Kinh hoàng heo siêu nạc - Kỳ 3: “Thần dược” là chất độc bị cấm!

29/02/2012 03:00 GMT+7

Sau nhiều ngày thu thập chứng cứ ở các trại chăn nuôi và nơi cung cấp thuốc cho heo, PV Thanh Niên đã mang “thần dược siêu tạo nạc” đi kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy trong thuốc này có chất họ β- agonist - một loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới.

Sau nhiều ngày thu thập chứng cứ ở các trại chăn nuôi và nơi cung cấp thuốc cho heo, PV Thanh Niên đã mang “thần dược siêu tạo nạc” đi kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy trong thuốc này có chất họ β- agonist - một loại chất độc cấm sử dụng trong chăn nuôi trên toàn thế giới.

>> Kỳ 2: “Thần dược” mua bao nhiêu cũng có

Tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai, sau khi nghe bà chủ cửa hàng Duy Hào quảng cáo “thần dược siêu tạo nạc” là thuốc kích thích tăng trưởng, hàng ngoại nhập; được lấy từ công ty ra cả bao 50 kg, sau đó phân ra bán lẻ cho người chăn nuôi, và “đây là loại thuốc mới dành cho heo, rất công dụng, lại hoàn toàn không độc hại”, PV Thanh Niên đã quyết định mua 1/2 kg với giá 250.000 đồng đem về trạm chẩn đoán xét nghiệm và điều trị, thuộc Chi cục Thú y TP.HCM, nhờ kiểm nghiệm làm rõ. 

 
Một con heo có hiện tượng sụm chân sớm

Sau 3 ngày gửi mẫu, chiều 28.2, bác sĩ Đặng Thị Hoàng Thẩm, Phó trưởng trạm đã chính thức ký thông báo kết quả kiểm nghiệm loại thuốc chúng tôi chuyển tới có chất họ β-agonist - một loại hoóc môn kích thích tăng trưởng - cấm sử dụng trong chăn nuôi.

 Tôi đã trực tiếp nghe những người nuôi heo cho biết, để chiều lòng các thương lái, để heo nhanh lớn, siêu nạc, dễ bán, họ thường dùng các chất clenbuterol và salbutamol. Hai chất này thuộc nhóm beta agonist có tác dụng làm giãn phế quản, được dùng làm thuốc chữa bệnh hen suyễn ở người
Bác sĩ Trần Văn Ký - Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm VN

Theo tài liệu khoa học, họ β-agonist gồm 2 nhóm. Nhóm β1-agonist: như Dobutamine, Isoproterenol, Xamoterol, Epinephrine… có tác dụng kích thích tim, được dùng để điều trị sốc tim, suy tim cấp tính. Nhóm β2-agonist: như Salbutamol (Albuterol), Clenbuterol, Epinephrine… làm giãn cơ, được dùng để điều trị hen suyễn, bệnh phổi mãn tính. Trong những chất kể trên thì Salbutamol, Clenbuterol và Ractopamine là ba chất đứng đầu trong danh mục 18 chất kháng sinh, hóa chất bị cấm sử dụng trong chăn nuôi ở VN và hầu hết các nước trên thế giới. 

Ăn thịt siêu nạc bị loạn nhịp tim, run cơ, rối loạn tiêu hóa...

Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm VN, nói: “Tôi đã trực tiếp nghe những người nuôi heo cho biết, để chiều lòng các thương lái, để heo nhanh lớn, siêu nạc, dễ bán, họ thường dùng các chất clenbuterol và salbutamol. Hai chất này thuộc nhóm beta agonist có tác dụng làm giãn phế quản, được dùng làm thuốc chữa bệnh hen suyễn ở người. Tác dụng phụ của hai chất này làm cho heo nở nang, tăng trọng nhanh, nhất là tăng lượng nạc. Những chất này không khó mua, thậm chí có người đem đến bán tận nhà”.

Bác sĩ Ký phân tích, khi heo được cho ăn các chất trên thì sẽ siêu nạc, tiêu lượng mỡ, và nếu không bán nhanh thì heo sẽ chết. Do vậy, thường người ta chỉ cho dùng các chất trên khi heo gần đến ngày xuất chuồng. Nếu người tiêu dùng ăn thịt heo có tồn dư hai chất nói trên thì lâu dần sẽ có nguy cơ bị ảnh hưởng xấu lên tim mạch, làm cho tim đập nhanh, tăng huyết áp, run cơ, rối loạn tiêu hóa… và có thể là nguy cơ cho những căn bệnh khác.

Với thuốc salbutamol (dùng ở người), các chuyên gia khuyến cáo phải thận trọng khi dùng cho người đang có bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh tiểu đường và phụ nữ đang mang thai. “Gần 10 năm trước, người ta đã cảnh báo về việc tồn dư hai chất clenbuterol và salbutamol trong thịt của gia súc, gia cầm sẽ ảnh hưởng xấu cho người dùng. Do vậy, Mỹ, các nước châu u và VN cũng đã cấm dùng các chất thuộc nhóm beta agonist trong thức ăn chăn nuôi”, bác sĩ Ký nói.

Về nhận diện heo bị cho dùng chất “siêu nạc”, bác sĩ Ký phân tích, nếu để nguyên cả thịt lẫn da thì có thể nghi ngờ khi thấy miếng thịt có nạc thật nhiều lên đến tận da, lớp mỡ dưới da rất mỏng như tờ giấy (hoặc không thấy mỡ). Còn nếu lóc nạc riêng ra khỏi da thì khó nhận biết heo siêu nạc.

 Sử dụng lén lút như ma túy?

Đó là lời khẳng định của ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, đồng thời cũng là Giám đốc Công ty chăn nuôi Công Trí ở Đồng Nai, khi trao đổi với PV Thanh Niên.

Ông Công thừa nhận người nuôi heo có dùng hóa chất để tạo nạc như bài báo thông tin, nhưng chỉ là số nhỏ. Việc xử lý rất khó khăn vì người bán sử dụng lén lút như ma túy. Mặc dù khẳng định: “Hiệp hội biết rõ người bán, chính thương lái giao loại thuốc đó cho người nuôi heo sử dụng để họ bán lại heo cho mình...”, nhưng ông Công cho rằng mức xử phạt đối với hành vi làm ăn gian dối này quá thấp nên chưa đủ sức răn đe. 

H.N

Hoài Nam - Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.