An toàn cho nhà báo

18/02/2012 03:35 GMT+7

Hội thảo “Tạo dựng môi trường tác nghiệp an toàn cho báo chí” do Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển RED (thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam) tổ chức từ ngày 13-17.2 tại Đà Nẵng và Đắk Lắk đã thu hút sự chú ý không chỉ các nhà báo mà còn với các cơ quan quản lý báo chí trên địa bàn.

Phần lớn các nhà báo phát biểu tại hội thảo đều “kể khổ” trong quá trình tác nghiệp - không phải khổ vì hoạt động trong môi trường thiên tai bão lũ hay sập cầu cháy chợ mà khổ từ chính những đối tượng mà nhà báo cần khai thác - để cuối cùng các ý kiến đều đưa ra câu hỏi: Ai bảo vệ nhà báo? Hay nói khác đi: Chiếc áo giáp nào có thể che chắn nhà báo khi tác nghiệp mà khỏi bị “văng mảnh” từ các đối tượng được nhà báo tiếp cận khi điều tra vụ việc?

Nghị định 02/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí xuất bản chưa đủ mạnh để có thể tạo một hành lang an toàn cho nhà báo khi họ hoạt động hợp pháp, đúng luật. Việc phạt tiền từ 5 triệu đến 30 triệu tại điều 6 của nghị định trên đối với những hành vi cản trở hoặc xúc phạm danh dự nhà báo trong quá trình tác nghiệp chỉ mang tính tượng trưng hơn là trên thực tế. Chuyện nhà báo bị các đối tượng “làm khó” hoặc bị xúc phạm trong quá trình hành nghề đã trở thành chuyện bình thường mỗi ngày, nhưng có mấy khi các đối tượng ấy bị phạt tiền! Vì vậy, việc bổ sung tội danh cản trở hoặc hành hung nhà báo trong quá trình tác nghiệp vào bộ luật Hình sự là rất cần thiết - theo các ý kiến tại cuộc hội thảo. Dựa vào cơ sở pháp lý này, các nhà báo có thêm chiếc “áo giáp” để bảo vệ mình khi tác nghiệp và cơ quan chức năng cũng có cơ sở để xử lý triệt để hơn các trường hợp cản trở hoặc hành hung nhà báo. Thực tế cho thấy, hàng loạt các vụ hành hung nhà báo khi tác nghiệp trong thời gian qua, sau một thời gian “ồn ào” trên các trang báo, chủ yếu là các đồng nghiệp bảo vệ nhau, cuối cùng rồi cũng “chìm xuồng”!

Con số thống kê qua một cuộc điều tra của RED đáng để cho tất cả chúng ta phải suy ngẫm: Có đến 87,9% trong số 327 nhà báo được hỏi đã nói rằng họ từng (hoặc luôn luôn) bị cản trở trong quá trình tác nghiệp. Nhẹ thì quay lưng không hợp tác như vụ ông Chủ tịch huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền “vội vã lách đám phóng viên chờ suốt buổi để phỏng vấn vụ phá nhà ông Vươn rồi lên ô tô đóng sầm cửa, biến luôn vào bóng tối”, nặng thì bị chửi bới, lăng mạ như trường hợp phóng viên Duy Khánh của Báo An ninh Thủ đô khi phóng viên này tác nghiệp tại khu vực gần ga Phú Diễn, H.Từ Liêm, Hà Nội; nặng thêm nữa là bị hành hung gây thương tích như trường hợp phóng viên Trần Thế Dũng của Báo Người Lao Động bị một nhóm cửu vạn ở biên giới Lạng Sơn đánh cho choáng váng rồi chở thẳng vào… trụ sở công an như một lời thách đố giữa thanh thiên bạch nhật về hành vi ngang ngược của nhóm côn đồ này.

Nghề báo là một nghề nguy hiểm. Sự thừa nhận ấy của xã hội về sự nguy hiểm của nghề báo đồng thời cũng là lời động viên luôn thôi thúc nhà báo hướng về phía trước, phía lương thiện. An toàn cho mình là điều mà tất cả các nhà báo đều mong muốn, dĩ nhiên “an toàn” chứ không phải “cầu toàn”.

Trần Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.