Nộp hồ sơ dự thi thông minh

28/02/2012 03:18 GMT+7

Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa học sinh (HS) lớp 12 bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ. Vì thế đa số những câu hỏi trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tại Bình Định ngày 27.2 tập trung vào vấn đề này.

Chỉ còn khoảng 3 tuần nữa học sinh (HS) lớp 12 bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ. Vì thế đa số những câu hỏi trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên tại Bình Định ngày 27.2 tập trung vào vấn đề này.


Chuyên gia tư vấn các trường ĐH trả lời thắc mắc của phụ huynh trong chương trình tư vấn diễn ra tại Bình Định - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tiếp cận nhiều nguồn thông tin

Mở đầu chương trình, HS đặt câu hỏi qua đường dây nóng: “Quý thầy cô tư vấn cho em cách nộp hồ sơ thế nào là thông minh nhất, nghĩa là dễ trúng tuyển nhất?”. Theo thạc sĩ Lê Văn Phùng - Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Trường ĐH Tài nguyên-Môi trường TP.HCM, cách nộp hồ sơ thông minh nhất là biết lượng sức mình. HS cần xem thống kê tổng hợp trường nào ở tốp cao, tốp giữa, tốp dưới, kèm theo đó là dựa vào khả năng học tập để lựa chọn trường đúng đắn. Bổ sung phần trả lời, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Đầu tiên, các em phải xác định mình sẽ thi vào ngành nào, trường nào. Sau đó, cân nhắc sức học, sở thích của mình, rồi lấy ý kiến cha mẹ - thầy cô, lúc đó mới chọn trường, chọn ngành. Các em cũng cần đọc qua nhiều tài liệu để nắm thông tin cần thiết rồi quyết định chọn ngành để thi. Để chắc chắn, sau khi có định hướng một vài trường nào đó, các em nên trực tiếp vào website của các trường để lấy thông tin: chương trình học, chuẩn đầu ra, một số thông tin khác liên quan việc học tập, sau đó mới làm thủ tục hồ sơ”.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, căn dặn: “HS và phụ huynh có thể đến trường ĐH để nhờ các thầy cô trong trường tư vấn”. Tiến sĩ Trần Mạnh Thành - Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, khuyên nên căn cứ năng lực để chọn nhóm các trường định nộp vào, chẳng hạn nhóm trường ngành điểm chuẩn cao, trung bình hoặc bằng điểm sàn. Cũng cần lưu ý tỷ lệ “chọi” qua các năm của các ngành học để lựa chọn ngành “dễ thở”.

Chiến lược chọn ngành

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM bổ sung khối thi A1

Chiều 27.2, thạc sĩ Tạ Quang Lâm - Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết năm 2012 trường bổ sung khối thi A1 vào các ngành: sư phạm (SP), toán học, vật lý học, SP tin, công nghệ thông tin, giáo dục tiểu học, địa lý, quản lý giáo dục, quốc phòng - an ninh. Trường tuyển thẳng những thí sinh khuyết tật có học lực từ khá trở lên sau khi Hội đồng tuyển sinh trường kiểm tra đánh giá khả năng học tập của thí sinh.

Hà Ánh

Ngay sau đó, một HS đề nghị các thầy cô cho biết ngành nào ở các trường điểm chuẩn thấp mà nhiều chỉ tiêu, dễ trúng tuyển?

Các chuyên gia đưa ra vài “thủ thuật” để chọn trường ngành dễ trúng tuyển như: Trường mới thành lập, ngành mới được đào tạo thì số lượng người biết ít hơn nên điểm chuẩn sẽ thấp hơn, dẫn đến cơ hội trúng tuyển cao hơn. Thường nhóm ngành kỹ thuật ít thí sinh đăng ký dự thi hơn nhóm ngành kinh tế mà nhu cầu nhân lực cao nên cũng thêm cơ hội. Tiến sĩ Lê Anh Duy - Trưởng phòng Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Sài Gòn, gợi ý HS nên xem thông báo tuyển sinh của các trường trong những năm gần đây, nếu những ngành nào tuyển nhiều chỉ tiêu nguyện vọng 2, 3 nghĩa là số lượng thí sinh thi vào không nhiều và trường chưa lấy đủ chỉ tiêu.

Tiến sĩ Lê Xuân Vinh - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Quy Nhơn, thông tin rằng các ngành như tâm lý học giáo dục, giáo dục chính trị… hằng năm rất ít thí sinh.

Cụ thể hơn, một HS đặt vấn đề: “Em rất thích học ngành tài chính - ngân hàng nhưng sức học chỉ trung bình. Vậy em phải làm sao để được học ĐH ngành này?”. Thạc sĩ Lâm Tường Thoại - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết: “Đây là ngành có điểm chuẩn cao ở nhiều trường và số thí sinh thi vào hằng năm rất đông. Em cần xác định lại đúng là mình thích hay không, hay chỉ thích theo phong trào, bạn bè? Một số trường có đào tạo ngành này nhưng điểm chuẩn hằng năm không cao như: ĐH Huế, ĐH Văn Lang, ĐH Hồng Bàng, ĐH Lạc Hồng… Nếu muốn an toàn hơn, em có thể thi ngành này ở bậc CĐ, sau đó liên thông lên ĐH”.

Báo Thanh Niên cảm ơn các đơn vị đã hỗ trợ cho chương trình tại
 
Bình Định: Ngân hàng Quốc tế - VIB Quy Nhơn, Công ty cổ phần nước khoáng Quy Nhơn, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - chi nhánh Bình Định, Bảo hiểm Pjico Bình Định, Công ty TNHH Quốc Khánh, Công ty quảng cáo Nhơn Hội, Viễn thông Bình Định, MobiFone Bình Định, Đài PT-TH Bình Định, Tỉnh đoàn, Sở GD-ĐT Bình Định. Công ty cổ phần vận tải và dịch vụ du lịch Phương Trang đã hỗ trợ đưa đón đoàn tư vấn đi các tỉnh.

Đ.Nguyên - T.T.Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.