Học sinh Đông Á vượt trội phương Tây

23/02/2012 03:22 GMT+7

Đông Á vừa trở thành khu vực có hệ thống giáo dục phổ thông tốt nhất thế giới, học sinh (HS) hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa ở các nước phương Tây.

Đông Á vừa trở thành khu vực có hệ thống giáo dục phổ thông tốt nhất thế giới, học sinh (HS) hơn hẳn bạn bè cùng trang lứa ở các nước phương Tây.

 
Học sinh Úc tụt hậu so với bạn cùng lứa ở Đông Á tới 2 năm - Ảnh: Herald Sun

Đó là nội dung chính của một báo cáo vừa được Viện Nghiên cứu Grattan ở Úc công bố ngày 17.2, theo Wall Street Journal. Báo cáo được thực hiện dựa trên kết quả đánh giá sinh viên quốc tế (PISA) mới nhất năm 2009 của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Các bài kiểm PISA cho thấy Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore và TP.Thượng Hải (Trung Quốc) nằm trong 5 hệ thống giáo dục tốt nhất trên thế giới (đứng thứ 5 là Úc).  Theo đó, trung bình một HS 15 tuổi ở Thượng Hải có thể làm toán ở trình độ cao hơn bạn cùng trang lứa ở Anh, Mỹ, Úc và các nước phát triển khác từ 2 tới 3 năm. HS ở Hồng Kông có khả năng về môn đọc và toán trước HS cùng lứa ở Mỹ và châu u ít nhất 1 năm. Còn HS ở Hàn Quốc có khả năng đọc trước HS cùng trang lứa ở Mỹ và châu u 1 năm và trước HS Úc 7 tháng. AFP dẫn lời tiến sĩ Ben Jensen - Giám đốc Chương trình giáo dục phổ thông tại Viện Nghiên cứu Grattan: “Sức mạnh kinh tế chuyển từ Tây sang Đông và thành tựu giáo dục cũng có sự chuyển hướng tương tự”.


Biểu đồ điểm các môn đọc, toán và khoa học của học sinh các nước năm 2009 - Nguồn: OECD - Đồ họa: Du Sơn 

Chi nhiều tiền chưa chắc thành công

Báo cáo còn chỉ ra rằng tuy đầu tư đáng kể cho giáo dục phổ thông từ năm 2000-2008, nhưng các nước phương Tây vẫn tụt hậu so với các nước Đông Á trong lĩnh vực đào tạo. Thành công của 4 hệ thống giáo dục nói trên không phải lúc nào cũng đi liền với sự đầu tư lớn về tài chính. Cụ thể, Hàn Quốc chi ngân sách cho các trường tiểu học và trung học chỉ bằng phân nửa của Mỹ, tuy nhiên HS Hàn Quốc vẫn vượt trội so với HS ở Mỹ về các môn đọc, toán và khoa học. Chuyên gia giáo dục Kevin Donnelly - Giám đốc Viện Tiêu chuẩn giáo dục ở thành phố Melbourne (Úc) cũng cho rằng chỉ chi tiền cho giáo dục chưa đủ để nâng cao chất lượng. Ông nêu rõ: “Chẳng hạn Mỹ chi tiêu nhiều nhất cho giáo dục so với các nước OECD khác, nhưng chỉ nhận được kết quả trung bình. Hàn Quốc chi ít hơn nhiều nhưng lại đạt vị trí cao trong bảng xếp hạng”. 

Tập trung vào giáo viên

Báo cáo chỉ ra rằng sự thành công của các hệ thống giáo dục Đông Á không phải bởi các yếu tố như Khổng giáo, học vẹt hay tập trung quá mức vào các kỳ thi. Các hệ thống này tập trung vào việc thực hành, đào tạo, quản lý giáo viên chuyên nghiệp hơn là chi nhiều tiền và không ngần ngại đưa ra các kết hợp khó để đạt mục tiêu. Chẳng hạn, TP.Thượng Hải nâng sĩ số HS/lớp học tới 40 nhưng lại cho giáo viên có nhiều thời gian để lên kế hoạch đứng lớp và nghiên cứu. Tất cả giáo viên mới đều được các cố vấn cấp quận và 2 giáo viên kỳ cựu của trường hướng dẫn (một người hướng dẫn quản lý lớp và một người về nội dung). Còn ở Singapore, giáo viên được trả lương công chức khi họ được đào tạo tại Viện Giáo dục quốc gia, trong khi ở Hàn Quốc, những người muốn đi dạy phải qua đợt kiểm tra đầu vào.

Minh Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.