Nóng chuyện loạn ấn, cấp phép biểu diễn

17/02/2012 03:53 GMT+7

Chiều 16.2, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ về các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch.

Chiều 16.2, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã tổ chức buổi họp báo thường kỳ về các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch.

 
Ấn Đền Trần tại Nam Định - Ảnh: Minh Sang 

Ấn đền Trần xuất hiện ở nhiều nơi

Nhiều người lo ngại có hay không chuyện “nở rộ” lễ hội đền Trần. Hiện nay, lễ hội đền Trần không chỉ diễn ra tại Nam Định, mà còn ở Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hải Dương. Bên cạnh đó, không chỉ ở Nam Định, giờ đây ấn đền Trần còn xuất hiện tại Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương. Ông Vũ Xuân Thành (Chánh thanh tra, Bộ VH-TT-DL) cho biết: “Đó là việc làm lén lút, vi phạm, chứ không có chuyện công khai. Năm trước, Bộ đã có ý kiến, tổ chức hội đồng thẩm định về chiếc ấn tại Thái Bình và quyết định không đồng ý cho phát ấn. Thái Bình đã chấp hành nghiêm. Việc phát ấn tại Tràng Kênh, Hải Phòng cũng không có trong nội dung lễ hội. Nếu có thì đó là việc làm chui”.

Chúng ta cần phải thông cảm, số lượng ấn có hạn. Nếu cứ phát ngày này qua ngày khác, mất tính thiêng của ấn đi.

Ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra, Bộ VH-TT-DL

Mặc dù, nhiều người dân bất bình về việc đến lễ hội Đền Trần (Nam Định) nhưng không nhận được ấn với lý do nhà đền hết ấn, nhưng ông Vũ Xuân Thành cho rằng việc thực hiện đề án tổ chức lễ hội năm nay là rất tốt. Bản báo cáo của tỉnh Nam Định cũng cùng chung nhận xét. Về việc thông báo phát ấn đến hết tháng giêng âm lịch, nhưng chỉ sau một ngày phát là hết ấn, ông Thành bày tỏ: “Chúng ta cần phải thông cảm, số lượng ấn có hạn. Nếu cứ phát ngày này qua ngày khác, mất tính thiêng của ấn đi. Ấn hết rồi thì thôi, đâu phải có kế hoạch sản xuất gì”.  

Chưa trả tác quyền vẫn được cấp phép

Các chương trình biểu diễn vẫn được cấp phép dù chưa trả tiền tác quyền âm nhạc là một trong những vấn đề được chất vấn trong cuộc họp ngày hôm qua. Trả lời về vấn đề này, ông Phạm Đình Thắng - Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - nêu rõ: “Trong tất cả các quy định của pháp luật, khi cấp phép, trong thủ tục hồ sơ không phải chứng minh đã đóng tác quyền âm nhạc. Hiện nay các cơ quan cấp phép đang thực hiện đúng như vậy”. Cũng theo ông, một chương trình biểu diễn được tạo nên bởi nhiều yếu tố khác nhau như âm thanh, ánh sáng, múa, biên đạo, đạo diễn… nếu chỉ đóng tác quyền âm nhạc mới được cấp phép là trái với quy định. Ông Thắng cho biết Cục Nghệ thuật biểu diễn khuyến khích bên tổ chức cần thỏa thuận tác quyền với đơn vị được ủy quyền thu hộ. Nghị định mới đang trình Chính phủ, thủ tục cấp phép tổ chức biểu diễn cũng không phải chứng minh đã đóng tác quyền. “Nếu yêu cầu đóng tác quyền tất cả các yếu tố nêu trên, tập hồ sơ xin cấp phép sẽ dày cộp. Chúng tôi muốn giảm tải mọi thủ tục phiền hà cho việc tổ chức biểu diễn”.

Cũng trong sáng hôm qua, tại Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, hơn 30 nhạc sĩ đã ký vào văn bản kiến nghị, gửi đến các cơ quan chức năng để phản đối Cục Nghệ thuật biểu diễn, các sở văn hóa - thể thao - du lịch địa phương đã cấp phép tổ chức biểu diễn mà không nhận được sự đồng ý của tác giả.

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, từ ngày 23.1 đến 9.2.2012, lượng du khách tới lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ) là 2 triệu lượt người, Yên Tử (Quảng Ninh) hơn 60 vạn, Chùa Hương (Hà Nội) hơn 50 vạn, Chùa Bà (Bình Dương) hơn 1 triệu, Đền Bà Chúa Xứ (An Giang) hơn 30 vạn, Đền Trần (Nam Định) hơn 25 vạn, Đền Trần (Thái Bình) hơn 8 vạn…

Ngọc An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.