Dịch giả Đoàn Tử Huyến: 108 là con số thú vị

27/02/2012 09:08 GMT+7

108 nhà văn thế kỷ XX-XXI (Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây & NXB Lao Động) - tập sách do dịch giả Đoàn Tử Huyến chủ biên cùng các cộng sự - vừa ra mắt bạn đọc.

108 nhà văn thế kỷ XX-XXI (Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây & NXB Lao Động) - tập sách do dịch giả Đoàn Tử Huyến chủ biên cùng các cộng sự - vừa ra mắt bạn đọc.

Đây là tập sách mở đầu dự án sách tư liệu, gồm: 108 kiệt tác văn chương thế giới, 108 nhân vật văn học thế giới, 108 bộ phim thế kỷ XX-XXI... cũng do Đoàn Tử Huyến chủ biên. Dịp này, Tuổi Trẻ có cuộc trao đổi ngắn với ông.

* Thưa ông, vì sao là 108 nhà văn, con số 108 có ý nghĩa gì?

- Nó ấn tượng, gợi tò mò, như nó khiến anh đang hỏi tôi đây! Thật ra, trước hết đó là con số hợp lý để chỉ số tác giả tôi chọn lúc này - khoảng trên dưới 100 - cho vừa cuốn sách của tôi. Có thể 100, 101, 111, nhưng tôi thích chọn 108 vì tôi thấy đó là con số thú vị nhất. Nó quen thuộc và được coi là đẹp trong văn hóa phương Đông (có phần huyền bí), gợi nhiều liên tưởng: 108 anh hùng Lương Sơn Bạc, chuỗi tràng hạt trong Phật giáo có 108 hạt, 108 ngôi sao trong Tử vi đẩu số... Nếu tán ra nữa thì nhiều chuyện lắm - 108 nguyên tố trong bảng tuần hoàn Mendeleev, dãy Hymalaya có 108 ngọn...

 
Dịch giả Đoàn Tử Huyến - Ảnh: Nguyễn Đình Toàn

* Cuốn sách sẽ gặp phải câu hỏi vì sao chọn tác giả này mà không chọn tác giả kia. Chẳng hạn, với câu hỏi: tại sao chọn Kim Dung hay J.K.Rowling, khi giới phê bình cho rằng tác phẩm của hai người này chỉ là cận văn chương?

- Chúng tôi xin lắng nghe mọi góp ý thuyết phục để cân nhắc và bổ cứu cho lần in sau. Tuy nhiên, để chọn tác giả này hay tác giả khác, chúng tôi đều đã có nhận định rõ ràng. Chẳng hạn, về Kim Dung và J.K.Rowling, theo tôi, không phải "giới phê bình cho rằng tác phẩm của hai người này chỉ là cận văn chương" như anh nói, mà đó chỉ là một (trong số những) ý kiến khác nhau. Với nghiên cứu của Đại học Bắc Kinh, Kim Dung là nhân vật thứ tư trong số những tác giả lỗi lạc nhất của Trung Hoa thế kỷ XX. Tháng 2-2006, ông được độc giả bầu là nhà văn được yêu thích nhất Trung Quốc. Tương tự, tôi chọn J.K.Rowling trên cơ sở nhận định bà là "một hiện tượng đặc biệt, trở thành thần tượng của trẻ em trên khắp thế giới với bộ truyện giả tưởng Harry Potter, góp công rất lớn trong việc tạo nên sự trỗi dậy của văn học thiếu nhi cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, khôi phục sức hấp dẫn của văn hóa đọc đang dần bị mai một".

 
Tập sách 108 nhà văn thế kỷ XX-XXI

* Việt Nam có một nhà văn được chọn là Vũ Trọng Phụng. Ông có thể nêu lý do vì sao chọn Vũ Trọng Phụng?

- Đơn giản vì theo tôi, Vũ Trọng Phụng là nhà văn xuất sắc và có nhiều thành tựu, công lao nhất của Việt Nam và xứng đáng đứng trong hàng những nhà văn lớn của thế giới thế kỷ vừa qua.

* 108 nhà văn thế kỷ XX-XXI thuộc dạng tư liệu tiểu sử tác giả tác phẩm. Thời công nghệ thông tin, với công cụ tìm kiếm là Google thì dạng thông tin này có thể tìm kiếm mau chóng. Vậy thông tin từ cuốn sách này có gì mới hay có gì khác?

- Nếu nói về thông tin nói chung có trên Internet từ các thứ tiếng thì đúng là không thể có gì mới, khác; nhưng nếu so với nguồn tiếng Việt thì lại có vì được tập hợp cả từ nhiều nguồn tiếng Anh, Pháp, Nga, Hoa... Điều quan trọng là những nguồn thông tin đó được lựa chọn và xử lý tập trung thành 108 mục từ theo một mẫu chung (2.000-3.000 từ). Văn nghiệp từng tác giả, nội dung các tác phẩm chính được cố gắng trình bày khách quan và súc tích trong chừng có thể; các chi tiết được đối chiếu, kiểm tra kỹ nhằm tạo độ chuẩn xác cao. Tôi nghĩ cuốn sách hữu ích cho những người không có điều kiện sử dụng Internet và cả những người cần tra tìm tư liệu một cách nhanh chóng và đáng tin cậy.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.