Có thể không còn chương trình tài năng

21/02/2012 03:15 GMT+7

Đề án Đào tạo kỹ sư, cử nhân tài năng giai đoạn 2002- 2020 của ĐH Quốc gia TP.HCM mới đi qua được hơn nửa chặng đường nhưng đang đứng trước nguy cơ chuyển sang chương trình chất lượng cao thu học phí cao.

Khó khăn về kinh phí?

''Có thể vẫn thực hiện chương trình chất lượng cao thu học phí cao, nhưng tôi nghĩ không nên bỏ hẳn chương trình kỹ sư, cử nhân tài năng'' - Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM

ĐH Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM bắt đầu đào tạo kỹ sư, cử nhân chất lượng cao từ năm 2002 và vừa kết thúc giai đoạn 2 vào năm 2011. Chuẩn bị bước vào mùa tuyển sinh 2012, theo lãnh đạo của ĐHQG, xuất phát từ sự khó khăn về kinh phí nên chương trình này không biết sẽ  tiếp tục duy trì hay dừng lại. Ban đào tạo ĐH và sau ĐH của ĐHQG TP.HCM đưa ra 2 phương án: Tiếp tục duy trì chương trình như cũ bằng mọi cách hoặc chuyển sang chương trình chất lượng cao thu học phí cao. PGS-tiến sĩ Nguyễn Hội Nghĩa - Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH, ĐHQG TP.HCM, băn khoăn: “Mục tiêu ban đầu của đề án này nhằm tạo điều kiện học tập tốt nhất cho các sinh viên ưu tú, thực sự có năng khiếu được bồi dưỡng thêm về nghiệp vụ, chuyên môn. Nếu thực sự phải chuyển qua chương trình chất lượng cao thu học phí cao thì mục tiêu đào tạo sẽ không đúng với ban đầu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là kinh phí để đầu tư cho chương trình”.

Theo đề án đào tạo kỹ sư, cử nhân tài năng ĐHQG TP.HCM, nguồn kinh phí để thực hiện đề án được lấy từ ngân sách nhà nước, ngân sách từ trường và nguồn vốn huy động từ bên ngoài. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết thêm: “Mặc dù đề án được hưởng kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước nhưng theo lộ trình thực hiện, các trường phải dần dần chủ động trong việc tạo kinh phí hoạt động cho chương trình. Tôi rất ủng hộ việc duy trì và phát triển chương trình này, bởi đây là chương trình riêng dành cho sinh viên giỏi. Có thể vẫn thực hiện chương trình chất lượng cao thu học phí cao, nhưng tôi nghĩ không nên bỏ hẳn chương trình kỹ sư, cử nhân tài năng”. Tiến sĩ Nguyễn Hội Nghĩa cũng lo ngại: “Nếu chuyển sang hướng đào tạo chương trình chất lượng cao thu học phí cao thì sẽ khó thu hút được sinh viên thực sự giỏi”.
 


Sinh viên kỹ sư tài năng Trường ĐH Bách khoa trong giờ thực hành - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đi tìm phương án thích hợp

Trước những phương án từ ĐHQG, lãnh đạo các trường thành viên cũng nhiều băn khoăn. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Nam - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa nói: “Đến nay chương trình tài năng vẫn tạo ra môi trường học tập rất tốt cho sinh viên giỏi. Do vậy, trường vẫn mong muốn sẽ tiếp tục duy trì chương trình này bằng mọi cách”.

Trường ĐH Khoa học tự nhiên cũng dự kiến tiếp tục duy trì việc tuyển sinh chương trình tài năng cho khóa mới 2012. Tiến sĩ Nguyễn Kim Quang - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, khẳng định: “Chương trình tài năng được thành lập theo đề án ĐHQG, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên tài năng có môi trường học tập tốt nhất mà không phải quan tâm tới vấn đề học phí cao. Qua thực tế các năm, các sinh viên này tốt nghiệp với kết quả khá tốt, nhiều sinh viên được giữ lại trường làm giảng viên, không ít sinh viên được nhận các suất học bổng giá trị đi du học, tham gia các bài báo khoa học quốc tế… Do vậy, nên tiếp tục duy trì chương trình này theo mục tiêu ban đầu”. Tiến sĩ Quang nhấn mạnh: “Đặc biệt, không nên chuyển từ chương trình tài năng sang chương trình chất lượng cao thu học phí cao. Bởi lẽ, bản chất và mục tiêu của hai chương trình này hoàn toàn khác nhau”.

 Trong khi đó, tiến sĩ Lê Hữu Phước - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, thì cho biết: “Nếu ĐHQG ngưng cấp kinh phí thì trường phải tạm dừng việc tuyển sinh khóa mới chương trình tài năng. Với phương án xây dựng chương trình chất lượng cao thu học phí cao, trường cũng đang hết sức cân nhắc, ngay cả từ tên gọi. Bởi lẽ, nếu đã là thu học phí cao thì chỉ đảm bảo được điều kiện học tập tốt hơn, nhưng không đồng nghĩa với việc sẽ thu hút được những sinh viên giỏi nhất như chương trình tài năng. Thêm nữa, với một số ngành khoa học cơ bản như lịch sử, văn học… mà tuyển sinh chất lượng cao thu học phí cao cũng sẽ rất khó”.

 Tiến sĩ Nguyễn Phi Khứ - Trưởng phòng Đào tạo ĐH và sau ĐH Trường ĐH Công nghệ thông tin, cũng cho hay: “Nếu ĐHQG không tiếp tục cấp kinh phí trường cũng tạm ngưng tuyển sinh chương trình tài năng. Thay vào đó, trường sẽ xây dựng đề án về chương trình đào tạo chất lượng cao thu học phí cao tạo môi trường học tập tốt hơn cho sinh viên, dự kiến học phí chương trình này vào khoảng 1.000 USD/năm”. Tuy nhiên, tiến sĩ Khứ cũng thừa nhận: “Đào tạo kỹ sư, cử nhân tài năng là một chương trình tốt, nếu được nên duy trì”. Đại diện Trường ĐH Kinh tế - Luật cũng cho biết có thể sẽ dừng tuyển sinh chương trình tài năng và chuyển sang chương trình chất lượng cao thu học phí cao.

Kế hoạch năm 2012

Theo đề án Đào tạo kỹ sư, cử nhân tài năng ĐHQG TP.HCM trong giai đoạn 2012 - 2015 ĐHQG TP.HCM sẽ cần thêm 97 tỉ 702 triệu đồng nguồn kinh phí cấp bổ sung cho chương trình này.

Trường ĐH Bách khoa dự kiến tuyển sinh chương trình kỹ sư tài năng các ngành: công nghệ thông tin, điện - điện tử, nhóm ngành cơ khí - cơ điện tử, nhóm ngành công nghệ hóa - thực phẩm - sinh học, xây dựng. Trường sẽ xét tuyển trong năm học thứ 2. Trường ĐH Khoa học tự nhiên cũng dự kiến tuyển sinh viên chương trình cử nhân tài năng nhóm ngành công nghệ thông tin, toán - tin, hóa học, vật lý và điện tử viễn thông. Đối tượng là thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường, ưu tiên thí sinh diện tuyển thẳng, thí sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, thí sinh là học sinh Trường Phổ thông năng khiếu.

Hà Ánh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.