có thể xảy ra, cách theo dõi phản ứng của trẻ sau tiêm, hạn dùng và các thông tin khác của thuốc. Quy định theo dõi trẻ, nhất là trẻ sơ sinh sau tiêm 30 phút ngay tại điểm tiêm chủng do đó cũng không được thực hiện đầy đủ. Nhiều bà mẹ ngay sau khi con tiêm là vội vàng đưa về nhà mà không hề có sự ngăn cản, hướng dẫn nào của nhân viên y tế.
Tự bảo vệ
Sau sự cố tiêm văcxin hết hạn, nhiều phụ huynh đã có tâm lý “tự bảo vệ” tốt hơn. Có mặt tại trung tâm tiêm dịch vụ của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương sáng 13-2, chúng tôi nhận thấy hầu hết phụ huynh đưa con đi tiêm đều yêu cầu xem vỏ hộp thuốc sẽ tiêm cho con mình.
Thực tế, tâm lý “ngại hỏi” vì... sợ còn phổ biến hơn ở các trung tâm tiêm chủng đông đúc. Chị Vũ Thanh (Hà Nội) kể khi đưa con đến phòng tiêm chủng, do phòng tiêm đông, vừa tiêm cho bé đã có người khác sẵn sàng thế chỗ nên không có dịp hỏi kỹ hơn về các loại văcxin sử dụng.
Ngày 9-2, tại cuộc họp báo sau khi sự cố tiêm văcxin hết hạn xảy ra, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển khẳng định biện pháp ngăn chặn quan trọng những lỗi tương tự của cán bộ tiêm chủng có thể xảy ra là hệ thống tiêm chủng phải ghi đầy đủ hướng dẫn tiêm chủng an toàn để người dân giám sát tại chỗ khi đưa con em đi tiêm. Tuy nhiên, khảo sát một số phòng tiêm chủng, chúng tôi nhận thấy đa số những nơi này đều thiếu bảng hướng dẫn.
“Tôi bắt đầu có thói quen xem vỏ hộp thuốc sau hàng loạt ca tai biến dẫn đến tử vong ở trẻ vừa tiêm văcxin viêm gan B năm 2006. Có lẽ, trước khi chờ ngành y tế chủ động thông tin, người bệnh phải tự bảo vệ mình” - chị Trang chia sẻ.
Để tiêm chủng an toàn Ngoài những thông tin về văcxin được cung cấp từ nhân viên y tế, phụ huynh cần chủ động thông báo tình hình sức khỏe của trẻ cho phòng tiêm chủng trước khi quyết định tiêm. Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, trẻ có thể phải hoãn tiêm khi: - Nếu đến thời điểm cần tiêm phòng bé đang bệnh, đặc biệt là đang sốt. - Trẻ đang có tình trạng dị ứng, có phản ứng ở lần tiêm phòng trước, trẻ có kích động, có vấn đề về não, thần kinh, những trẻ đang có suy giảm miễn dịch mắc phải (nhiễm HIV) hay bẩm sinh, tạm thời (đang uống thuốc ức chế miễn dịch: gamma globulin, corticoid... trong vòng ba tháng), trẻ có truyền máu trong vòng một năm, trẻ đã tiêm văcxin trong vòng bốn tuần trước đó. - Trong tiêm phòng văcxin, hai loại văcxin sống không nên tiêm gần quá quá tuần (lao, sởi, thủy đậu...). Việc tiêm nhiều hơn một mũi văcxin ngoài việc tăng đau đớn cho trẻ, khi có tình trạng phản ứng xảy ra rất khó theo dõi dị ứng là do văcxin nào. Vì vậy, tốt nhất nên tiêm một văcxin/mỗi lần tiêm. |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)