>> Cột thiêng nơi địa đầu Tổ quốc
Những người lính hiên ngang giẫm lên đám mìn đã được đối phương châm ngòi...
|
Đấu tranh bảo vệ chủ quyền cần mềm dẻo nhưng phải rất cương quyết và có quan điểm, lập trường rõ ràng. Lực lượng ta ít hơn, mỏng hơn nhưng khi ta có sức mạnh lý lẽ và thái độ quyết tâm thì họ cũng không thể lấn át. Đây là những kinh nghiệm mà Đồn Săm Pun đã rút ra trong cuộc đấu tranh trường kỳ với những thủ đoạn xâm lấn của phía bên kia.
Trung tá Vịnh vẫn nhớ như in chuyện chiến sĩ La Văn Tuệ của Đồn Săm Pun bị đối phương bí mật bắt cóc hồi năm 1994. Ngay sau khi phát giác vụ việc, Đồn Săm Pun cử đoàn trực tiếp sang thẳng trạm biên phòng của họ để đấu tranh, phản đối. Trạm trưởng của phía đối diện không ra mặt mà đưa một tiểu đội lính cầm súng, dàn hàng ngang trước của đồn chặn không cho đoàn của ta vào. “Ngay lúc đó tôi hô anh em xếp hàng đẩy đổ hàng rào người này và tràn vào, xông thẳng vào phòng trạm trưởng của họ quyết liệt yêu cầu thả người. Thấy ta làm căng quá, họ đành phải xuống nước, thả đồng chí Tuệ ra”, trung tá Vịnh kể lại.
Có những thời điểm, người lính áo xanh sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Năm 1997, lợi dụng việc làm đường phục vụ cho phân giới cắm mốc (PGCM), lực lượng vũ trang phía bên kia thường xuyên cố tình cài hàng trăm quả mìn ống (1) lấn sâu vào đất của ta. Mỗi ống mìn dài 70 cm, nặng 3,6 kg, khi nổ có thể tạo thành những rãnh hào sâu tới 50 cm, kéo dài hàng mét. Mục tiêu của họ là sau đó sẽ làm đường lấn vào những khu vực này. Trong sự kiện diễn ra ngày 6.5.1997, cán bộ, chiến sĩ Đồn Săm Pun đã tràn xuống đấu tranh, ngăn chặn và tịch thu toàn bộ số mìn có khối lượng lên tới gần một tấn này.
Trong một lần đấu tranh chống hoạt động này, Trung đội trưởng Trần Mạnh Quân (Đồn Săm Pun) thậm chí đã phải nhảy lên đứng trên đống mìn mà lúc đó đối phương đã châm ngòi. “Nếu phía đối phương không chịu xuống nước thì không chỉ anh Quân mà nhiều cán bộ, chiến sĩ của ta đứng quanh đó cũng có thể bị mìn thổi tung”, trung tá Vịnh nhớ lại. Choáng váng trước tinh thần sẵn sàng hy sinh của bộ đội Việt Nam, phía bên kia đã buộc phải dập tắt ngòi nổ, tạm ngừng hoạt động xâm lấn. Đã gần 15 năm kể từ ngày ấy, Trung đội trưởng Trần Mạnh Quân giờ cũng là cán bộ công tác tại Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh nhưng câu chuyện về anh vẫn được nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hà Giang nhắc đến.
Những ngày gian khó
Cứng rắn, cương quyết trong những cuộc đấu tranh chống lấn chiếm chưa đủ, ta cũng phải rất mềm mỏng, sắc bén trong sử dụng các phương thức đấu tranh khác. Tại Xín Cái, đoàn cán bộ biên phòng cùng cán bộ xã, các già làng đã liên tục và kiên trì đến thực địa giải thích và vận động từng người dân Trung Quốc tôn trọng tình hữu nghị, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam.
Săm Pun anh hùng Với bề dày thành tích 45 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và đặc biệt là thành tích trong kiên cường đấu tranh chống lấn chiếm biên giới, ngày 3.8.1995 Đồn biên phòng Săm Pun vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ đổi mới. |
Thực tế cho thấy, trước khi bắt đầu bước vào quá trình PGCM, Trung Quốc vẫn liên tục tìm cách tạo lợi thế bằng mọi cách. Từ 1996-2000, phía Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động xâm phạm chủ quyền sang đất ta. Đã xảy ra hàng trăm vụ xâm nhập vũ trang, xâm canh lấn đất, vượt biên khai thác lâm thổ sản, di chuyển cột mốc, mồ mả, chôn bia đá sâu vào lãnh thổ Việt Nam, gây cho ta nhiều khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới...
Tư liệu của Bộ đội biên phòng Hà Giang còn ghi lại vụ ngày 9.1.1996, phía Trung Quốc tự ý di chuyển mốc 6 lần thứ hai sâu vào lãnh thổ Việt Nam tới 500m. Việc làm này đã vi phạm trắng trợn chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, vi phạm Hiệp định tạm thời mà Chính phủ hai nước đã ký kết năm 1991. Năm 1999, tại Sảng Mai Sao (xã Xín Cái), dưới sự hậu thuẫn của lực lượng vũ trang, phía Trung Quốc thường xuyên đưa hàng trăm dân sang xây, xếp tường đá lấn sâu vào đất ta hàng trăm mét. Theo lời kể của trung tá Vịnh, có lần chỉ trong khoảng 3 tiếng buổi trưa khi lực lượng ta về nghỉ, họ đã cấp tập huy động khoảng 500-600 người dùng xi măng mác cao trộn sẵn tràn sang xây xếp một bức tường đá dài gần nửa cây số, cao gần một mét. Bức tường đá này lấn sâu khoảng 300m vào đất Việt Nam so với Hiệp định tạm thời mà hai bên ký ngày 7.11.1991. Sau đó, ta phải huy động hơn 100 cán bộ, chiến sĩ và người dân ra phá mất hơn 6 tiếng mới hạ được bức tường lấn chiếm. Thậm chí, tới tháng 7.2000 còn xảy ra vụ 300 dân Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của 45 lính mang theo súng tiểu liên, trung liên, lựu đạn ngang nhiên xâm nhập theo ba hướng phá hoại ba khu vực canh tác của dân ta ở khu vực xã Bản Máy với diện tích lên đến gần 3.000m2, đánh đuổi bộ đội và nhân dân ta làm 8 người bị thương.
“Những chuyện như vậy kể ra có rất nhiều nhưng những ngày gian khó ấy cũng đã lùi dần vào quá khứ...”, đại tá Nguyễn Xuân Bốn, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Hà Giang, nói. Theo đại tá Bốn, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng kể từ sau khi hoàn thành PGCM (12.2008), công việc bảo vệ đường biên, mốc giới của Bộ đội biên phòng Hà Giang đã thuận lợi hơn rất nhiều. Những căng thẳng xưa giờ đã dần lắng xuống. Từ vài năm trở lại đây, ở các xã, huyện biên giới, mỗi dịp Quốc khánh Việt Nam (2.9) và Trung Quốc (1.10) hai bên đều cử đoàn sang giao lưu, chúc mừng nhau. Lực lượng vũ trang hai phía cũng thường xuyên có những hoạt động trao đổi nghiệp vụ, hội đàm, phối hợp xử lý các vấn đề xảy ra trên đường biên. Một đường dây nóng giữa các lực lượng bảo vệ biên giới của hai bên cũng đang chuẩn bị được thiết lập sau nhiều lần phía bên kia trì hoãn.
Theo đại tá Nguyễn Xuân Bốn, những điều đó thể hiện “một niềm tin đang được nâng lên dần dần”.
Nguyên Phong
(1) Loại mìn dùng để kích nổ, khoét sâu xuống đất, phá hủy các bãi mìn cũ còn sót lại từ thời kỳ chiến tranh ở dọc đường biên
Bình luận (0)