Anh kỹ sư trẻ ở Bạc Liêu ngày đêm cần mẫn nghiên cứu, “đỡ đẻ” nhân tạo thành công cua biển giống, mở ra triển vọng cho người nuôi thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Từ khó khăn của người dân
Những năm qua, dịch bệnh hoành hành, hàng ngàn hộ nuôi tôm ở ĐBSCL rơi vào cảnh nợ nần. Trước tình cảnh này, nhiều người nuôi tôm ở các tỉnh ven biển, trong đó có Bạc Liêu, chuyển sang săn lùng, tìm một loài thủy sản mới có giá trị kinh tế cao.
Trong lúc khó khăn, kỹ sư trẻ Long Văn Nghĩa, thường gọi là “Nghĩa... cua” (35 tuổi, Trưởng trạm Khuyến nông - khuyến ngư TP.Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) đã âm thầm tìm tòi, nghiên cứu và lần đầu tiên cho sinh sản nhân tạo thành công cua biển giống.
Theo anh Nghĩa, cua biển là loài thủy sản có giá trị kinh tế rất cao, lại rất dễ nuôi, được nhiều nước tiêu thụ mạnh. Tuy nhiên, người dân ở các tỉnh ven biển Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng... chỉ thả nuôi quảng canh hoặc nuôi cua kết hợp tôm với mật độ khá thưa, vì nguồn cua giống khan hiếm. Người dân mua cua giống chủ yếu được khai thác từ thiên nhiên như bãi bồi ven biển, các cửa sông, cửa biển nên rất ít ỏi. Có một thời gian, người dân phải mua cua giống nhập từ Trung Quốc. Loại cua tuy đẹp nhưng bị chết lần hồi, đến khi thu hoạch thì không còn con nào.
|
Thấy nhu cầu nguồn cua giống rất lớn, năm 2005, Nghĩa tự tìm tòi nghiên cứu từ tập tính sinh sản tự nhiên của loài cua biển để áp dụng quy trình cho sinh sản nhân tạo. Nghĩa xây bể cho cua sinh sản, rồi tự chọn cua mẹ - loại cua cái mang đầy gạch được nuôi ở địa phương - mỗi con từ 500 - 600g, để vào bể thuần dưỡng. Trải qua nhiều tháng nghiên cứu, Nghĩa gặp không ít khó khăn, có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc, phải mang cảnh nợ nần. Nghĩa nói: “Công sức, tiền của bỏ ra khá lớn, có hôm phải thức sáng đêm để theo dõi cua mẹ ôm trứng “chuyển dạ”, ngày qua ngày, rất nhiều lần thử nghiệm và có rất nhiều con cua mẹ cũng không… “đẻ” ra con cua giống nào”.
Dù nhiều lần thất bại, Nghĩa vẫn không chùn bước. Cuối cùng sự cần mẫn, nhiệt quyết của Nghĩa cũng được đền bù xứng đáng. Đợt cua sinh sản nhân tạo đầu tiên với số lượng trên 1 triệu con, nhưng tỷ lệ sống chỉ đạt 2%. Qua đúc kết kinh nghiệm, từ năm 2010 đến nay, tỷ lệ sống đạt từ 20 - 35%.
Phát triển nuôi cua thương phẩm
Nắm bắt nhu cầu ngày một gia tăng của các hộ nuôi, Nghĩa tập trung đầu tư khu sản xuất cua giống với quy mô khá lớn, lên đến 150 bể. Theo kế hoạch, năm 2012, sẽ cung cấp ra thị trường khoảng 100 triệu con cua giống. Nghĩa cho biết ngoài việc trực tiếp phát triển sản xuất cua giống, anh còn hướng dẫn, chuyển giao quy trình kỹ thuật sinh sản cua biển giống cho hàng chục đoàn viên, thanh niên ở địa phương. Trong đó, có một số đoàn viên đã cho cua sinh sản thành công; mở đại lý cung cấp giống cho bà con, góp phần tăng thu nhập, làm giàu cho gia đình.
Anh Huỳnh Quốc Khởi - Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông khuyến ngư tỉnh Bạc Liêu - nhận định: “Cua giống do Nghĩa cho sinh sản nhân tạo rất thích nghi với môi trường, thổ nhưỡng ở các tỉnh ven biển. Đặc biệt, cua nuôi đạt tỷ lệ sống cao, ít hao hụt, tăng trọng nhanh. Hiện nguồn cua giống do Nghĩa sản xuất không chỉ tiêu thụ ở Bạc Liêu mà còn ở khắp các tỉnh ven biển ĐBSCL và một số tỉnh miền Trung. Cua biển thương phẩm trên thị trường hiện có giá bình quân từ 100.000 - 300.000 đồng/kg”. Nhận xét về chàng kỹ sư trẻ, anh Khởi cho biết: “Nghĩa là một thanh niên giàu nghị lực, thích tìm tòi, nghiên cứu, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Đặc biệt, Nghĩa nắm rõ nhu cầu sản xuất của người dân, qua đó nghiên cứu cho sinh sản thành công cua biển giống, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi mới và làm giàu cho người dân”.
Năm 2011, một lần nữa Nghĩa “gây sốc” cho ngành thủy sản địa phương khi lần đầu tiên cho sinh sản nhân tạo thành công nghêu giống. Mỗi năm, các tỉnh ven biển ĐBSCL cần hàng tỉ con nghêu giống thả nuôi, trong khi nguồn giống khai thác tự nhiên ngày càng ít. Do không đủ cung ứng nên đẩy giá nghêu giống tăng cao ngất ngưởng (trên dưới 10 triệu đồng/kg).
Vì những đóng góp thiết thực cho ngành thủy sản, Nghĩa đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tặng thưởng nhiều bằng khen, được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của.
Trần Thanh Phong
Bình luận (0)