Náo nức nghe nói chuyện... tình dục

01/03/2012 10:49 GMT+7

“Phải sử dụng... bao cao su như thế nào cho đúng cách?”, sự bối rối của một bạn nam khiến mọi người cười ồ. Không khí buổi tập huấn, tư vấn về “Sức khỏe sinh sản dành cho thanh niên công nhân” chiều 25-2 cho 250 công nhân Xí nghiệp may Tân Phú (TP.HCM) càng lúc càng trở nên sôi nổi.

“Phải sử dụng... bao cao su như thế nào cho đúng cách?”, sự bối rối của một bạn nam khiến mọi người cười ồ. Không khí buổi tập huấn, tư vấn về “Sức khỏe sinh sản dành cho thanh niên công nhân” chiều 25-2 cho 250 công nhân Xí nghiệp may Tân Phú (TP.HCM) càng lúc càng trở nên sôi nổi.

 
Các bạn công nhân trao đổi kiến thức hiểu biết về sức khỏe sinh sản với bà Phạm Thị Ngoan (trái) - Ảnh: Bình Thanh

Đây là chương trình do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM (thuộc Thành đoàn TP.HCM) tổ chức. 

“Chuyện ấy” là của... chị em! 

Khi đưa ra câu hỏi “Theo các bạn, sức khỏe sinh sản là chuyện của ai?” - bà Phạm Thị Ngoan (điều phối viên khu vực phía Nam Tổ chức kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc sức khỏe sinh sản Marie Stopes International VN) chăm chú lắng nghe câu trả lời... 

 
Hiểu biết còn hạn hẹp về kiến thức tình dục sinh sản là trở ngại khiến các bạn công nhân dễ viêm nhiễm cơ quan sinh dục, phải nạo phá thai ngoài ý muốn hoặc vợ chồng khó hòa hợp trong chuyện chăn gối
Phạm Thị Ngoan

“Học hết lớp 6 tôi đi làm thuê rồi làm công nhân nên những hiểu biết về tình dục khá mù mờ. Tuy đã lập gia đình gần bốn năm, tôi cũng ít chú ý tới những kiến thức để tăng cường sức khỏe sinh sản cho hai vợ chồng hay cách phòng ngừa, điều trị bệnh viêm nhiễm qua đường sinh dục vì nghĩ đó không phải chuyện của mình” - Đinh Văn Tây (26 tuổi, công nhân ủi quần, quê Đồng Tháp) thừa nhận. Không riêng Tây, nhiều bạn nam khác cũng cho biết ít để ý đến vấn đề này. Bà Ngoan cho biết không quá bất ngờ khi nhận được các câu trả lời hầu hết là “chuyện của phụ nữ”. Theo bà Ngoan, vì suy nghĩ đó nên nam giới thường thờ ơ và ít quan tâm tới sức khỏe của chính bản thân họ, của bạn đời hay người yêu. 

Lần đầu tiên được tận mắt thấy hình mô phỏng các cơ quan sinh dục nam nữ và cơ chế sinh sản thông qua các hình ảnh sinh động mà bà Ngoan lồng ghép trên máy chiếu khi “giảng bài”, Nguyễn Xuân Toàn (19 tuổi, công nhân may, quê Quảng Ngãi) tỏ ra... kinh ngạc. Chưa học hết THCS, cũng ít có điều kiện tìm hiểu về những vấn đề khá nhạy cảm này qua sách vở, Internet nên chàng trai trẻ chăm chú lắng nghe những giải đáp của chuyên viên trước các thắc mắc của bạn bè xung quanh. “Buổi nói chuyện rất hay, mình hiểu thêm nhiều điều và biết sẽ làm gì, khi nào cho... chuyện ấy” - Toàn thổ lộ. 

Không chỉ nam giới ít quan tâm và hiểu biết tới sức khỏe sinh sản tình dục, nhiều nữ công nhân cũng tỏ ra bối rối. 39 tuổi, đã có hai con nhưng chị Võ Thị Kim Loan (công nhân kiểm hàng, quê Cần Thơ) lúng túng khi được hỏi về cách quan hệ tình dục an toàn, hay cách tránh thai để kế hoạch hóa gia đình. “Chưa ai tư vấn tôi về những chuyện riêng tư này. Tôi cũng ngần ngại khi nói chuyện về vấn đề tâm sinh lý với chồng con” - chị nói. Và sau lời tâm sự của một nữ công nhân phải phá thai khi tuổi mới đôi mươi khiến chị Loan quyết định sẽ tìm hiểu thật kỹ các thông tin về quan hệ tình dục tuổi vị thành niên để tâm tình với hai đứa con - một trai một gái - đang tuổi dậy thì của mình. 

Đưa “chuyện khó nói” đến nhiều công nhân 

Lượng công nhân cần tư vấn rất lớn 

Ông Hồ Xuân Lâm, trưởng phòng quản lý lao động Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất TP.HCM, cho biết: “Tính đến tháng 12-2011 toàn TP.HCM có 14 khu công nghiệp - khu chế xuất đang hoạt động với 270.000 lao động, trong đó số lượng công nhân nữ chiếm 65%”. Đó là chưa kể một lượng lớn công nhân khác đang làm việc ở ngoài khu vực này. Hầu hết họ có đặc điểm chung là hiểu biết về sức khỏe sinh sản và tình dục còn hạn chế, dù đang ở độ tuổi sung mãn. 

 
Bà Nguyễn Kim Hên, chủ tịch công đoàn cơ sở Công ty TNHH dệt may Gia Định (công ty “mẹ” của Xí nghiệp may Tân Phú), nhìn nhận: “Chương trình của Thành đoàn đã tạo sự cởi mở cho công nhân khi được trò chuyện trực tiếp với chuyên viên những vấn đề tế nhị mà xưa nay họ ít có điều kiện bộc bạch. 

Cách tiếp cận này đạt hiệu quả hơn so với cách tuyên truyền qua loa phát thanh mà công ty từng áp dụng”. Nhiều câu chuyện được giãi bày, nhiều thắc mắc được giải đáp, nhưng có lẽ đó chỉ là những chia sẻ còn ít ỏi so với nhu cầu thực tế của thanh niên công nhân, đặc biệt là với giới nữ vốn nhiều tâm tư và dễ mắc bệnh phụ khoa. 

“Tất bật với công việc rồi làm thêm, tăng ca nên công nhân ít có điều kiện tham gia các hoạt động cộng đồng, giải trí. Bên cạnh đó, với trình độ thấp và sự hạn chế khi cần tiếp nhận các kênh thông tin về giới tính, tình dục hay sức khỏe sinh sản nên thanh niên công nhân trên địa bàn thành phố nói chung còn thiếu hụt kiến thức và hiểu biết về vấn đề này” - ông Huỳnh Ngô Tịnh, giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM, trăn trở. Từ thực tế đó, trung tâm phối hợp với Tổ chức Marie Stopes International Việt Nam tổ chức các chương trình truyền thông, tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho công nhân, góp phần giảm tỉ lệ mang thai và sinh con ngoài ý muốn, bảo vệ sức khỏe cho các bà mẹ trẻ. 

Theo ông Huỳnh Ngô Tịnh, dự kiến trong năm 2012 trung tâm tổ chức bốn chương trình truyền thông về sức khỏe sinh sản quy mô lớn dành cho thanh niên công nhân tại các khu chế xuất - khu công nghiệp với số lượng 1.500-2.000 công nhân/chương trình và sáu buổi tư vấn, chăm sóc sức khỏe sinh sản trực tiếp cho thanh niên công nhân đang sinh sống tại các khu lưu trú văn hóa. 

Chương trình sẽ diễn ra với nhiều hoạt động như: phát tài liệu tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình dưới dạng sổ tay cho công nhân tham khảo; chiếu phim tư liệu và tổ chức các trò chơi với nội dung tuyên truyền về sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, các bạn công nhân tham gia chương trình sẽ được giao lưu, tư vấn bởi các bác sĩ, chuyên viên tâm lý và sản phụ khoa có kinh nghiệm.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.