"Treo diễn": Khó cho nhà tổ chức

17/02/2012 08:55 GMT+7

“Treo diễn” là điều đáng làm nhưng nếu quy định không cụ thể sẽ gây rối loạn trong thẩm định và xử phạt.

“Treo diễn” là điều đáng làm nhưng nếu quy định không cụ thể sẽ gây rối loạn trong thẩm định và xử phạt.

Không chỉ đề nghị “treo diễn” nghệ sĩ vi phạm, Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết sẽ đưa vào dự thảo của nghị định mới về trách nhiệm của nhà tổ chức, người thực hiện chương trình khi để xảy ra những sai phạm về biểu diễn của nghệ sĩ tham gia. Các nhà tổ chức biểu diễn cho rằng đây là một quyết định hợp lý, dù để thực hiện được không phải đơn giản.

Thót tim vì “sáng tạo” của nghệ sĩ

Biên tập viên Quỳnh Hương (Đài Truyền hình TPHCM - HTV) ủng hộ đề xuất này của Cục Nghệ thuật biểu diễn. “Nhìn cách ăn mặc của nhiều ca sĩ biểu diễn trong các chương trình nhạc trẻ bây giờ, tôi thấy lo ngại vì không biết đó có phải là trang phục hay không, chỗ nào cũng hở, táo bạo đến mức không thể chấp nhận được. Phương tiện truyền thông có tác động mạnh mẽ đối với công chúng nên tác hại của những bộ trang phục thiếu trước hụt sau đó ảnh hưởng không tốt nếu khán giả trẻ bắt chước. Chính vì vậy, hơn ai hết, tôi luôn mong kiến nghị đó trở thành luật và được áp dụng sớm” – Quỳnh Hương lý giải.

 
Ca sĩ Thu Minh - nỗi lo của các nhà tổ chức biểu diễn về những bộ trang phục trình diễn gây tranh cãi. Ảnh: C.T.V

Quỳnh Hương còn cho biết một trong những quy định hàng đầu của HTV là nghiêm cấm tình trạng nghệ sĩ ăn mặc quá hở hang, phản cảm khi biểu diễn. Quy định này khiến HTV nổi tiếng “khắt khe” đối với trang phục biểu diễn của ca sĩ, diễn viên. Mỗi chương trình của HTV có sẵn biên tập viên đứng ở hậu trường nhắc nhở nghệ sĩ nếu có trường hợp áo quá hở, váy quá ngắn. “Nói điều đó để khẳng định những lo ngại của cơ quan quản lý dẫn đến kiến nghị thực hiện hình phạt “treo diễn” đối với ca sĩ, diễn viên vi phạm quy định trang phục biểu diễn là có lý”- Quỳnh Hương thẳng thắn.

Bà Trần Thanh Hương, biên tập chương trình m nhạc và bước nhảy, Tình khúc vượt thời gian trên kênh VTV9, cho biết khi làm chương trình, bà luôn phải dặn các nghệ sĩ mặc trang phục không được quá ngắn, quá hở. Tuy nhiên, dù đã dặn dò kỹ càng nhưng không ít lần nghệ sĩ vẫn cho nhà tổ chức thót tim vì sự “sáng tạo” của mình. Nhiều ca sĩ khoác thêm khăn bên ngoài trang phục nên trông rất kín, rất ổn nhưng khi đi ra sân khấu trình diễn xoay người qua lại rồi buông khăn, cởi áo khoác bên ngoài khiến người tổ chức không trở tay kịp.

Khó kiểm soát trang phục

Chưa có tiêu chí đo đếm

Bà Trần Thanh Hương cho rằng rất khó xác định trang phục của nghệ sĩ trình diễn có phản cảm hay không. Thực tế, đến nay chưa có tiêu chí cân đong đo đếm xem trang phục thế nào là phản cảm. Bà Hương cho biết có nhiều bộ trang phục thấy bình thường nhưng do góc chụp của phóng viên nên hình ảnh khi đăng lên báo lại thấy khó chấp nhận.

Bà Hoài Oanh cũng khẳng định để đánh giá trang phục nghệ sĩ phản cảm hay không, phải có những quy định cụ thể. Ví như về độ ngắn dài, dài mà trong suốt thì có gọi là phản cảm không hay cứ trang phục hở nội y thì là phản cảm?

Theo quy định, khi duyệt chương trình, hội đồng phải duyệt cả trang phục nghệ sĩ. Tuy nhiên, một nhà tổ chức biểu diễn cho biết gần như 99% chương trình đều chỉ duyệt nội dung chứ không duyệt được trang phục.

Ca sĩ Pha Lê thừa nhận buổi sáng chạy chương trình mà mặc đồ diễn thì rất ngại nên các ca sĩ ít tuân theo quy định này.

Bà Trần Thanh Hương cho biết nhà tổ chức đôi khi cũng rất bị động vì chương trình diễn ra vào buổi tối nhưng đến chiều hôm đó, trang phục diễn của ca sĩ, diễn viên mới hoàn thành nên không thể kiểm soát được.

Đạo diễn Vi Mỹ khẳng định những người chịu trách nhiệm đầu tiên cho tình trạng hở hang, phản cảm trên sân khấu là đạo diễn và nhà tổ chức chương trình vì họ đủ khả năng và quyền lực để chi phối đến mọi chi tiết, trong đó có cả trang phục diễn của ca sĩ, diễn viên. Chính vì vậy, điều quan trọng nhất để tạo nên một chương trình sạch, không xì- căng- đan về trang phục chính là thẩm mỹ của đạo diễn. “Bản thân tôi từng hợp tác với nhiều ca sĩ, trong đó có cả những người từng bị phản đối về trang phục diễn. Với sự thuyết phục hợp tình hợp lý, chúng tôi luôn đạt được thỏa thuận tích cực để bảo đảm cho chương trình” - đạo diễn Vi Mỹ tiết lộ.

Theo bà Trần Thanh Hương, kiểm soát được nghệ sĩ về trang phục đối với nhiều nhà tổ chức không phải là chuyện đơn giản. Người làm lâu năm trong nghề được ca sĩ nể thì không khó khăn nhưng với những nhà tổ chức mới, họ luôn bị qua mặt vì tiếng nói không trọng lượng. Về việc này, bà Hoài Oanh, một nhà tổ chức biểu diễn có tiếng tại Hà Nội, cho biết bà đã phải “gào thét, gầm rú” để có thể kiểm soát được chương trình. Trước các sự kiện, bao giờ nhà tổ chức cũng phải kiểm duyệt trang phục nghệ sĩ bằng cách duyệt ảnh trên email xem có phù hợp với chương trình đó hay không nhưng không phải lúc nào nghệ sĩ cũng chịu cho mình duyệt, đây cũng là việc hết sức tế nhị, sẽ dễ gây mất lòng.

Cũng có trường hợp đạo diễn, nhà tổ chức chương trình yêu cầu ca sĩ, diễn viên ăn mặc kín đáo và các ca sĩ, diễn viên này chấp hành nhưng lại chọn trang phục thun ôm sát thân hình từ cổ đến bàn chân nên cũng tạo ra sự phản cảm đối với nhiều người. Đó là chưa kể sự phản cảm được nhìn nhận trong động tác trình diễn vuốt ve thân thể của chính ca sĩ đó chứ không phải trong trang phục.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.