Các giá trị gia đình trong xã hội Hy Lạp đang suy giảm khi cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài.
Một buổi sáng cách đây ít lâu, một cô giáo nhà trẻ ở Athens, thủ đô Hy Lạp, nhận được một mẩu thư ngắn. Trong đó chỉ có vài câu ngắn gọn: “Hôm nay, tôi sẽ không đến đón Anna bởi vì tôi không thể chăm sóc cháu được. Làm ơn đối xử tốt với cháu. Xin lỗi. Mẹ cháu”. Trong 2 tháng qua, 4 đứa trẻ đã bị bỏ mặc trên bậc thềm Trung tâm Chăm sóc trẻ em đường phố Kivotos ở Athens, trong đó có một trẻ mới vài ngày tuổi.
Cha mẹ bỏ con
Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đã làm cho một số gia đình ở Hy Lạp tuyệt vọng đến mức từ bỏ cả con cái mình. Những trường hợp như vừa nêu đã gây sốc cả Hy Lạp, đất nước có mối quan hệ gia đình bền chặt. Lâu nay, không chăm sóc con cái là chuyện không được xã hội này chấp nhận.
|
Một trong những đứa trẻ đang được nuôi tại Trung tâm Chăm sóc trẻ em đường phố Kivotos là Natasha, bé gái 2 tuổi, đã được chính người mẹ mang đến cách đây vài tuần. Người phụ nữ này nói mình thất nghiệp, không nhà cửa và cần giúp đỡ. Thế nhưng, trước khi các nhân viên trung tâm kịp hỗ trợ, chị ta đã biến mất, để lại đứa con thơ. Theo đài BBC, trong một năm qua, hàng trăm trường hợp cha mẹ đã bỏ con lại trung tâm này vì họ nói họ không có tiền, chỗ ở hay lương thực để nuôi con.
Những vụ việc như thế chưa hề có trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng nợ. Maria, một người mẹ đau khổ, kể: “Đêm đêm, tôi vẫn khóc một mình. Nhưng tôi không thể làm được gì! Tôi đau xé lòng nhưng chẳng có sự chọn lựa nào khác”. Trước đây, chị suốt ngày đi tìm việc làm. Đôi khi chị có việc làm vào ban đêm và điều đó có nghĩa là chị thường xuyên phải bỏ đứa con gái 8 tuổi ở nhà một mình nhiều giờ liền. Khi xảy ra cuộc khủng hoảng, hai mẹ con sống nhờ vào lương thực của các nhà hảo tâm.
Cuối cùng, chị quyết định gửi con cho Làng Trẻ em SOS, một tổ chức từ thiện. Chị đến thăm con mỗi tháng một lần. Bây giờ, chị có một việc làm ở quán cà phê nhưng mỗi ngày chỉ kiếm được 20 euro. Chị hy vọng sẽ đón con về khi nền kinh tế cải thiện…
Đổ lỗi cho nghèo khó
Ông Stergios Sifnyos, phụ trách hoạt động xã hội Làng Trẻ em SOS, cho biết trước đây, tổ chức này nhận nuôi trẻ em hầu hết với lý do cha mẹ nghiện rượu và ma túy. Còn bây giờ, nguyên nhân chính là nghèo khó. Một tổ chức từ thiện khác, Nụ cười Trẻ thơ, trước đây tập trung giúp đỡ trẻ em bị lạm dụng và bị bỏ rơi. Nay tổ chức này quan tâm đến những đứa trẻ lâm vào cảnh cơ cực ở Athens.
Tuy nhiên, nguồn kinh phí tài trợ đang giảm sút và các tổ chức từ thiện hiện phải nộp những khoản thuế mà họ đã từng được miễn khiến việc nhận nuôi trẻ cơ nhỡ trở nên khó khăn hơn nhiều. Ông George Protopapas, Giám đốc Làng Trẻ em SOS, cho biết: “Các hiệp hội từ thiện như chúng tôi hiện đang làm 50% công việc mà nhà nước Hy Lạp cần phải làm. Thế nhưng, thay vì cảm ơn chúng tôi, nhà chức trách lại phạt chúng tôi”.
Thiếu vắng tình thương của cha mẹ
Chuyên gia tâm lý Stefanos Alevizos khẳng định: “Đứa trẻ cảm nhận sự chia cách với cha mẹ như một hành động bạo lực bởi vì chúng không thể hiểu nguyên nhân của sự việc”. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng các trung tâm chỉ có thể cung cấp cho trẻ nơi ăn và chốn ở. Nhưng nhu cầu lớn nhất mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng đều cảm thấy là tình yêu thương của cha mẹ.
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)