Chẳng biết nên gọi là bi hay hài với những gì đang diễn ra ở một cuộc thi mà nhiều người cho rằng thuần túy “ăn chơi nhảy múa”, trong khi số khó tính hơn thì gọi thẳng là “nhảm”.
Và khi nhiều người ngỡ rằng nó đã dần trôi vào quên lãng trong thời buổi dễ nổi mau chìm này thì đột ngột xuất hiện dấu hiệu của một cuộc chiến mới, với lá thư “kêu cứu khẩn cấp” của Lê Nguyễn Quỳnh Anh, thí sinh tham dự cuộc thi Vietnam’s Got Talent.
>> Ban tổ chức Vietnam’s Got Talent phản hồi về "sự kiện" Quỳnh Anh
>> Ồn ào sự kiện “sơn ca hát 6 thứ tiếng”
>> Vietnam's Got Talent
Diễn biến ban đầu của vụ tai tiếng này cũng tầm thường như bao cuộc chơi có âm hưởng văn hóa pop, đại chúng và mang tính thương mại, trên màn ảnh nhỏ Việt Nam. Đó là bất đồng quan điểm giữa giám khảo và thí sinh (cùng người nhà). Hai bên cùng lên tiếng bảo vệ cho “chân lý”. Các cơ quan truyền thông, mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến mặc sức khai thác, độc giả tha hồ bình luận. Kết cục là những người thờ ơ nhất cũng thử một lần chuyển kênh tivi đến chương trình mà trước đó họ chẳng mảy may quan tâm.
Trong cuộc xâm lấn, đan xen của những làn sóng văn hóa toàn cầu, bên cạnh những cuộc thi dành cho những người trẻ thông minh như Đường lên đỉnh Olympia, SV…, việc hình thành những sân chơi như Vietnam Idol, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, Vietnam’s Got Talent cũng nhằm đáp ứng nhu cầu của nhiều khán giả. Một loạt sân chơi như thế có thể không đem lại kiến thức, làm giàu đời sống tinh thần và tư duy thẩm mỹ nhưng vẫn cần thiết đối với những người mong mỏi một sự thư giãn “triệt để”. Tóm lại đó là những sân chơi vô thưởng vô phạt, cho đến khi người ta bắt đầu đề cập đến phạm trù đạo đức sau một sự cố mà lẽ ra, ban tổ chức sẽ hưởng lợi vì độ nóng của nó.
Bài học nhãn tiền là nỗi đau tinh thần của một đứa trẻ trước búa rìu dư luận, và cứ tưởng rằng người lớn đã rút ra được điều gì. Thế nhưng, khi sự việc đã dần lặng sóng trong thế giới mạng, thì xuất hiện “Lời kêu cứu khẩn cấp của Quỳnh Anh Vietnam’s Got Talent gửi Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam” trên website Trường APC. Trước đó, đã có 3 bài viết với nội dung bảo vệ thí sinh này đăng xen lẫn những thông tin học hành trên cùng trang web. Ngay lập tức trên nhiều diễn đàn mạng, xuất hiện đợt tấn công thứ hai với mức độ “đánh phá” ác liệt hơn đã nhằm vào Quỳnh Anh và gia đình. Sự việc đã bị đẩy đi quá xa mà nạn nhân duy nhất chính là cô bé mới 15 tuổi.
Trong thời hoàng kim của Facebook, YouTube, Google… có lẽ cần phải trang bị cho những người trẻ đang muốn chứng tỏ mình một kỹ năng mềm trong dự trù và đối phó với các cuộc “khủng hoảng truyền thông” nhằm vào cá nhân họ. Nếu các em chưa hình dung được sự tàn nhẫn của dư luận, thì chính các bậc phụ huynh phải ý thức rõ điều này để bảo vệ con em mình thay vì làm điều ngược lại.
Thật khó mà khuyên nhau rằng cần phải sống bao dung hơn trong những trường hợp tương tự. Nhưng, hãy cứ đặt mình vào hoàn cảnh Quỳnh Anh để thấy rằng, điều cần thiết nhất bây giờ là mau chóng đem lại sự bình yên cho em. Liệu có nên nhân danh tình mẫu tử và lẽ công bằng để tiếp tục đưa con em mình vào chốn thị phi, thay vì kết thúc câu chuyện bằng hành vi tích cực hơn, chẳng hạn như một động thái hòa giải?
Giang Khê
Bình luận (0)