Dạy học bằng... “game”

03/03/2012 03:26 GMT+7

“Game” không chỉ để chơi mà còn ứng dụng vào việc giảng dạy và mang lại những tác dụng tích cực ngoài mong đợi.

“Game” không chỉ để chơi mà còn ứng dụng vào việc giảng dạy và mang lại những tác dụng tích cực ngoài mong đợi. 

Tính tương tác cao

Kiến trúc sư Nguyễn Phước Thiện - giảng viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, chia sẻ: “Cách đây 5 năm, tôi bắt đầu manh nha ý tưởng sẽ đưa “game” vào trong giáo dục. Ban đầu, tôi đã sử dụng công nghệ Real-time Rendering (công nghệ để làm game) vào việc quy hoạch một khu phố với đường sá, nhà ở, công viên... Người xem có thể điều khiển bàn phím để đi vào mọi ngóc ngách, địa điểm trong khu phố đó hoặc đi lại trong căn nhà mình (trên bản thiết kế) để tìm hiểu, tham quan, từ đó có thể thay đổi thiết kế theo ý muốn. Trước đây, bạn chỉ có thể xem trên bản vẽ 3D hoặc xem trên phim mà không thể tương tác với nó”.

 
Kiến trúc sư Nguyễn Phước Thiện (ngồi) cùng nhóm GigabIdea trong quá trình phục chế Võ Thánh bằng công nghệ Real-time Rendering - Ảnh: CTV 

Trường ĐH Bách khoa Marche (Ý) đang phối hợp với ĐH Khoa học Huế để thực hiện dự án thiết kế phục dựng Văn Thánh, Võ Thánh (thuộc quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới). Kiến trúc sư Thiện và nhóm GigabIdea (gồm một số sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) là người trực tiếp làm bản vẽ bằng công nghệ Real-Time Rendering. Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu Võ Thánh qua những tư liệu lịch sử và tham khảo ý kiến của các nhà sử học, ông đã dựng lên một Võ Thánh với từng mái ngói, cột, kèo, hoa văn chạm trổ, đường lát gạch, cây cối... vô cùng sinh động. Người xem có thể rê chuột để ngắm từng chi tiết, dạo chơi từ trong ra ngoài hay dừng bước ở khuôn viên... (Tham khảo tại https://www.youtube.com/watch?v=7XqabIB_psU).

Ông Thiện cho biết có thể tận dụng những hình ảnh của công trình trên để biến thành một “game” lịch sử cho học trò, hoặc làm tài liệu tham khảo trong thư viện để bạn trẻ tham khảo, khám phá công trình kiến trúc tuyệt đẹp và chân thực của Võ Thánh.

Tạo thích thú cho học sinh

Nguyễn Phước Long (vừa tốt nghiệp cao học ngành khoa học máy tính trường ĐH Cambridge, Anh) là con trai và cũng là cộng sự đắc lực của kiến trúc sư Thiện, cho hay: “Trước khi về Việt Nam, mình đã xin đi dạy 3 tuần tại một trường phổ thông ở Anh để tìm hiểu về cách dạy và học của nước bạn. Học sinh của họ được tiếp xúc với phim ảnh trong mỗi bài giảng rất nhiều, tính tương tác giữa thầy trò rất cao và đó là điều khiến học sinh cảm thấy hứng thú, tiếp thu bài giảng hiệu quả”. Long nhận định, nếu các bài giảng về lịch sử, văn chương, địa lý, sinh học của học sinh phổ thông và du lịch, thiết kế... của sinh viên ĐH hay những bài giảng về luật giao thông sử dụng công nghệ này thì người học sẽ vô cùng hứng thú. Học sinh được tham gia trực tiếp vào câu chuyện, trở thành nhân vật của bài giảng với những trải nghiệm thú vị, chẳng hạn hóa thân vào nhân vật trong một trận đánh, làm hướng dẫn viên cho một khu di tích, dùng chuột để ghép một bộ xương theo đúng cấu trúc... sẽ tốt hơn nhiều so với việc chỉ nghe và nhìn hình ảnh một chiều.

Kiến trúc sư Thiện nói thêm: “Điều này hoàn toàn mới mẻ nhưng sẽ vô cùng hữu ích trong tương lai, nếu như chúng ta muốn thay đổi phương pháp giảng dạy sao cho hiệu quả hơn”. Đồng thời, ông khẳng định đầu tư chi phí cho những bài giảng theo dạng “game” này không hề cao.

Mỹ Quyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.