Chọn, không phải “né”!

29/02/2012 03:21 GMT+7

Không thể bắt ép người dân đi đường cao tốc và cũng không nên sử dụng từ “né” để nói về những tài xế lựa chọn QL1A để lưu thông. Bởi, đơn giản đó là quyền chọn lựa của họ.

Không thể bắt ép người dân đi đường cao tốc và cũng không nên sử dụng từ “né” để nói về những tài xế lựa chọn QL1A để lưu thông. Bởi, đơn giản đó là quyền chọn lựa của họ.

>> Phí đường cao tốc quá cao!
>> “Thu phí quốc lộ 1A để tạo sự công bằng”
>> Quy trình thu phí đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương

Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương vừa triển khai thu phí đã gây bức xúc trong dư luận, thể hiện ở sự “tẩy chay” của hàng loạt tài xế kéo theo lượng xe lưu thông sụt giảm hơn một nửa. Đây gần như là hệ quả tất yếu khi mức phí quá đắt đỏ, và vào thời điểm thu phí, tuyến cao tốc này thậm chí còn chưa hoàn tất việc sửa chữa các hư hỏng.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận bất bình hơn cả đó là đề xuất xây thêm trạm thu phí trên QL1A nhằm dồn ép xe vào đường cao tốc của chủ đầu tư (Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, thuộc Bộ GTVT). Đề xuất này đi ngược quyền lợi của đông đảo người tham gia giao thông và trái với nguyên tắc căn bản trong đó cho phép người dân được lựa chọn đi trên con đường nào mà họ thấy thuận tiện, phù hợp với điều kiện kinh tế.

Chủ đầu tư đường cao tốc cũng như bất kỳ doanh nghiệp (DN) nào khi cung cấp một sản phẩm phải trên cơ sở “thuận mua vừa bán”. Mức phí đưa ra không thể chỉ nhằm thu lợi nhanh nhất cho DN mà không tính đến đời sống, mức thu nhập, sức chịu đựng của người dân. Người tiêu dùng được tự do lựa chọn, nếu thấy sản phẩm không tốt, hoặc chất lượng không tương xứng với giá cả thì họ có quyền không mua nó. Bài toán “cung - cầu” nên được lấy làm nguyên tắc căn bản trong việc đầu tư các công trình hạ tầng. Điều này buộc DN phải có sự tính toán về nhu cầu, hiệu quả trước khi đầu tư một dự án, chứ không thể có chuyện cứ bỏ tiền xây công trình rồi đề xuất các giải pháp hành chính để bắt ép người tham gia giao thông phải bỏ tiền mua phí.

Không chỉ đi ngược nguyên tắc căn bản, mà đề xuất xây trạm thu phí trên QL1A còn làm trái hàng loạt quy định pháp luật hiện hành. Trong đó, Pháp lệnh Phí và lệ phí của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất, cho nên các văn bản cho phép xây trạm thu phí trái với Pháp lệnh thì đương nhiên không có giá trị hiệu lực. Không thể đặt lợi ích kinh doanh của một DN lên trên các quy định pháp luật. Cũng không thể chỉ biết tính toán cho lợi ích cục bộ bằng cách đánh phí thật cao để mau thu hồi vốn mà bất cần biết mức phí ấy tác động xấu đến hoạt động giao thông, kinh tế của một khu vực rộng lớn.

Trên thực tế, tình trạng DN dựng trạm thu phí để tận thu trái luật như trên không phải chuyện hiếm. Trạm Tam Kỳ (Quảng Nam), trạm Tào Xuyên (Thanh Hóa) thu phí cho đường tránh qua các địa phương này, song đều đặt trên QL1A nên đã thu tiền oan nhiều phương tiện. Bất công nhất là trạm xa lộ Hà Nội (TP.HCM) thu phí hoàn vốn cho đường Điện Biên Phủ nhưng lại đặt trên xa lộ Hà Nội và lập lờ về tên gọi nên đã “âm thầm” thu phí oan của người dân và DN trong gần chục năm qua. Dù sau đó chủ đầu tư thừa nhận thu phí chưa đúng đối tượng, song người dân cũng đã mất tiền, còn chủ đầu tư cũng đã kịp hưởng món lợi trái luật khổng lồ. Việc thu phí bất công này đã gây bức xúc dư luận suốt một thời gian dài, ít nhất 7 DN đã khởi kiện chủ đầu tư đòi hoàn phí. Nay, nếu để tái diễn tình trạng tương tự (thu phí cho đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương nhưng lại đặt trên QL1A) sẽ là một cách tiếp tay cho DN công khai coi thường các quy định pháp luật để tận thu, đặt người dân vào thế bị "cưỡng bức" mua phí.

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.