Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm thực hiện, khó mấy cũng phải thực hiện việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng

28/02/2012 03:53 GMT+7

Báo Thanh Niên trân trọng trích đăng phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị:  (tít bài do Báo Thanh Niên đặt).

 

“…Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" là một nghị quyết có tầm quan trọng đặc biệt. Nghị quyết đã được toàn Đảng, toàn dân rất hoan nghênh và tán thành, coi như đã thổi một luồng sinh khí mới vào đời sống chính trị của đất nước. Tuy nhiên, tâm lý chung hiện nay là đang chờ đợi, chờ đợi và hy vọng. Vấn đề quyết định bây giờ là khâu tổ chức thực hiện nghị quyết. Tinh thần chung của trung ương là quyết tâm thực hiện, khó mấy cũng phải thực hiện. Bộ Chính trị đã có Chỉ thị và sẽ có Kế hoạch triển khai thực hiện, nêu rõ các yêu cầu, công việc, lộ trình, thời gian, cách thức và các bước tiến hành cụ thể. Tôi chỉ xin lưu ý một số điểm chung sau đây:

- Phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của nghị quyết, nắm vững những tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm, thấy đầy đủ trách nhiệm của mình để gương mẫu, tự giác thực hiện và chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết trên mỗi cương vị công tác tại địa bàn, lĩnh vực do mình phụ trách.

- Ngay sau khi kết thúc hội nghị cán bộ này, Bộ Chính trị sẽ chỉ đạo tiếp thu ý kiến của các đồng chí, hoàn chỉnh và ban hành sớm kế hoạch của Bộ Chính trị về việc thực hiện Nghị quyết của Trung ương; chỉ đạo các ban Đảng Trung ương tiếp thu ý kiến của hội nghị để sớm ban hành các văn bản hướng dẫn phù hợp với từng mảng công việc. Căn cứ vào Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị và Kế hoạch của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo hướng dẫn của các ban Đảng Trung ương và các cơ quan cấp trên, các cấp ủy và tổ chức Đảng các cấp, các ngành phải xây dựng kế hoạch, chương trình học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, ngành mình. Phải làm rất khẩn trương, nghiêm túc, thiết thực; có sự phân công trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, chặt chẽ.

- Từng cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là người đứng đầu, người chủ trì phải tự giác, gương mẫu làm trước (ngay sau hội nghị này, không phải chờ gì cả) tự kiểm điểm, soi lại mình, đơn vị mình, gia đình mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì khiếm khuyết thì tự điều chỉnh, cái gì xấu thì tự gột rửa, tự sửa mình. Mọi đảng viên đều phải làm như vậy, chứ không phải chỉ đứng ngoài mà "phán", hoặc "chờ xem", coi như mình vô can.

- Phải thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp một cách đồng bộ, tổng hợp đồng thời có trọng tâm, trọng điểm; bao gồm cả việc thực hiện 8 nhiệm vụ nêu trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, các quy định khác của Đảng và Nhà nước; kết hợp giữa "xây và chống", "chống và xây". Nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái; đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng, hư hỏng, tiêu cực; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện, quản lý đảng viên, cán bộ; công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán của các cơ quan chức năng; nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng; phát huy vai trò giám sát của nhân dân, các đoàn thể, của báo chí, công luận.

- Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần được chuẩn bị thật chu đáo, chỉ đạo tỉ mỉ, chặt chẽ, tiến hành nghiêm túc, thận trọng; làm đến đâu chắc đến đó, đạt kết quả cụ thể, thực chất. Hết sức tránh làm lướt, làm qua loa, hình thức, chiếu lệ. Khắc phục tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau; cũng như tình trạng lợi dụng dịp này để "đấu đá", "hạ bệ" nhau với những động cơ không trong sáng. Nghiêm khắc xử lý những trường hợp trù dập phê bình và vu cáo người khác. Kinh nghiệm cho thấy, muốn tự phê bình và phê bình có kết quả tốt, điều quan trọng là phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng, người đứng đầu phải gương mẫu và phải có các hình thức dân chủ để quần chúng đóng góp phê bình cán bộ, đảng viên và phải nghiêm túc tiếp thu những ý kiến phê bình đúng đắn. Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng. Thái độ nể nang, hữu khuynh, "ngậm miệng ăn tiền" hoặc thái độ cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng. Tự phê bình và phê bình đòi hỏi mỗi người phải có tinh thần tự giác rất cao, có tình thương yêu đồng chí thật sự và phải có dũng khí đấu tranh thẳng thắn, chân tình. Đây cũng là dịp để hiểu thêm cán bộ, có cơ sở để đánh giá cán bộ, xem xét kết hợp chuẩn bị quy hoạch cán bộ cho thời gian tới.

- Phải đặt việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng trong tổng thể thực hiện các nghị quyết khác của Trung ương, của Quốc hội, của Chính phủ..., nói rộng ra là trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị thường xuyên của cả hệ thống chính trị, bảo đảm thúc đẩy việc hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại... chứ không phải "đóng cửa" để chỉnh đốn Đảng. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là để làm cho Đảng ta ngày càng mạnh hơn; cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn; tổ chức đảng có sức chiến đấu cao hơn; đoàn kết nội bộ tốt hơn; gắn bó với nhân dân mật thiết hơn; thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả cao hơn; chứ không phải ngược lại.

- Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng tổ chức, xây dựng con người, là công tác con người, dễ đụng chạm đến danh dự, lợi ích, quan hệ của con người, đòi hỏi mỗi người phải tự phân tích, mổ xẻ những ưu, khuyết điểm của chính bản thân mình; phải nhận xét, đánh giá về người khác. Nếu không thật tự giác, chân thành, công tâm thì rất dễ chủ quan, thường chỉ thấy ưu điểm, mặt mạnh của mình nhiều hơn người khác; trong khi chỉ thấy khuyết điểm, mặt yếu của người khác nhiều hơn mình. Vì vậy, thường rất khó, rất phức tạp. Khó nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Đảng ta đã làm, làm nhiều, làm thường xuyên và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nếu không làm thì không có được những thành quả như ngày nay. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ cách mạng, trước thực trạng một số yếu kém, khuyết điểm, hơn lúc nào hết, Đảng ta càng phải đặc biệt coi trọng hơn nữa nhiệm vụ xây dựng Đảng như Đại hội XI và Hội nghị Trung ương 4 đã chỉ ra, tạo bước chuyển thực sự trong công tác này. Điều quan trọng có ý nghĩa quyết định là: tất cả chúng ta, từ trên xuống dưới, đều phải có quyết tâm rất lớn, có sự thống nhất rất cao, có biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại. Có những việc không thể chỉ làm một lần là xong. Ngược lại, phải làm rất kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày. Có khi giải quyết xong vấn đề này lại nảy sinh vấn đề khác, làm được việc này lại xuất hiện việc khác. Nếu không xác định như vậy thì mỗi khi thấy có sự việc tiêu cực trong Đảng dễ mất bình tĩnh, nảy sinh tư tưởng bi quan, hoài nghi, hoặc mất niềm tin, phủ nhận mọi sự cố gắng và kết quả chung”.

Theo TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.