Ứng dụng công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến RFID (Radio Frequency Identification) giúp thanh toán, nhận dạng mọi thứ chỉ bằng một động tác lướt nhanh chóng
Hiện nay, việc tính tiền hàng hóa tại các siêu thị đều phải sử dụng cách nhận dạng mã vạch. Người tiêu dùng mua hàng, khi thanh toán phải qua thiết bị đọc mã vạch từng mặt hàng để tính tiền phải trả, rất mất thời gian và công sức.
Trong khi nếu áp dụng RFID, người tiêu dùng chỉ việc đẩy xe đựng các mặt hàng vừa mua ngang qua đầu đọc, lập tức tổng số tiền cần thanh toán sẽ hiện lên chính xác mà không cần phải chờ đến thao tác đếm, tính tiền từng vật phẩm một của nhân viên. Đó là một trong những ứng dụng tiện lợi mà công nghệ RFID mang lại.
Ứng dụng cần thiết
ThS Ngô Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch ICDREC (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết: “So với mã vạch, RFID có 2 ưu điểm vượt trội là khả năng phát sóng vô tuyến và có bộ nhớ cho phép ghi thêm các thông tin về hàng hóa, giúp con người có thể truy xuất nguồn gốc hàng hóa”.
Cụ thể, đối tượng “bị” quản lý (hàng hóa, phương tiện, con người...) sẽ được gắn thẻ gồm một vi xử lý nhỏ chứa dữ liệu thông tin về đối tượng và một ăng-ten phát sóng radio. Để truy xuất thông tin về đối tượng, một hệ thống đầu đọc sẽ được gắn ở những nơi phù hợp như trạm thu phí, cửa kiểm soát, quầy thanh toán... Khi đối tượng đi vào phạm vi giao tiếp, dữ liệu thông tin về đối tượng sẽ được đầu đọc truy xuất và gửi về máy chủ để xử lý, nhận dạng, quản lý...
Với khả năng này, RFID thay thế công nghệ nhận dạng mã vạch, có thể ứng dụng trong việc tính tiền hàng hóa trong siêu thị, xem ngay thông tin về các mặt hàng mình đã mua như giá bán, nguồn gốc các mặt hàng; chấm công nhân viên; quản lý hàng hóa, đối tượng xuất nhập... Nếu kết hợp thêm tính năng ghi chép các thông tin về đối tượng thì còn có thể ứng dụng vào việc thanh toán tiền đi xe buýt, tàu điện metro, ngân hàng..., đặc biệt là chứng minh nhân dân, hộ chiếu, bằng lái xe điện tử.Trong thư viện, các thẻ RFID được gắn vào các cuốn sách giúp giảm thời gian tìm kiếm, kiểm kê, chống được tình trạng trộm sách. Hiện thư viện ĐH Quốc gia TPHCM đã ứng dụng RFID trong việc quản lý sách. Một số lĩnh vực có khả năng sử dụng số lượng lớn thẻ RFID như thẻ thông minh, chứng minh nhân dân, hộ chiếu điện tử, hàng hóa trong siêu thị, quản lý hành lý trong hàng không, hệ thống giao thông công cộng, các ngành may mặc, giày dép…
Tăng tốc phát triển, ứng dụng RFID
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã gặp phải trở ngại rất lớn do “tiêu chuẩn” RFID của nhiều nước trên thế giới. Chẳng hạn, hệ thống siêu thị hàng đầu thế giới Wal-Mart bắt buộc các đối tác bán hàng hóa cho mình đều phải gắn thẻ RFID trong tất cả sản phẩm. Tổng Công ty Dệt may Việt Nam hiện phải xuất hàng hóa sang nước trung gian là Mexico để đóng thẻ RFID trước khi đưa vào thị trường Mỹ, gây bất lợi cho công ty trong việc bảo toàn chất lượng sản phẩm, chưa kể phải tăng thêm chi phí đóng thẻ RFID.
Ông Ngô Đức Hoàng cho biết việc ứng dụng công nghệ RFID là xu hướng tất yếu trong tương lai gần. Nhu cầu RFID đang rất lớn nhưng Việt Nam hiện vẫn chưa có doanh nghiệp nào có thể sản xuất thẻ, đầu đọc, hệ thống ứng dụng RFID. Tất cả đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Việc này dẫn đến những lo âu về mặt an ninh quốc gia, chẳng hạn khi triển khai việc sử dụng chứng minh nhân dân điện tử.
Vừa qua, dự án “Thiết kế và chế tạo chip, thẻ, đầu đọc RFID và xây dựng hệ thống ứng dụng” do ThS Ngô Đức Hoàng làm chủ nhiệm, được Bộ Khoa học - Công nghệ phê duyệt đầu tư và ủy quyền cho ĐH Quốc gia TPHCM làm chủ đầu tư. Dự án có tổng kinh phí đầu tư hơn 145,7 tỉ đồng, được thực hiện trong 4 năm nhằm thiết kế và sản xuất thử nghiệm vi xử lý 32-bit công suất thấp có tính cạnh tranh cao và các lõi IP có liên quan.
Từ đó, tiếp tục thiết kế và sản xuất chip RFID, đầu đọc RFID cũng như một số hệ thống ứng dụng sử dụng thẻ chip RFID. Sau khi kết thúc dự án, các sản phẩm này sẽ được ICDREC đưa vào kinh doanh. Dự kiến, đến năm 2014 sẽ có sản phẩm RFID đầu tiên. Khó khăn lớn nhất ngăn cản sự phát triển, ứng dụng công nghệ RFID là vấn đề giá cả quá cao.
Hiện giá thành một thẻ RFID trên thế giới trung bình khoảng 15.000 đồng/thẻ. Giá thành này chỉ có thể áp dụng thẻ cho các mặt hàng có giá trị khá cao, khó có thể áp dụng cho các mặt hàng rẻ tiền. Do đó, mục tiêu dự án của ICDREC là hạ giá thành xuống còn 10.000 đồng/thẻ; đến năm 2020, giá thành còn khoảng 2.000 đồng/thẻ.Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Nguyễn Quân nhấn mạnh đây là dự án cần thiết và khởi đầu cho Việt Nam tiến đến làm chủ công nghệ vi mạch, bán dẫn từ thiết kế đến chế tạo sản xuất nhằm phục vụ các nhu cầu thương mại cũng như trong nhiều lĩnh vực khác. Nếu dự án này thành công sẽ tác động rất mạnh và hệ thống các chương trình quốc gia và đề án đổi mới công nghệ của quốc gia...
RFID là gì ? RFID là công nghệ nhận dạng bằng sóng vô tuyến, giúp đọc ngay các thông tin về đối tượng muốn được nhận dạng, quản lý (hàng hóa, phương tiện, sản phẩm, con người...) ở khoảng cách đến hàng chục mét. Không những vậy, RFID còn có thể cập nhật liên tục thông tin về đối tượng nhằm giúp quá trình quản lý, theo dõi, truy xuất thông tin... trở nên rất dễ dàng. Lượng thẻ RFID tiêu thụ trên toàn cầu trong năm 2008 là 2 tỉ thẻ, năm 2009 tăng lên 3 tỉ thẻ, dự báo đến năm 2020 sẽ lên đến 500 tỉ thẻ. |
Theo Người Lao Động
Bình luận (0)