Đường về Kremlin của ông Putin

26/02/2012 03:13 GMT+7

Con đường trở lại Điện Kremlin của Thủ tướng Nga Vladimir Putin vẫn đang rộng mở nhưng có thể sẽ không còn bằng phẳng như trước.

Đúng 1 tuần nữa, Nga sẽ bước vào vòng 1 cuộc bầu cử tổng thống và đến nay ứng viên sáng giá nhất vẫn là Thủ tướng Vladimir Putin. Cuối tháng 9.2011, Tổng thống Dmitry Medvedev chính thức xác nhận không ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai sau khi giới thiệu ông Putin là ứng viên duy nhất của đảng cầm quyền Nước Nga thống nhất. Trong buổi trả lời phỏng vấn truyền hình trực tiếp không lâu sau đó, ông Medvedev nhận định ông Putin là “chính trị gia có tầm ảnh hưởng nhất tại Nga” hiện nay.


Hình ảnh mạnh mẽ của ông Putin trong cuộc mít tinh ngày 23.2 - Ảnh: Reuters 

Năm 2008, Hiến pháp Nga đã được chỉnh sửa để nhiệm kỳ tổng thống tăng từ 4 lên 6 năm, theo tờ Le Figaro. Như vậy, nếu đắc cử vào ngày 4.3 tới và tiếp tục thành công tại kỳ bầu cử năm 2018, ông Putin có thể giữ ghế chủ nhân Điện Kremlin đến năm 2024, khi ông đã 72 tuổi. Kết quả thăm dò mới nhất của Trung tâm khảo cứu VTSIOM cho thấy Thủ tướng Putin sẽ chiến thắng trực tiếp ngay từ vòng 1 với 58,6% số phiếu bầu.

Tuy vậy, những nghi vấn gian lận trong kỳ bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) hồi đầu tháng 12, kéo theo nhiều cuộc biểu tình phản đối lớn đến tận bây giờ, đã ảnh hưởng ít nhiều đến số điểm của ông Putin. Ngày 25.2, hàng ngàn người biểu tình tại Saint Petersburg để phản đối Thủ tướng Nga tranh cử tổng thống, theo AFP. Thành phố này chính là quê nhà và là nơi ông bắt đầu sự nghiệp chính trị. Vì thế, theo giới quan sát, dù đang chiếm ưu thế trong cuộc đua nhưng ông Putin vẫn rất tích cực đưa ra những ý tưởng chính sách cực kỳ hấp dẫn đối với cử tri. 

Khơi dậy “tinh thần Nga”

Ngày 23.2, hơn 100.000 người tập trung tại sân vận động Luzhniki ở thủ đô Moscow để bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Putin. Thủ tướng Nga đã xuất hiện tại đây và có những phát biểu khích lệ tinh thần người ủng hộ, theo AFP. Ông khẳng định người Nga “có gien chiến thắng” và Nga không cho phép thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ.

Một số chuyên gia đánh giá rằng khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tinh thần chiến thắng của người dân là một trong những chủ bài tranh cử của ông Putin. Ông thường nhắc lại những chiến công vang dội trong lịch sử, những thành tựu lớn trong thời Liên Xô, kết hợp thông báo những kế hoạch tăng cường ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế. Qua đó, Thủ tướng Nga muốn khẳng định lại hình ảnh một nhà lãnh đạo quyết đoán, mạnh mẽ và sẽ đưa đất nước đến những vinh quang mới, không thua gì năm xưa.

Trong bài viết trên tờ Rossiskaya Gazeta hồi đầu tuần, ông Putin tuyên bố muốn đầu tư 590 tỉ euro cho quốc phòng từ nay đến năm 2022, chủ yếu qua việc hiện đại hóa các trang thiết bị quân sự. Thủ tướng Nga nhận định: “Nhiều khu vực bất ổn đang xuất hiện và tình trạng hỗn loạn bị duy trì một cách cố ý. Có thể nhận thấy mưu toan kích động xung đột ngay tại khu vực lân cận của chúng ta. Vì thế, Nga không thể chỉ trông chờ vào các biện pháp ngoại giao hoặc kinh tế để giải quyết khủng hoảng”. Ngày 24.2, RIA-Novosti dẫn lời ông Putin tuyên bố Nga sẽ không đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân vì “chuyện này phải được thực hiện một cách toàn diện”. Ngoài ra, theo ông, Moscow sẽ chỉ hoàn toàn loại bỏ vũ khí hạt nhân một khi phát triển được các loại vũ khí quy ước có hiệu quả tương đương. “Sớm hơn một ngày cũng không. Đừng nên ảo tưởng về chuyện này”, Thủ tướng Nga nói.

Bên cạnh đó, giới quan sát cho rằng ông Putin sẽ tỏ ra cứng rắn hơn trong quan hệ với EU và tăng cường tạo ảnh hưởng với các nước lân cận thuộc Đông Âu, Tây Á… Điển hình là việc ông nhiệt tình ủng hộ thành lập Liên minh Âu - Á với bước đầu là mở khu vực kinh tế chung với Kazakhstan và Belarus. Riêng Belarus còn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Nga vì nằm ở vị trí “cầu nối” giữa nước này với EU. Vì thế, Nga không ngần ngại bán khí đốt cho Belarus với giá 165,6 USD/1.000m3, ưu đãi hơn nhiều so với giá 416 USD bán cho Ukraine. Moscow cũng đề nghị cho Minsk vay 10 tỉ USD để xây dựng trung tâm điện hạt nhân từ đây đến năm 2017, theo tờ Le Monde. Đổi lại, Hãng dầu khí Gazprom của Nga đã mua lại toàn bộ Công ty Beltransgaz và nắm quyền kiểm soát đường ống dẫn khí đốt đến châu Âu qua lãnh thổ Belarus. 

Nhiều kế hoạch cải cách

Tại một cuộc họp ở Duma, Thủ tướng Putin nhận định về chiến lược xây dựng quốc gia cho đến năm 2020: “Nước Nga cần sự phát triển bền vững và ổn định”. Để đạt được điều này, “cần củng cố khả năng “miễn dịch” cả về xã hội lẫn kinh tế để đối phó với “vi khuẩn” bất ổn”. Mục tiêu của ông Putin là đưa nước Nga vào nhóm 5 cường quốc kinh tế đứng đầu thế giới, với thu nhập bình quân đầu người đạt 35.000 USD/năm (hiện nay là 10.500 USD/năm), theo Le Figaro. Nguồn thu ổn định từ dầu khí sẽ kiềm chế lạm phát và giúp thực hiện các chính sách để tăng số lượng việc làm lên gấp đôi trong vòng 10 năm tới.

Sau khi chính thức tuyên bố ra tranh cử, Thủ tướng Nga càng tăng cường đề ra những mục tiêu cải cách để thuyết phục cử tri. Trước làn sóng biểu tình phản đối chính phủ đang có chiều hướng tăng cao, tháng 2.2012, ông bày tỏ quan điểm trong một bài viết trên tờ Kommersant: “Chúng ta cần đổi mới cơ chế dân chủ và phải xem trọng ý kiến của người dân. Xã hội Nga đã trở nên rất năng động và có trách nhiệm so với trước”. Tuy nhiên, ông khẳng định không ủng hộ xu hướng đơn giản hóa chính trị qua một nền “dân chủ ảo, được thu gọn với vài tấm biểu ngữ”.

Về mặt xã hội, trong bài viết trên tờ Komsomolskaya Pravda, ông Putin cho biết sẽ thực hiện nhiều thay đổi để trong 5 năm tới, ngành giáo dục được ưu đãi ngang ngành y và các vấn đề về chỗ ở sẽ được giải quyết trong vòng 18 năm. Theo đó, lương bổng của giáo viên sẽ đạt tương đương 200% mức lương bình quân của mỗi vùng. Giá cả bất động sản sẽ giảm từ 20-30% để đến năm 2030 mọi người dân có thể thật sự an cư… 

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.