Lang thang từ đầu đến cuối phố đêm Huế không thể tìm ra một thứ gì có thể tạm gọi là sản phẩm du lịch để mua về làm quà...
|
Sau bao nhiêu ấp ủ, thai nghén với mong muốn có một địa điểm để kéo du khách ra đường và để Huế thức khuya hơn, UBND TP.Huế đã giao cho Công ty TNHH Mai Hoa Kim (TP.HCM) đầu tư 3 tỉ đồng, tổ chức phố đêm Huế. Phố đêm Huế khai trương từ tối 2.1, gồm 122 gian hàng, hoạt động hàng đêm từ 17 giờ đến 23 giờ. Được mô tả là nơi giới thiệu, mua bán hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng và ẩm thực Huế. Thế nhưng, khi bước vào phố đêm Huế, hàng hóa và cách bán buôn ở đây không khác gì một chợ đêm rẻ tiền. 3 danh mục hàng hóa được kinh doanh là ẩm thực, hàng lưu niệm và quần áo may sẵn. Mỗi gian hàng có giá thu lô 15 triệu đồng/2 năm, kèm theo lệ phí 900.000 đồng/tháng.
Các gian hàng là những khung sắt được lắp ghép di động (sẽ được xếp lại sau 23 giờ hàng ngày) lợp bằng loại bạc rẻ tiền nhiều màu sắc. Bên trong, khu ẩm thực ngoài các món ăn nhanh như chân gà nướng, chả viên chiên, bia rượu và nước giải khát... thì không tìm ra bất kỳ một món đặc sản nào của Huế như: bún Huế, cơm hến, bánh khoái, bèo, nậm, lọc...; Khu bán hàng quần áo, giày dép thì toàn áo quần rẻ tiền, giá cao nhất không quá 200.000 đồng/sản phẩm.
Đa số các chủ hàng cho biết hàng hóa đều được lấy từ TP.HCM, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mà trong đó đa phần là hàng nhái có xuất xứ từ Trung Quốc; Khu bán hàng lưu niệm thì ngoài vài gian hàng bán tranh của các sinh viên mỹ thuật Huế (tạm được xem là có màu sắc du lịch) còn lại toàn là sản phẩm lưu niệm như móc khóa, bưu ảnh, quạt giấy, tranh lụa, trang sức… rẻ tiền phần lớn đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vì toàn bán hàng rẻ tiền nên khách hàng đến phố đêm đều là những cô cậu tuổi teen và sinh viên, học sinh. Sức mua bán cũng rất ế ẩm vì hàng hóa này có thể tìm thấy ở bất kỳ chợ nào khác.
Với những gì đang diễn ra ở phố đêm Huế, theo ghi nhận của chúng tôi thực chất đây là chợ đêm rẻ tiền. Thực ra, cũng cần có một khu chợ đêm như thế để cho các bạn trẻ, sinh viên, học sinh có chỗ để mua sắm, giải trí về đêm, nhưng nó có thể tồn tại ở bất kỳ vị trí nào chứ không thể nằm trên con phố đi bộ đẹp nhất của Huế như đường Nguyễn Đình Chiểu - bên bờ sông Hương. Theo như mục tiêu đặt ra ban đầu phố đêm Huế được tổ chức nhằm giới thiệu, mua bán hàng thủ công mỹ nghệ, hàng tiêu dùng và ẩm thực Huế… thì rõ ràng cách thức hoạt động như hiện nay là không đạt chất lượng cả về mặt thẩm mỹ lẫn chất lượng phục vụ.
Ở Nhật Bản, Trung Quốc, để xây dựng các khu phố đi bộ, phố du lịch họ đã mời các đạo diễn chuyên nghiệp thiết kế và viết kịch bản hẳn hoi. Ví dụ như khu phố đêm ở Nam Ninh (TQ) là do đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu xây dựng ý tưởng và kịch bản; Vịnh Tokyo (Nhật Bản) do KTS Tange Kenzo, một kiến trúc sư hiện đại bậc thầy của Nhật Bản thiết kế.
Theo chúng tôi, để Huế thực sự có một phố đêm ấn tượng, sang trọng dành cho du khách như một sản phẩm du lịch thì chí ít nó cũng phải được thiết kế xây dựng bằng hình thức nhà rường Huế hay tương tự Trường Lan trong Tử Cấm Thành (Đại Nội - Huế). Ngoài ra, sản phẩm, kỹ năng kinh doanh, trang phục… ở khu phố này phải lựa chọn phù hợp và có tính chuyên nghiệp cao.
Để có được khu phố đêm ấn tượng với du khách thì không thể làm một cách đơn giản như hiện tại mà phải cần có những nhà chuyên môn đề xuất ý tưởng và thiết kế xây dựng hoặc chí ít cũng phải học tập kinh nghiệm của các nước để Huế xứng tầm là thành phố festival, thành phố di sản của Việt Nam.
Bùi Ngọc Long
Bình luận (0)