Về định hướng nghề nghiệp tương lai, các bạn trẻ đến từ Đức, Anh cho rằng, nên chọn ngành học yêu thích, không chạy theo tâm lý số đông.
Anh: Chọn nghề nghiệp từ 14 tuổi
Anh Graham, đến từ Anh, hiện làm việc tại Nhà hát vũ kịch Việt Nam cho biết, tại các trường học ở nước này luôn có phòng tư vấn, hướng nghiệp, trong đó có một giáo viên chuyên trách. Học sinh ở Anh đến phòng tư vấn ít nhất một lần trong năm theo yêu cầu bắt buộc của nhà trường. Ngoài ra, học sinh nào có nhu cầu tìm hiểu thêm có thể đến nhiều lần để được tư vấn miễn phí.
|
Theo Graham, từ 14 tuổi, các học sinh đã tìm đến phòng tư vấn để xác định ngành học theo đuổi sau này, từ đó có hướng tập trung học chuyên sâu các môn quan trọng.
Tuổi 16, nhiều học sinh đã xác định rõ ngành học và trường ĐH cho mình. Graham cho hay, nhiều gia đình ở Anh không quan tâm nhiều đến việc định hướng nghề nghiệp cho con. “Họ cho rằng, con đã lớn và có thể tự quyết định ngành học, việc làm sau này nên không can thiệp vào sở thích của con”, anh nói.
Cũng theo Graham, có 1/3 số học sinh tốt nghiệp THPT không muốn học ĐH mà muốn đi làm luôn. “Không phải vì vấn đề kinh tế mà họ đi làm sớm. Họ muốn có trải nghiệm cụ thể để xác định nghề nghiệp phù hợp nhất với mình”, Graham lý giải.
Các ngành học liên quan đến lĩnh vực kinh tế đang là lựa chọn hàng đầu của bạn trẻ Anh. Ngoài ra, ngành học thuộc lĩnh vực xã hội cũng được nhiều học sinh lựa chọn. “Ngành xã hội ra trường dễ xin việc, nhưng lương thấp. Phần lớn giáo viên tư vấn cho học sinh nên chọn học ngành mình yêu thích, có thể phát huy tối đa khả năng, không cân nhắc nhiều vấn đề khó xin việc hay thu nhập”, Graham nói.
|
Đức: Ba yếu tố chi phối
Floernz (ĐH Tổng hợp Humboldt- Đức), hiện là sinh viên khoa quan hệ quốc tế (ĐH KHXH&NV Hà Nội) cho biết, có ba yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới sự lựa chọn nghành nghề và trường ĐH của bạn trẻ Đức. “Thứ nhất là lời khuyên của gia đình, thầy cô và bạn bè. Thứ hai là xã hội, học sinh chọn nghề nghiệp giống với các thần tượng, gương điển hình. Thứ ba là sở thích, sự quan tâm riêng của từng học sinh”, Floernz nói.
Kỳ thi tốt nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với học sinh Đức. Điểm số từ kỳ thi này sẽ quyết định họ có cơ hội vào trường ĐH tốt hay không. Floernz dẫn chứng năm 2011 có 1028 học sinh tốt nghiệp THPT đăng kí vào khoa sinh học ĐH Tổng hợp Humboldt, nhưng trường chỉ lấy 90 chỉ tiêu nên những học sinh điểm thi tốt nghiệp điểm thấp sẽ không có cơ hội vào trường. Vì vậy, học sinh Đức thường dành nhiều thời gian ôn luyện và tập trung sức lực cho kỳ thi tốt nghiệp.
Thầy cô ở Đức luôn khuyên học sinh nên tìm cơ hội học ở nước ngoài để có thêm nhiều trải nghiệm và mở rộng tầm nhìn cũng như có nhiều ứng dụng thực tế tại các quốc gia. Chia sẻ về kinh nghiệm lựa chọn ngành học, Floernz cho rằng, mỗi học sinh tự tìm ra cho mình đam mê và theo đuổi để có kinh nghiệm thực sự. “Nếu họ tìm được một công việc họ thích, có cảm hứng để làm việc thì sẽ sớm thành công, đừng chạy theo ngành học cho thu nhập hấp dẫn hay theo tâm lý số đông”, Floernz nói.
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)