Gặp lại đồng nghiệp Yersin hay những người thân, hiểu biết sâu sắc về ông như bác sĩ Kiều Xuân Cư, ông Đặng Anh Trai, nhà thơ Giang Nam..., bạn sẽ được nghe rất nhiều kỷ niệm đẹp trong chuyện chữa bệnh cứu người của vị bác sĩ này, trong đó có cả căn bệnh dịch hạch đã rải rác xuất hiện ở VN thời kỳ ấy.
"Không chỉ người Việt mà cả nhân loại phải xem Yersin là ân nhân. Trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn mà ông đã tìm ra được con vi trùng chết người này. Nếu không có ông, chưa biết nó sẽ còn hủy diệt con người đến mức nào!" - bác sĩ Kiều Xuân Cư tâm sự.
Sự thật của "tử thần đen"
... Ngược thời gian trở lại mùa hè năm 1894, ở "thành phố chết" Hong Kong đang bị dịch hạch hoành hành. Yersin sau khi bí mật cho tiền các thủy thủ tàu bệnh viện để được tiếp cận thi hài bệnh nhân, đã nhanh chóng khám phá một bí mật.
|
Chính ông ghi lại rằng: "Các xác ấy đã đặt trong hòm và được phủ vôi lên. Người ta mở nắp một chiếc hòm, tôi phủi đi lớp vôi để lộ một phần thịt đùi ra. Cái hạch nom thật rõ, tôi cắt lấy nó trong một tích tắc và trở về phòng thí nghiệm của mình. Tôi chuẩn bị nhanh chóng một mẫu quan sát và đặt dưới kính hiển vi. Vừa nhìn qua, tôi đã nhận ra một đám vi trùng lúc nhúc và tất cả đều giống nhau. Đó là những thể hình que ngắn, có hai đầu tròn... Tôi trích lấy một ít hạch đặt vào một ống nghiệm để gửi qua Paris, rồi quay trở lại nơi chất xác chết để cố gắng thu được những mẫu mới. Tôi lại cắt thêm hai cái hạch và vẫn đạt kết quả như cũ. Có rất nhiều hi vọng con vi trùng của tôi là vi trùng bệnh dịch hạch, song tôi vẫn chưa được quyền khẳng định".
Sau khi tìm ra vi trùng trong các hạch bệnh nhân dịch hạch, Yersin đã tiêm thử mầm bệnh này vào các con vật thí nghiệm và tất cả chúng đều chết vì bệnh dịch hạch. Ngày 22-6-1894, Yersin chính thức đưa cho bác sĩ người Anh Lawson - giám đốc Bệnh viện Kennedy Town - xem những con vi trùng này.
Cũng bắt đầu từ thời điểm này, các bác sĩ người Nhật chuyển hướng sang tìm mầm bệnh dịch hạch trong các hạch bệnh nhân. Không tranh luận về chuyện này, Yersin chỉ âm thầm ghi chép lại: "Bác sĩ Lawson tỏ ra là người liên minh quá thiên vị với những người Nhật..., lẽ ra ông ta phải kín đáo hơn. Chính ông ấy, sau khi được xem qua các mẫu chuẩn bị của tôi, đã khuyên các bác sĩ Nhật nên tìm con vi trùng trong hạch".
Thế là sau đó đã nổ ra cuộc tranh luận ai là người đầu tiên tìm ra vi trùng dịch hạch. Những quan điểm không về phía Yersin cho rằng của bác sĩ Nhật Kitasato, thậm chí trung dung hơn là của Kitasato-Yersin và tất nhiên công trạng của Yersin đứng hàng sau bác sĩ Nhật. Yersin vẫn lặng lẽ làm việc, tập trung nghiên cứu hướng điều trị căn bệnh nguy hiểm, không màng đến cuộc tranh cãi này. Nhưng bạn bè
và thầy như Calmettte, Roux, Pasteur đã chứng minh phát hiện y học tầm thời đại của Yersin. Đặc biệt, những lá thư ông viết cho bạn bè, cho mẹ và những công trình đăng trên tạp chí Viện Pasteur mô tả về con vi trùng dịch hạch đã chứng minh chính Yersin là người đầu tiên phát hiện con vi trùng tử thần.
Trong thư đề ngày 15-9-1894 gửi cho Calmette, Yersin đã ghi: "Tôi biết giờ đây tại Viện Pasteur đã có các mẫu nuôi cấy thực thụ vi trùng của bệnh dịch hạch...". Đó chính là các mẫu có nguồn gốc từ chính mẫu mà Yersin sớm trực tiếp gửi về từ Hong Kong.
Trong tạp chí Viện Pasteur số tháng 9-1894, Yersin cũng mô tả tỉ mỉ những gì mình phát hiện: "...Trong tất cả trường hợp, bên trong các hạch xoài đều lúc nhúc loại vi trùng ngắn, có hai đầu tròn...".
Sau một thời gian dài tranh cãi, các ủy ban danh pháp và các nhà khoa học độc lập đã khẳng định Yersin chính là người đầu tiên tìm ra con vi trùng này, và vấn đề coi như chính thức khi vi trùng được đặt tên là Yersinia.
|
Cứu sống bệnh nhân đầu tiên
Tuy nhiên, có lẽ chính Yersin lại không quan tâm và cũng không hề biết ngã ngũ của cuộc tranh cãi, vì sau đó ông vẫn âm thầm ở Hong Kong để nghiên cứu khía cạnh dịch tễ học của dịch hạch. Sự thật mãi đến thời điểm đó vẫn chưa có nghi ngờ nào về vai trò lây truyền bệnh dịch hạch của chuột. Còn Yersin ngay khi vừa đặt chân đến "thành phố chết" Hong Kong đã chú ý ngay hình ảnh tất cả khu phố phát dịch đều có xác chuột chết la liệt.
Bắt tay ngay vào việc mổ xác chuột, ông nhanh chóng tìm thấy các vi trùng dịch hạch lúc nhúc trong chúng. Sau khi tiên phong phát hiện vi trùng dịch hạch, Yersin lại tìm ra vấn đề dịch tễ quan trọng của nó, để rồi sau đó ông cùng đồng nghiệp ở Viện Pasteur lại khai phá hướng điều trị bằng huyết thanh cho căn bệnh nguy hiểm.
Hôm dẫn tôi đi thăm lại trang trại của Yersin ở Suối Dầu, Nha Trang, bác sĩ Kiều Xuân Cư đã chỉ dấu vết cánh đồng cỏ mà ngày xưa Yersin nuôi bò, ngựa để sản xuất huyết thanh điều trị bệnh dịch hạch.
Rất nhiều người Việt như ông Đặng Anh Trai từng cộng tác với Yersin trong việc sản xuất loại "thần dược" của bệnh dịch hạch vào thời điểm đó. Còn Yersin sau khi lặng lẽ thành công ở Hong Kong đã qua Giang Nam, rồi trở lại VN và tiếp tục sang Ấn Độ... để nghiên cứu và điều trị căn bệnh chết người.
Trong ghi chép của mình, Yersin đã kể lại tỉ mỉ bệnh nhân dịch hạch đầu tiên mà ông đã điều trị thành công bằng huyết thanh: "Tisé, một thanh niên người Hoa độ 18 tuổi, học tại chủng viện và đảm trách vai trò y tá thấy khó ở từ vài ngày trước đó (mệt mỏi và nhức đầu)... Cậu ta mệt lả, sốt cao và lưỡi đóng bợn. Chỗ bẹn phải nổi lên một cục u, đụng vào rất đau. Chúng tôi đang có một trường hợp bệnh dịch hạch rất rõ ràng... Tôi thực hiện mũi tiêm 10cc chất huyết thanh. Vào lúc đó, người bệnh ói mửa, nói mê sảng và có những dấu hiệu đáng ngại, chứng tỏ bệnh tiến triển rất nhanh. Vào 6 giờ và 9 giờ tối, mỗi lần lại tiêm thêm một mũi 10CC. Từ 9 giờ đến 12 giờ đêm, tình trạng bệnh nhân vẫn không có gì thay đổi... Từ nửa đêm trở đi, bệnh nhân trở êm hơn, và 6 giờ sáng khi cha giám đốc đến thăm, bệnh nhân thức giấc và tuyên bố cảm thấy khỏi bệnh... Tôi đã lo âu biết bao trong cái đêm thức canh người bệnh dịch hạch đầu tiên của mình. Song đến sáng, trước sự thành công, tôi đã quên hết, kể cả sự mệt mỏi".
Sự thật Yersin lo lắng là đúng, bởi bệnh nhân này ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc rất thành kiến với người nước ngoài. Yersin đã phải bí mật cứu người để rồi sau đó ông được nhiều nơi cầu cứu với "thần dược" của mình...
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)