Chưa có sự đồng ý của tác giả nhưng các đơn vị tổ chức vẫn được cấp giấy phép biểu diễn dẫn đến tình trạng vi phạm bản quyền một cách ngang nhiên, công khai suốt nhiều năm qua.
|
Chưa trả tác quyền nhưng vẫn “đúng luật”
Quy chế 47 về hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp quy định nghĩa vụ của đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật là “thực hiện nghĩa vụ về thuế, các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quảng cáo...”. Tuy nhiên, trong quy định về thủ tục, hồ sơ xin cấp phép biểu diễn của quy chế này, lại không yêu cầu phải có hợp đồng xin phép (hay đồng ý) của tác giả về việc sử dụng ca khúc. Chính điều này đã dẫn đến thực trạng đơn vị tổ chức chưa xin phép tác giả vẫn nghiễm nhiên nhận được giấy phép một cách “đúng luật”. Theo Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), cách cấp phép trên đã dẫn tới tình trạng trên 90% số buổi biểu diễn tại nhiều địa phương vi phạm tác quyền.
Ông Phạm Đình Thắng, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, cho rằng Cục thực hiện đúng quy định của pháp luật. Cụ thể là trong thủ tục hồ sơ không yêu cầu phải chứng minh đã xin phép tác giả, đóng tác quyền, mà chỉ cần cam kết thực hiện quyền tác giả, quyền liên quan. Theo ông, “quyền tác giả trong một chương trình bao gồm nhiều thành phần như âm thanh, múa, biên đạo, đạo diễn... Nếu yêu cầu có giấy chứng nhận đóng tác quyền tất cả các thành phần trên, thì hồ sơ sẽ quá nhiều. Trong khi đó, chúng tôi muốn giảm tải mọi thủ tục phiền hà cho việc tổ chức biểu diễn”. Ông cũng cho biết trong dự thảo nghị định về biểu diễn nghệ thuật đang trình Chính phủ cũng không yêu cầu có giấy chứng nhận đã đóng tác quyền, nhằm giảm tải mọi thủ tục phiền hà.
Không thể lảng tránh tác quyền
VCPMC từng có công văn gửi Bộ VH-TT-DL kiến nghị về thủ tục cấp phép, công văn gửi Chính phủ đóng góp ý kiến cho nghị định về biểu diễn nghệ thuật sắp ban hành (sửa đổi từ Quy chế 47). Mới đây, hơn 30 nhạc sĩ cũng đã ký vào đơn kiến nghị. Nội dung của các văn bản trên đều có chung quan điểm: Đề nghị cấp giấy phép phát hành hoặc phê duyệt nội dung chương trình kèm theo hợp đồng với tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm theo quy định của pháp luật.
Bà Phạm Thanh Thủy - Phó giám đốc VCPMC, cho rằng Quy chế 47 ra đời từ năm 2004, trước khi luật Sở hữu trí tuệ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7.2006. Điều 20 luật Sở hữu trí tuệ quy định: Khi sử dụng tác phẩm để biểu diễn thì người sử dụng phải có nghĩa vụ xin phép và trả tiền cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Theo bà, quy chế là văn bản dưới luật, vì vậy cần áp dụng văn bản có giá trị pháp lý cao hơn. Việc cơ quan quản lý cấp phép biểu diễn mà trong hồ sơ không có hợp đồng hay giấy chứng nhận sự đồng ý của tác giả, là không đúng luật.
Cũng theo VCPMC, quan điểm của Cục Nghệ thuật biểu diễn như vậy là không thỏa đáng. “Trong một chương trình, nếu đơn vị tổ chức thuê người viết kịch bản, đạo diễn, biên đạo múa, hay ca khúc riêng cho chương trình thì đã thỏa thuận trong tiền thù lao, do đó không liên quan đến quyền tác giả. Nhưng nếu sử dụng lại các tác phẩm thì vẫn phải xin phép”, bà Thủy nhận định rồi bày tỏ thêm: “Dù hồ sơ có dày đến đâu thì cũng phải làm đúng luật. Không thể lấy lý do này nọ để cắt bớt, lảng tránh được”.
Khác với cách làm của Cục Nghệ thuật biểu diễn và nhiều cơ quan quản lý khác, từ lâu Sở VH-TT-DL TP.HCM yêu cầu các đơn vị tổ chức xin cấp phép biểu diễn phải có giấy xác nhận, chứng minh đã nhận được sự đồng ý của tác giả hay hợp đồng đóng tác quyền âm nhạc kèm trong hồ sơ xin cấp phép. Nếu thiếu giấy này, Sở sẽ không cấp phép biểu diễn. |
Minh Ngọc
Bình luận (0)