Cái mũi giả nào sẽ giành được Oscar?

24/02/2012 08:33 GMT+7

(TNTS) Bà đầm thép hay người đàn bà giả nam sẽ chiến thắng tại giải Oscar năm nay? Meryl Streep trong vai cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Glenn Close trong vai một người phụ nữ sống dưới vỏ bề ngoài là đàn ông là hai ứng viên nặng ký cho giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Hai bộ phim này còn chạy đua tranh giải Hóa trang.

(TNTS) Bà đầm thép hay người đàn bà giả nam sẽ chiến thắng tại giải Oscar năm nay? Meryl Streep trong vai cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher và Glenn Close trong vai một người phụ nữ sống dưới vỏ bề ngoài là đàn ông là hai ứng viên nặng ký cho giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Hai bộ phim này còn chạy đua tranh giải Hóa trang.

Cách đây 10 năm, Nicole Kidman được trao tượng vàng Oscar - Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất với vai nhà văn Virginia Woolf trong The Hours (Ba số phận). Không thể phủ nhận tài năng của Nicole nhưng cũng không thể quên cái mũi giả giúp Nicole hóa thân thành nhà văn này. Oscar năm nay cũng lại chuyện cái mũi.

Hai chuyên gia trang điểm Roy Helland - người đã sát cánh bên Meryl trong 30 năm qua và Mark Coulier - từng nổi tiếng qua phim Chiến tranh giữa các vì sao và các tập phim Harry Potter đã mất hàng tháng trời để biến một Meryl với gò má cao hơi gồ ghề và cánh mũi mỏng thành một Margaret Thatcher với gương mặt đầy đặn hơn qua các giai đoạn khác nhau trong The Iron Lady.

Trong tất cả các cảnh quay, Meryl đều phải mang mũi giả nhưng rất tự nhiên sau hơn hai tiếng đồng hồ hóa trang. “Để tạo ra chiếc mặt nạ silicone cho Meryl, chúng tôi làm giả một phần mũi để Meryl có thể diễn xuất thoải mái mà tạo hình lại hoàn toàn khác biệt. Chúng tôi làm cho phần trên của mũi hơi cong một chút và đắp thêm vào hai bên vách mũi”, Coulier kể. Coulier còn phải dày công “gọt” bớt xương gò má cao của Meryl, gắn hàm trên giả để Meryl nhìn hơi hô khi vào vai Margaret về già.

 
Diễn viên Glenn Close và tạo hình nhân vật Albert Nobbs (ảnh nhỏ) - Ảnh: hutterstock 

Coulier cho rằng không nhất thiết phải bê nguyên gương mặt nhân vật thật gắn vào mặt diễn viên mà cần tiết chế càng nhiều càng tốt bởi diễn xuất vẫn là yếu tố quyết định. “Margaret có mí mắt dày đặc trưng, nhưng chúng tôi quyết định bỏ qua đặc điểm này. Will Smith từng vào vai Muhammad Ali rất thuyết phục mà lại chẳng giống gì tay đấm này về ngoại hình. Còn Anthony Hopkins tái hiện Tổng thống Nixon cực kỳ tuyệt đến nỗi không ai bàn đến chuyện hóa trang”, Coulier chia sẻ.

Bộ phim The Iron Lady mô tả cựu Thủ tướng Anh qua 60 năm cuộc đời nhưng chưa có khoảnh khắc nào thấy Meryl đi lệch hình ảnh. Với giai đoạn bắt đầu đi lên của sự nghiệp chính trị ở tuổi 34, diễn viên đã qua tuổi 60 này khiến ai cũng ngỡ ngàng khi hoàn toàn tỏa sáng.

“Ở tuổi trung niên, chúng tôi làm đậm các vết nhăn trên mặt Meryl còn khi về già thì chỉ cần bỏ hết phấn son đi là ổn. Đến lúc này, vấn đề nằm ở bàn tay, phải làm cho da nổi đồi mồi và nhăn nheo. Meryl còn đeo dây thun ở cổ tay cho gân máu nổi lên”, Coulier kể. Ở giai đoạn này, Coulier và Helland ban đầu định để Meryl mang tóc giả thưa lưa nhưng rốt cuộc chỉ việc kéo tóc Meryl ra sau và tập trung vào mặt và cổ. Lúc  già, khuôn mặt Margaret không cân đối, nhìn vào những nếp da gấp hai bên miệng là có thể thấy ngay điều đó nên họ tập trung vào điểm này.

Cái khó là làm sao để chiếc mặt nạ silicone không ảnh hưởng đến diễn xuất của Meryl. “Nhiều diễn viên không muốn đeo mặt nạ. Với Meryl, nói là thích thì không đúng nhưng Meryl không ghét nó”, Coulier cho biết. “Khi Meryl bước ra khỏi phòng trang điểm, vẫn là Meryl. Nhưng trên màn ảnh, Meryl lại giống Margaret đến kỳ lạ…”.

 
Diễn viên Meryl Streep và tạo hình nhân vật Margaret Thatcher - (ảnh nhỏ) - Ảnh: AFP

Với ê kíp của The Iron Lady, phương châm làm việc là hóa trang càng “vô hình” càng tốt. Trong khi đó, nữ diễn viên Glenn Close trong Albert Nobbs thì bật khóc vì không nhận ra chính mình sau khi được các chuyên gia thay hình đổi dạng. Nữ diễn viên 65 tuổi này đã hoàn toàn “lột xác” để vào vai một người phụ nữ khốn khổ phải giả trang thành đàn ông để tránh sự hà hiếp của nam giới tại Ireland vào thế kỷ 19. Chuyên gia trang điểm Karen Stein và ê kíp phải thử không biết bao nhiêu mẫu mũi, tai và tóc giả để tìm ra được khuôn mặt lý tưởng nhất cho Glenn. “Glenn lúc hóa trang xong không khác gì một người đàn ông nhỏ bé đang đứng cạnh tôi”, Karen kể.

Làm biến dạng nhưng phải tinh tế để thuyết phục bạn diễn và khán giả, Glenn cho biết. “Đó chẳng phải là gắn thêm ria mép hay làm gì khác mà phải hình dung ra cuộc sống đã tác động thế nào đến gương mặt của nhân vật”. Nhà thiết kế Matthew W.Mungle chăm chút từng chi tiết giả, từ cái mũi giả cho đến dái tai. Glenn cũng hết lời khen ngợi Martial Corneville - người tạo ra bộ tóc giả cho mình: “Tôi nghĩ đây là tác phẩm tinh tế nhất trong lĩnh vực này”.

Về trang phục cho nhân vật chính, Charlie Chaplin là một trong những nguồn cảm hứng khi ê kíp quyết định mượn hình ảnh chiếc quần rộng thùng thình và chiếc mũ quả dưa của danh hề này. Glenn còn bị ảnh hưởng bởi hình ảnh chú hề nổi tiếng Emmett Kelly với bộ mặt buồn.

Glenn từng đóng vai đàn ông trong phim Hook (1991) nhưng không thuyết phục như vai Albert. Với bà, Albert là một vai diễn ám ảnh nhất trong sự nghiệp. Sau khi “trấn tĩnh” lại vì khuôn mặt quá xa lạ bởi hóa trang, Glenn nhận ra “ở một góc cạnh nào đó, tôi rất giống bố tôi khi ông 20 tuổi, tham gia lực lượng không quân trong thế chiến thứ 2”.

Nếu so sánh với các ứng viên khác trong hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất là Rooney Mara trong The Girl with the Dragon Tatoo, Viola Davis trong The Help và Michelle Williams trong My Week with Marilyn, Meryl và Glenn có vẻ nặng  ký hơn bởi Oscar xưa nay có tiếng là bị ấn tượng bởi những vai diễn “biến hình” như thế. Liệu hai diễn viên kỳ cựu có lặp lại xu hướng này hay không?

 Nguyệt Hàn
 (theo Vanity Fair & Daily Mail)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.