“Học sử trên đường” sao cho dễ hiểu?

24/02/2012 03:01 GMT+7

Chú thích biển phố tại Hà Nội cho thấy sự lúng túng về tiêu chí trong cách soạn thảo. Điều này sẽ giảm đi hiệu quả của công việc đang nhận được nhiều thiện cảm này.

Chú thích biển phố tại Hà Nội cho thấy sự lúng túng về tiêu chí trong cách soạn thảo. Điều này sẽ giảm đi hiệu quả của công việc đang nhận được nhiều thiện cảm này.

“Chú thích trên biển phố là một ý tưởng tốt, nhiều ý nghĩa”, PGS-TS Võ Kim Cương - Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu lịch sử nhận định. “Mặc dù vậy, thông tin gì sẽ được ghi trên một tấm biển với diện tích có hạn là điều cần tính toán. Thậm chí cần có cả một hội đồng khoa học để tính toán”.

Hiện mới đang trong giai đoạn thí điểm, những biển phố mới có thêm phụ chú đang nhận được cảm tình của dư luận. Giống như dự án chú giải tên đường trên các banner từng làm tại TP.HCM, chúng được kỳ vọng sẽ nâng cao hiểu biết lịch sử của người dân. Mặc dù vậy, vẫn có những băn khoăn về cách làm, cho dù không ai dám chê tâm huyết cũng như công sức của những người thực hiện.

Giải thích tên phố Lê Thái Tổ có đoạn “miếu hiệu của Lê Lợi. Anh hùng dân tộc, lãnh đạo khởi nghĩa Lam Sơn chống quân Minh giành thắng lợi, lên ngôi vua năm 1428”. “Miếu hiệu” là tên của vua được phong, đề trên miếu thờ sau khi mất. Mặc dù vậy, khái niệm không có gì khó với người nghiên cứu lịch sử này lại đánh đố rất nhiều dân thường.

Nhưng chỉ riêng sự đánh đố này cũng nhận được phản ứng khác nhau của các nhà nghiên cứu.


Một biển tên phố ở Hà Nội  - Ảnh: T.N
  

PGS-TS Võ Kim Cương cho rằng từ “miếu hiệu” sẽ gây khó khăn cho người dân khi đọc biển chỉ dẫn nói trên. “Theo tôi nên viết dưới dạng Lê Thái Tổ (Lê Lợi) hoặc Lê Thái Tổ tức Lê Lợi. Điều này cũng giống một biển phố khác ghi Đinh Tiên Hoàng tức Đinh Bộ Lĩnh. Khi đó người dân sẽ thấy dễ hiểu hơn”.

Trái lại, TS Nguyễn Hồng Kiên lại cho rằng việc dùng từ “miếu hiệu” trên biển phố hoàn toàn chấp nhận được. “Đinh Tiên Hoàng không hẳn là miếu hiệu của Đinh Bộ Lĩnh, nên có thể viết tức là. Còn viết “tức Lê Lợi” có lẽ hơi mất tôn kính”.

Không chỉ riêng từ “miếu hiệu”, một số từ khác cũng có thể gây khó cho người đọc. Chẳng hạn, về Ngô Quyền có đoạn “lập ra nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên ở Việt Nam”. Không phải ai cũng hiểu như thế nào là nhà nước phong kiến tập quyền. Hay, về Trần Nguyên Hãn có đoạn “được phong Tả tướng quốc”. Sẽ có rất nhiều người không rõ Tả tướng quốc là chức vụ như thế nào. Chưa kể, theo PGS-TS Cương, chức vụ này cũng có khác nhau với những triều đại khác nhau.

Tiêu chí chưa rõ ràng

TS Nguyễn Hồng Kiên cho biết trong thời gian thai nghén dự án chú thích biển phố này, ông cũng được đóng góp một số ý kiến. Để có được đóng góp trên, TS Kiên đã tham khảo kinh nghiệm về chỉ dẫn đường phố của nhiều nước.

“Có những nước trên biển phố ghi rất rõ phố này dài bao nhiêu. Cũng để hình dung đường tốt hơn, có biển phố ghi rõ đi theo phố này sẽ dẫn tới phố nào. Thậm chí, tại Tây Ban Nha, biển phố còn ghi rất rõ phố sẽ cắt phố nào là đường một chiều”, TS Kiên cho biết. “Tại Nga, nếu phố từng có nhiều tên qua những thời kỳ lịch sử khác nhau, những tên gọi đó cũng được ghi trên biển phố. Với những phố quá dài, có nước còn ghi rõ trên biển đoạn phố từ ngã tư này tới ngã tư tới có số nhà từ bao nhiêu đến bao nhiêu”, ông Kiên nói.

“Đã có những nhà khoa học được hỏi ý kiến. Mặc dù vậy, chính tôi khi được hỏi cũng không rõ Hà Nội lấy tiêu chí nào về độ dài cũng như nội dung để xây dựng các chú thích trên. Chính vì thế, tôi cũng chỉ tư vấn rằng nên có năm sinh, năm mất và công trạng của danh nhân. Cũng vì thế, sắp tới nếu triển khai tiếp ra các phố có tên phố không phải tên danh nhân, chắc chắn sẽ phải có một bộ tiêu chí cụ thể”, một nhà khoa học cho biết.

Nên giải thích đơn giản nhất, bình dân nhất

“Việc dùng một số từ cổ sẽ rất khó cho người đọc. Không thể bắt đối tượng dân chúng không có chuyên môn hiểu những thuật ngữ cao xa. Chúng ta nên giải thích đơn giản nhất, bình dân nhất”,

Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Viện Việt Nam học.

Trinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.