Mức phí áp dụng từ ngày 25.2 tới đây cho đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (tối đa lên đến 320.000 đồng/lượt) được đánh giá là quá đắt so với chất lượng và tiện ích của con đường này.
Không hấp dẫn tài xế
Theo ghi nhận mới nhất của Thanh Niên, các vị trí hư hỏng, “ổ gà” trên đường cao tốc hiện đã được trám, sửa để phục vụ việc thu phí. Tuy nhiên, dọc tuyến vẫn tồn tại các gờ cao thấp, nhiều vị trí lồi lõm khiến xe cộ bị dằn xóc khi lưu thông, nhất là tại các đoạn lên và xuống các cầu vượt, đoạn qua các khe co giãn bằng sắt... Điều này khiến việc lưu thông trên đường cao tốc không thể đạt được tốc độ tối đa như mong muốn. Ông Đặng Đức Tiệp - Giám đốc Công ty TNHH vận tải Đặng Tiến - nhận xét, đường cao tốc cho phép lưu thông với tốc độ tối đa 120 km/giờ, song thực tế nhiều đoạn chỉ đạt khoảng 70 - 80 km/giờ.
Cùng một quãng đường TP.HCM - Tiền Giang, xe đi đường cao tốc có thể giảm khoảng 25 - 30 phút so với chạy trên QL1A, đó là lợi thế lớn nhất của đường cao tốc hiện nay. Tuy nhiên, nhiều tài xế không có nhu cầu tiết kiệm thời gian đến mức sẵn sàng đóng phí vài trăm ngàn đồng để được đi nhanh hơn. Bởi thông thường các tài xế vận tải hàng hóa, hành khách, trung bình chỉ chạy 1 - 2 chuyến/ngày, nếu nhanh được vài chục phút cũng không thể chạy thêm chuyến, tức không được lợi nhiều về kinh tế. Chưa kể, chạy trên đường cao tốc, các hao mòn về máy móc, vỏ xe cũng nặng hơn rất nhiều so với chạy tốc độ thấp trên QL1A. Nếu chẳng may xảy ra sự cố, chi phí cứu hộ, sửa chữa, bồi thường trên đường cao tốc cũng cao gấp 5 - 7 lần bình thường. Do đó, nếu áp mức phí cao như dự tính, hầu như rất ít tài xế chọn lưu thông trên đường cao tốc, để tránh lỗ nặng.
Thực tế, ngay từ đầu tháng 1.2012, lượng xe cộ lưu thông trên QL1A qua địa bàn tỉnh Long An và Tiền Giang đã tăng đột biến, trong khi xe trên đường cao tốc giảm rõ rệt, do nhiều tài xế nhầm tưởng đường cao tốc bắt đầu thu phí từ 1.1.2012.
Đồng quan điểm, ông Lương Hoàng Trung - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - cho rằng, mức phí dự kiến áp dụng là quá cao, có thể làm đội giá thành vận tải hàng hóa lên ít nhất 20%. Một chuyến xe tải, container chỉ có một chiều chở hàng, chiều còn lại quay về xe rỗng mà phải trả phí cả đi lẫn về lên đến 640.000 đồng thì quá đắt đỏ, không doanh nghiệp, tài xế nào kham nổi. Điều này buộc họ phải quay lại với sự lựa chọn cũ là QL1A để tiết giảm chi phí. “Vấn đề là phải đưa ra mức phí hợp lý để khuyến khích người dân lưu thông, chứ áp dụng mức thu quá cao chẳng khác nào dựng một hàng rào ngăn người dân đi đường cao tốc. Cảnh quá tải nghiêm trọng trên QL1A sẽ tái diễn, còn đường cao tốc đầu tư cả chục nghìn tỉ đồng sẽ bị bỏ trống rất lãng phí. Nghịch lý này sẽ đánh mất mục tiêu chiến lược của hệ thống đường cao tốc là tăng tốc độ xe và thúc đẩy nền kinh tế khu vực phát triển" - ông Trung nói.
|
Không công bằng
Để tránh tình trạng xe cộ né đường cao tốc bằng cách đi QL1A, các cơ quan chức năng đã tính toán xây trạm thu phí trên QL1A (thuộc TP.Tân An, tỉnh Long An). LS Thái Văn Chung (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, như thế là không công bằng. Người dân có quyền lựa chọn đi QL1A chậm hơn nhưng không mất phí; hoặc đi đường cao tốc nhanh hơn, tốt hơn nhưng phải trả phí. Không thể dồn ép người dân đi đường cao tốc bằng cách xây một trạm thu phí khác trên QL1A. Chưa kể, trạm thu phí hoàn vốn cho đường cao tốc nhưng lại đặt trên QL1A là sai đối tượng, sai nguyên tắc. Điều này vi phạm quy định “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ” của pháp lệnh Phí và lệ phí. Nghĩa là, có sử dụng dịch vụ thì mới trả phí, nếu người dân không sử dụng đường cao tốc mà vẫn phải đóng phí khi đi qua trạm thu phí QL1A là bất hợp lý.
Ông Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM - cho rằng, trong giai đoạn đầu, nên áp dụng phí thấp để khuyến khích người dân lưu thông, nếu cần có thể kéo dài thời gian thu phí. Về lâu dài, khi đã hoàn thành đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ tạo thành tuyến thông suốt từ TP.HCM - Cần Thơ, nhà nước có thể xem xét cho chủ đầu tư bù thu bằng cách quảng cáo hai bên đường, kinh doanh các trạm dịch vụ dọc tuyến. Theo kinh nghiệm các nước trên thế giới, khi xây đường cao tốc qua các vùng kinh tế khó khăn, bao giờ nhà nước cũng hỗ trợ kinh phí hoặc cho doanh nghiệp khai thác dịch vụ để tăng thu và giữ giá vé ở mức thấp.
Theo Bộ GTVT, từ 8 giờ ngày 25.2.2012, đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (dài 40 km) sẽ thu phí với các mức cụ thể như sau: Xe dưới 12 chỗ, xe dưới 2 tấn và các loại xe buýt là 1.000 đồng/km. Xe từ 12 - 30 chỗ, xe từ 2 đến dưới 4 tấn là 1.500 đồng/km. Xe từ 31 chỗ trở lên, xe từ 4 đến dưới 10 tấn là 2.200 đồng/km. Xe từ 10 - 18 tấn và container 20 feet là 4.000 đồng/km. Xe 18 tấn trở lên và container 40 feet là 8.000 đồng/km (toàn tuyến cao tốc hiện nay dài 61,9 km). Phí sẽ được tính trên số km thực tế lưu thông. Khi bắt đầu vào đường cao tốc, tài xế dừng ở trạm thu phí để nhận vé (dạng thẻ từ). Trên vé có ghi các thông tin về địa điểm, mã trạm ngõ vào đường cao tốc, loại xe. Khi ra khỏi đường cao tốc, tài xế xuất trình vé đã nhận, máy sẽ kiểm tra và xác định số km mà phương tiện đã lưu thông trên đường cao tốc, đồng thời tính tiền và in chứng từ thanh toán. |
Phương Thanh
Bình luận (0)