Bức xúc, đòi các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm là ý kiến của nhiều bạn đọc khi đọc bài Vụ sập giàn giáo nhà cao tầng: Nhà thầu đổ lỗi cho người lao động đăng trên Thanh Niên ngày 23.2.
Người lao động nên cẩn thận
Thực tế, người lao động vẫn còn xem nhẹ vấn đề an toàn lao động do thiếu hiểu biết hoặc chưa được hướng dẫn. Hiện nay, số lao động đang làm việc tại nhiều công trình xây dựng chủ yếu là lao động nông nhàn, lao động thời vụ. Phần lớn trong số họ đều không có kiến thức và ý thức về an toàn lao động nên không biết hoặc không đòi hỏi các thiết bị an toàn khi làm việc tại các công trình xây dựng. Nên chăng khi thi công các công trình xây dựng, những người lao động trực tiếp cần phải cẩn thận, biết coi trọng tính mạng của mình, có thể từ chối thi công nếu thấy không an toàn khi làm việc…Quỳnh Trang (Qtnt 1987@gmail.com)
Nhà thầu không thể đổ lỗi cho người lao động
Theo tôi được biết, đối với các công trình xây dựng thì công tác bảo đảm an toàn lao động phải được đặt lên hàng đầu. Trong vụ việc này, tôi thấy nhà thầu quá vô trách nhiệm. Một công trình có gần 4.000 công nhân tham gia lao động thử hỏi có bao nhiêu người đã được tập huấn an toàn lao động? Thực tế hiện nay do nhiều nhà thầu muốn tiết kiệm chi phí nên cắt giảm các khâu mua sắm trang thiết bị bảo hộ cho người lao động, đặc biệt là khâu huấn luyện và khám sức khỏe cho công nhân gần như không có, hợp đồng lao động được thực hiện rất lỏng lẻo và hầu như ít đề cập đến vấn đề an toàn lao động.
Nhất là hiện nay, tình trạng “bán thầu” khá phổ biến, thậm chí có nhiều công trình được “bán”, giao nhiều lần và người thực hiện cuối cùng có khi không cần vốn, bằng cấp, tư cách pháp nhân, chỉ cần trong tay có vài thợ cũng dễ dàng trở thành ông chủ xây dựng. Thiết nghĩ, vụ việc này phải được đưa ra tòa giải quyết, phạt thật nặng để làm gương cho các nhà thầu đang xây dựng những công trình khác. Xin đừng để xảy ra tai nạn lao động nữa! Thanh Tùng (Bình Chánh) TT123987@yahoo.com
Phải đủ quy trình mới cho thi công
Trong thi công công trình, chỉ cần một sơ sót nhỏ là sự cố xảy ra. Những thông tin như hằng ngày không có nhật ký giám sát hiện trường về an toàn lao động, biện pháp thi công không đảm bảo... cho thấy nhà thầu này đã không nghiêm túc trong việc bảo đảm an toàn cho công nhân. Cần làm rõ vai trò của giám sát thi công cũng như việc đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất cho việc thi công trên cao của nhà thầu. Theo tôi trước mắt là đình chỉ thi công, truy cứu trách nhiệm, bồi thường vật chất cho người bị tai nạn. Bao giờ tập huấn về an toàn lao động cho công nhân xong mới tiếp tục xây dựng. Tiến Thanh (thanhnguyentien@gmail.com)
Làm rõ, xử lý nghiêm
Thật nực cười vì nhiều lẽ: Tổng thầu thi công không nắm được tổng số và danh sách của thầu phụ? Trách nhiệm của tư vấn giám sát đâu? Quản lý ngành là Sở Xây dựng sao không thấy lên tiếng về trách nhiệm? Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nhanh chóng làm rõ, điều tra và xử lý nghiêm thì mới hạn chế được phần nào tai nạn lao động. mrleminhhoang@yahoo.com
Ban CTBĐ (tổng hợp)
Bình luận (0)