Kể từ khi thành lập năm 1901, Tập đoàn Monsanto nhiều lần khiến giới truyền thông tốn giấy mực vì những vụ bê bối đình đám.
|
Một tòa án ở Pháp đã phán quyết thuốc diệt cỏ của Tập đoàn Monsanto (Mỹ) gây ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương của một nông dân nước này (Thanh Niên số 49, ngày 18.2). Đây không phải lần đầu tiên hãng hóa chất dùng trong nông nghiệp - thực phẩm hàng đầu thế giới bị kiện và lãnh án phạt vì vi phạm các nguyên tắc về môi trường, y tế tại nhiều quốc gia.
Từ 2,4,5-T đến chất độc da cam
Năm 1949, một nhà máy của Monsanto ở bang Virginia (Mỹ) bị cháy. Theo tờ Le Monde, hơn 200 công nhân nhiễm phải khói bốc lên trong vụ hỏa hoạn và mắc bệnh chloracne, một chứng bệnh về da nghiêm trọng rất hiếm gặp. Từ đó, các nhà khoa học đã chứng minh một trong những sản phẩm nổi bật nhất của Monsanto khi ấy là thuốc diệt cỏ 2,4,5-T có chứa dioxin, hóa chất kịch độc có khả năng gây ung thư, chloracne và nhiều di chứng kinh hoàng khác. Điều đáng nói là hãng này đã có tài liệu cảnh báo về sự độc hại của dioxin từ năm 1938 nhưng việc sản xuất và lưu hành 2,4,5-T vẫn được tiếp tục cho đến khi bị cấm vào thập niên 1970.
Trong giai đoạn này, Monsanto cũng sản xuất chất độc da cam, trên thực tế là “bình mới rượu cũ” của thuốc diệt cỏ 2,4,5-T. Cùng với Dow Chemical, Monsanto là 2 nhà cung cấp chất độc da cam chính cho quân đội Mỹ rải hơn chục triệu lít tại chiến trường Việt Nam từ năm 1961-1971. Hệ quả đau thương của chất độc da cam vẫn còn cho đến tận ngày nay với rất nhiều trường hợp ung thư, dị tật bẩm sinh ở Việt Nam và hàng loạt di chứng ở binh sĩ Mỹ.
Bị các cựu binh Mỹ kiện, Monsanto đưa ra những nghiên cứu cho thấy không có sự liên hệ giữa bệnh ung thư của những người này với việc nhiễm dioxin. Những luận cứ trên đã không thuyết phục được bồi thẩm đoàn và năm 1987, 7 hãng hóa chất sản xuất chất độc da cam, trong đó có Monsanto, đã bị phạt 180 triệu USD. Đến đầu thập niên 1990, Ủy ban Nghiên cứu quốc gia Mỹ xác nhận dấu hiệu gian lận trong các tài liệu khoa học do Monsanto trình tại tòa trước đây: “Kết quả bị bẻ cong để theo ý đồ đặt ra trước đó”.
Suối độc Anniston
Năm 2001, 3.600 dân làng Anniston thuộc bang Alabama của Mỹ kiện Monsanto vì gây nhiễm chất Polychlorinated biphenyl (PCB) độc ngang ngửa với dioxin ra môi trường. Le Monde dẫn báo cáo của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) kết luận trong gần 40 năm, “đại gia” này đã xả ra suối và bãi rác của Anniston hàng ngàn tấn chất thải có chứa PCB. Theo tờ The Washington Post, từ năm 1966, một số lãnh đạo Monsanto đã được báo cáo về hiện tượng cá thả vào con suối chứa nước thải PCB ở Anniston đã chết “phơi bụng” chỉ trong chưa đến 10 giây, bên ngoài tươm máu và da bị lột. Vụ việc đã không hề được tiết lộ. Sau cùng, Monsanto cũng bị xử phải bồi thường 700 triệu USD vào năm 2002, đồng thời cam kết xử lý vấn đề môi trường tại Anniston.
Một sản phẩm của Monsanto hiện rất thịnh hành trên thế giới là thuốc diệt cỏ Roundup cũng từng bị phạt tại Pháp và Mỹ. Năm 1975, Monsanto tung Roundup ra thị trường với lời giới thiệu “có thể tự hủy sinh học” và “tốt cho môi trường” trên bao bì. Năm 1996, tòa án New York phạt hãng này 50.000 USD và bắt buộc xóa những lời quảng cáo nói trên. Năm 2007, Monsanto bị phạt 15.000 euro tại Pháp với cùng một cáo buộc, theo Le Monde.
Giữa tháng 2.2012, Bộ Nông nghiệp Pháp quyết định kiểm tra lại tác hại của thuốc diệt cỏ Roundup. Trên website của mình, Monsanto khẳng định hoạt chất chính của Roundup là glyphosate “không gây nguy hại cho khả năng sinh sản của động vật trưởng thành cũng như không ảnh hưởng phôi thai”. Tuy nhiên, một báo cáo đăng trên chuyên san Chemical Research in Toxicology năm 2010 ghi nhận các loài lưỡng cư bị nhiễm glyphosate khi mang thai sẽ gây dị tật cho con non.
Tại Argentina, Roundup được sử dụng rộng rãi ở các cánh đồng trồng thực vật biến đổi gien (cũng do Monsanto lai tạo) từ năm 1997. Theo Le Monde, trong 10 năm nay, tỷ lệ ung thư tăng 30% ở thị trấn San Jorge, tăng gấp 3 ở thị trấn La Leonesa… Năm 2009, tòa án ở một số tỉnh thành Argentina ra quy định chỉ được dùng Roundup trên các cánh đồng cách khu dân cư 800m với máy phun thường và 1.500m khi phun bằng máy bay.
Với những “thành tích” trên, hồi cuối năm 2011, Monsanto đã bị trang tin chuyên về môi trường và sức khỏe Natural Society chọn là “Công ty tồi tệ nhất thế giới trong năm”.
Như Thanh Niên đã đưa tin trong số báo ngày 18.2, đại diện của Monsanto tại Việt Nam cho hay tập đoàn này đã được Bộ NN-PTNT cấp phép tiến hành nghiên cứu và trồng thí nghiệm ngô biến đổi gien trong 2 năm 2010-2011. Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã bày tỏ quan ngại về khả năng Monsanto sử dụng hóa chất diệt cỏ Roundup khi trồng ngô biến đổi gien tại Việt Nam. Đại diện Monsanto tại Việt Nam đã khẳng định với Thanh Niên rằng: “Việc gieo trồng thí nghiệm ngô biến đổi gien được tiến hành phù hợp và tuân thủ nghiêm ngặt theo luật pháp và chính sách của Việt Nam”. Tuy nhiên, trong kỳ họp thứ hai Quốc hội tháng 11.2011, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT kiểm tra, giải quyết thận trọng về quan ngại trên và báo cáo lại. Với điều kiện nông nghiệp tại Việt Nam, chủ trương cho trồng khảo nghiệm các loại cây biến đổi gien là cần thiết và đúng đắn nhưng thiết nghĩ chúng ta cần thận trọng, tìm hiểu kỹ đối tác để tránh “giao trứng cho ác”. |
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)