Cảnh giác với đấu giá quyền khai thác khoáng sản

03/03/2012 08:04 GMT+7

(TNO) Hôm 2.3, tại hội nghị về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường do Ủy ban Khoa học công nghệ - Môi trường của Quốc hội tổ chức, các nhà quản lý, nhà khoa học đã nêu lên một loạt các bất cập trong lĩnh vực khai khoáng, ở tất cả các khâu, từ quy hoạch, cấp phép, khai thác đến chế biến và sử dụng.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Ban quản lý các dự án than đồng bằng sông Hồng, phần lớn các quy hoạch khoáng sản thời gian qua soạn thảo và thẩm tra theo “ý chí” của lãnh đạo nên chất lượng rất thấp, thường vỡ ngay trong tên gọi và có khi còn trên giấy.

“Thông qua hai công cụ “cấp phép” và “phân quyền” cho các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản đã đóng vai trò rất quyết định trong việc chuyển đổi khối lượng lớn tài nguyên khoáng sản từ sở hữu toàn dân sang thành nguồn thu của những nhóm lợi ích là doanh nghiệp. Việc cấp phép tràn lan cũng diễn ra ở nhiều nơi. Theo thống kê của tôi, ở cấp bộ, trung bình cứ 55 giờ thì có 1 giấy phép khai thác được cấp, ở địa phương, con số này là 90 giờ. Thực hiện theo luật Khoáng sản trước đây, chỉ riêng khâu cấp phép khoáng sản đã làm cho toàn bộ tiềm năng khoáng sản của nước ta bị lật tung lên như “âm binh” được thả”, ông Sơn nói.

Theo đại diện Bộ Công thương, khai thác chế biến khoáng sản quy mô nhỏ, tận thu đang diễn ra khá phổ biến ở một số địa phương, nạn khai thác trái phép diễn ra ở nhiều nơi nhưng không ngăn chặn có hiệu quả, triệt để. Tiến độ đầu tư các dự án chế biến sâu rất chậm, không đạt tiến độ đề ra. Xuất lậu và gian lận thương mại trong xuất khẩu khoáng sản gia tăng và diễn biến phức tạp, chủ yếu xảy ra trên địa bàn các tỉnh có biên giới đường bộ và đường biển.

Ông Sơn nêu ra 10 đề xuất để khắc phục những yếu điểm nêu trên như: phải coi tiết kiệm tài nguyên khoáng sản là quốc sách, sớm từ bỏ mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên khoáng sản, sớm cấm xuất khẩu khoáng sản dưới mọi hình thức, chỉ khai thác khi có nhu cầu tiêu dùng trong nước, nâng cao chất lượng quy hoạch, có cơ chế bắt buộc minh bạch về tài nguyên khoáng sản… Trong đó, đặc biệt lưu ý, cảnh giác với việc “đấu giá” quyền khái thác mỏ.

“Theo luật Khoáng sản mới ban hành, cái bẫy “đấu giá” còn lớn và nguy hiểm hơn rất nhiều lần cơ chế xin cho và phân quyền như đã phân tích ở trên. “Đấu giá” là sân nhà rất quen thuộc của “lợi ích nhóm”. Nếu những quy định hướng dẫn không rõ ràng, thì cũng giống như việc cấp phép theo kiểu xin cho như trước đây, việc “đấu giá” sẽ tiếp tục làm cho nhà nước “trắng tay” về tài nguyên và khoáng sản. “Cấp phép” là con dao hai lưỡi nhưng “đấu giá” lại là con dao không có chuôi”, ông Sơn lưu ý.

Quang Duẩn

>> Trộm cát vùng giáp ranh lộng hành
>> Bắt 2 ghe khai thác cát lậu trên sông Hậu
>> Mất cân đối nghiêm trọng cung - cầu than
>> Nỗi khổ titan
>> Phát hiện 3 doanh nghiệp khai thác titan lậu
>> Khai thác cát trái phép
>> Đường vận chuyển bauxite ngưng trệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.