Đó là giải pháp các nhà quản lý đưa ra trước tình trạng bát nháo xe cấp cứu “nhái” mà Thanh Niên phản ánh những ngày qua.
>> Xe cứu thương “nhái” ép bệnh viện
>> Những đội xe cứu thương “nhái”
Theo các nhà quản lý, để xảy ra tình trạng bát nháo xe cứu thương “nhái” có nhiều nguyên nhân: xe cứu thương của bệnh viện (BV) không đáp ứng được nhu cầu chuyển bệnh; không ai quản lý, giám sát loại xe này…
Một cán bộ Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Trước đây Sở cũng có lần bàn đến việc phối hợp với phía thanh tra giao thông để quản lý tình trạng xe cấp cứu “nhái” ở TP, nhưng rồi không thấy thực hiện. Dịch vụ này vẫn đang diễn ra rầm rộ ở TP, phần lớn xe cấp cứu “nhái” không được trang bị đủ phương tiện cấp cứu, nguy hiểm cho người bệnh. Nếu có xảy ra hậu quả khi chuyển bệnh nhân (BN) thì ai sẽ chịu trách nhiệm?”.
|
Xã hội hóa có điều kiện
Về giải pháp cho thực trạng trên, nhiều nhà quản lý cho rằng nên xã hội hóa (XHH) dịch vụ xe cấp cứu. TS-BS Đỗ Quốc Huy, Phó chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu VN, kiêm Phó giám đốc BV Cấp cứu Trưng Vương, TP.HCM, cho rằng việc XHH dịch vụ xe cấp cứu phải đi kèm với việc xem xét cấp phép, kiểm soát thật chặt chẽ, đảm bảo xe đạt tiêu chuẩn chuyên môn. Đồng thời lưu ý chỉ cho phép những xe này vận chuyển BN, chứ họ không được tham dự vào những vụ cấp cứu tại hiện trường. Hiện TS-BS Đỗ Quốc Huy cũng đang nghiên cứu viết đề án xoay quanh vấn đề XHH xe cấp cứu để tham mưu cho cơ quan quản lý.
Đồng quan điểm nên XHH dịch vụ xe cấp cứu, BS Nguyễn Tấn Phó, Giám đốc Trung tâm 115 TP.Đà Nẵng, lưu ý: “Dịch vụ xe cấp cứu tư phải đảm bảo chuyên môn, phải được quản lý chặt chẽ. Vì loại xe này vận chuyển BN nguy kịch, thi thể, nếu xe tư nhân không có chuyên môn về vệ sinh, khử khuẩn nghiêm ngặt thì độ lây nhiễm của dịch bệnh sẽ rất cao, là mối nguy cho người nhà cũng như các BN khác”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội): “Với nhu cầu hiện nay, xã hội hóa đội xe vận chuyển BN là phù hợp, nhưng buộc xe phải đủ điều kiện hoạt động. Ngoài lựa chọn nhân viên y tế đủ điều kiện chuyên môn để hỗ trợ BN trên đường, người lái xe cứu thương cũng phải qua tập huấn về ứng phó, cũng như các kỹ năng cơ bản để có thể hỗ trợ nhân viên y tế chăm sóc BN khi cần thiết. Đồng thời, phải kiểm soát về giá, không để tình trạng dựa vào "danh" BV nâng giá vận chuyển. Nếu BV hợp đồng làm dịch vụ này thì BV vẫn phải chịu trách nhiệm về chất lượng, có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý nếu nhận được những phản ánh”.
Một điển hình đáng ghi nhận
Trong khi nhiều nhà quản lý mới chỉ dừng ở việc đề xuất, thì An Giang 2 năm liền (2010 - 2011) được Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) VN khen thưởng nhân tố điển hình về mô hình XHH xe cấp cứu miễn phí. Toàn tỉnh hiện có đến 128 xe do người dân góp tiền mua để chuyển BN miễn phí. Các BV và các xã trong 10 huyện của tỉnh đều có từ 1-3 xe cấp cứu phục vụ miễn phí cho mọi người dân. Theo ông Võ Minh Dũng, Trưởng ban Công tác xã hội Hội CTĐ An Giang, “Chỉ tính riêng năm 2011, với số xe trên, Hội CTĐ các cấp đã giúp chuyển viện trên 82.000 BN với số tiền miễn phí gần 12 tỉ đồng. Thạnh Mỹ Tây là xã đầu tiên của H.Châu Phú thực hiện phong trào hùn tiền mua xe chuyển bệnh miễn phí. Tiếp đó, nông dân nhiều nơi trong huyện này và các huyện khác trong tỉnh tiếp tục vận động các nhà hảo tâm góp tiền mua thêm nhiều xe cấp cứu nhập khẩu để phục vụ người dân. Mỗi mùa lúa, nông dân góp hơn 2.500 giạ lúa bán lấy tiền làm chi phí xăng dầu. Chỉ riêng tổ xe của Hội CTĐ BV đa khoa Châu Phú có hơn 10 tài xế trực chiến với 2 chiếc xe hoạt động liên tục, phục vụ 24 điểm gọi xe cấp cứu trên địa bàn huyện và 3 điểm tại H.Phú Tân. Nhiều bệnh nhân ở Châu Đốc, Thoại Sơn cũng gọi điện nhờ đội xe này giúp đỡ”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bờ, Chủ tịch Hội CTĐ H.Châu Phú, đơn vị đang quản lý 19 xe cấp cứu miễn phí (trị giá gần 2,8 tỉ đồng) do người dân, doanh nghiệp đóng góp, nếu tính theo giá thu của BV, bình quân mỗi tháng đội xe chuyển viện trong huyện tiết kiệm cho người dân trên 100 triệu đồng. Không thành viên nào được nhận tiền trong quá trình chuyển BN. Sau khi lành bệnh trở về, nếu có lòng hảo tâm thì BN tự nguyện góp tiền mua xăng dầu, tu sửa xe”.
Việc góp tiền mua xe chuyển BN cấp cứu làm phước cứu người không dừng lại ở H.Châu Phú, mà nay đã tỏa ra các huyện khác trong tỉnh An Giang, trở thành phong trào đầy tình nhân ái. Từ phong trào ở An Giang, nông dân nhiều tỉnh khác ở ĐBSCL khi nghe Hội CTĐ địa phương vận động quyên góp tiền mua xe cấp cứu là sẵn sàng ủng hộ. Như tại tỉnh Đồng Tháp, trong năm qua nông dân tỉnh Đồng Tháp đã góp mua được 15 chiếc xe cấp cứu miễn phí.
Hà Nội cũng nhiều xe cứu thương "nhái" Theo tìm hiểu của PV, BV Việt Đức là nơi có số lượng ca cấp cứu đứng đầu tại Hà Nội. Đây cũng được coi là nơi có đội xe cứu thương hùng hậu nhất với số lượng 16 chiếc, tất cả đều lắp biển xanh. Thế nhưng, thống kê của BV cho biết đội xe này chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu của bệnh nhân, còn lại trên 30% là xe gia đình hoặc taxi, hơn 20% là xe của “cò”. Dạo vài bước trước cổng BV Việt Đức, PV Thanh Niên được 2 - 3 thanh niên mời chào sử dụng xe cấp cứu. Hỏi về giá cả, chất lượng dịch vụ, những người này đều cam đoan đảm bảo an toàn, nhanh chóng và đặc biệt là... rẻ hơn BV (?!). Sáng 25.2, PV đóng vai người nhà bệnh nhân vào liên hệ với bảo vệ BV Huyết học T.Ư làm thủ tục cho xe cấp cứu chở người thì được trả lời: “BV đã ký hợp đồng “độc quyền” với trung tâm xe cấp cứu 117, xe ngoài thì không được vào, nếu bệnh nhân muốn đi thì khênh ra ngoài đường mà đi”! Thái Sơn |
Thanh Niên
Bình luận (0)