Ông trùm hạt nhân bí ẩn của Iran

23/02/2012 03:10 GMT+7

Iran hầu như giấu kín mọi thông tin về nhân vật được cho là đang quản lý chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này.

 
Những thành tựu hạt nhân của Iran được cho là đều mang dấu ấn của Fakrizadeh - Ảnh: AFP

Từ 10 năm nay, chưa có phái đoàn nước ngoài nào được gặp Mohsen Fakrizadeh. Không ai biết gì về gia đình của ông và dù đã tốn bao công sức, truyền thông phương Tây vẫn không có lấy một tấm ảnh của nhân vật này. Vị tướng kiêm chuyên gia vật lý hạt nhân 50 tuổi được cho là người quản lý tất cả các tổ chức chịu trách nhiệm phát triển chương trình hạt nhân của nước CH Hồi giáo. Phương Tây còn cáo buộc ông là “bộ óc” của kế hoạch sản xuất vũ khí hạt nhân nhưng Iran luôn phủ nhận chuyện này. 

Oppenheimer của Iran

Vai trò của Fakrizadeh và sự kín tiếng của Iran khiến người ta nhớ đến nhà khoa học lừng danh Robert Oppenheimer, khi ông này làm “chủ xị” chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên của Mỹ hồi thập niên 1940, theo tờ Le Monde. Trong một thời gian dài, Oppenheimer cũng bị Washington “giấu kín” khi ông làm Giám đốc Dự án Manhattan tại căn cứ bí mật ở Los Alamos nằm giữa sa mạc ở bang New Mexico.

Vậy thực sự Fakrizadeh là người thế nào? Từ các thông tin tình báo ít ỏi, một số chuyên gia phương Tây mô tả nhân vật này là “người tách biệt với thế giới bên ngoài, có lòng tự tôn dân tộc và căm thù phương Tây rất cao”. Theo Le Monde, ông được cho là thuộc thế hệ đầu tiên của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran thành lập trong thập niên 1980. Thời điểm này, Tehran bắt đầu tái khởi động chương trình hạt nhân, vốn bị gián đoạn sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, và Fakrizadeh nhanh chóng tham gia nhờ có chuyên môn vật lý hạt nhân rồi thăng tiến lên vị trí điều phối, quản lý.

Chuyên gia Mark Fitzpatrick thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế ở London (Anh) đánh giá ngoài chuyện vũ khí hủy diệt chưa biết có hay không, ông Fakrizadeh vẫn là người có công lớn trong các thành tựu hạt nhân của Iran trong thời gian qua như làm giàu uranium hay xây dựng lò phản ứng và cơ sở nghiên cứu. Những gì người ta có thể hình dung là ông sống rất khép kín, làm việc liên tục trong các tòa nhà hiện đại trong khu liên hợp Mojdeh ở Tehran, quản lý khoảng 600 chuyên gia và nhà khoa học tại hàng chục cơ quan, trường đại học khác nhau.

Mục tiêu ám sát

Từ nhiều năm nay, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) liên tục bị từ chối cho tiếp xúc với ông Fakrizadeh. Theo AP, 5 chuyên gia của IAEA ngày 19.2 đã đến Iran để tiếp tục đàm phán nhưng không đạt được kết quả do Iran từ chối cho phái đoàn tiếp cận cơ sở quân sự Parchin và chuyên gia Fakrizadeh.

Một lý do để Tehran tránh để Fakrizadeh “lộ sáng” là nhằm bảo vệ ông ở mức cao nhất. Một số nguồn tin cho hay chuyên gia này bị xếp vào vị trí số 1 trong danh sách mục tiêu săn lùng của Cơ quan Tình báo Israel (Mossad). Những năm gần đây, cơ quan này luôn bị cáo buộc đã ám sát không ít chuyên gia hạt nhân hàng đầu của nước CH Hồi giáo.

Nhiều người tin rằng Iran đã quyết định trả đũa các vụ ám sát của Mossad bằng những vụ đánh bom nhằm vào cơ sở ngoại giao Israel tại Ấn Độ, Georgia và Thái Lan vừa qua. Tehran bác bỏ mọi cáo buộc nhưng chính quyền Bangkok đã bắt giữ một số nghi phạm người Iran và đang truy lùng người thứ năm. ABC News ngày 21.2 đưa tin nhóm sát thủ Iran đã giấu chất nổ trong 5 chiếc radio xách tay trị giá 27 USD/chiếc để thực hiện các vụ đánh bom. Những bức ảnh độc quyền của đài này chụp tại Bangkok cho thấy bên trong radio có kíp nổ, mảnh đạn và có 6 nam châm bên hông để gắn bên dưới xe hơi. Cùng ngày, chính quyền Azerbaijan tuyên bố vừa bắt một nhóm khủng bố liên quan đến mật vụ Iran. AP dẫn thông báo của Bộ An ninh Quốc gia Azerbaijan cho biết một số người đã bị bắt giữ do tình nghi đang chuẩn bị tấn công các công dân nước ngoài theo chỉ thị của Tehran.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.