Cùng với ông Trần Viết Điền, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân 20 năm qua đã theo đuổi một hướng khác. Đó là đi tìm cung điện Đan Dương - nơi được cho là lăng mộ vua Quang Trung.
>> Kỳ 1: Ẩn trong chùa chiền
>> Kỳ 2: Giả vương của vua Quang Trung
>> Kỳ 3: Bí ẩn lăng Ba Vành
Công trình của ông đã được in thành sách và tái bản lần thứ hai. Lần thứ nhất, cuốn Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung do Viện Sử học xuất bản vào năm 1992. Đúng 15 năm sau, ông Xuân tập hợp thêm tư liệu bổ sung và tái bản cuốn sách Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương - sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung (NXB Thuận Hóa, năm 2007).
Mấu chốt công trình của ông Nguyễn Đắc Xuân đã dựa vào câu “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta” trong tập Hoàng Hoa đồ phả, câu nguyên chú trong tác phẩm Cảm hoài của Ngô Thì Nhậm, một trọng thần của vua Quang Trung, trong tập thơ đi sứ sang Trung Quốc (năm 1793).
Theo ông Xuân, ngày 29.7 (nhuận) năm Nhâm Tý (1792), vua Quang Trung mất. Ngô Thì Nhậm được cử sang Trung Quốc báo tang và cầu phong cho vua Cảnh Thịnh (Quang Toản). Vì uy tín của vua Quang Trung rất lớn, nhà nước Trung Hoa lúc ấy đã có những nghi lễ đón tiếp trọng thị. Điều đó làm cho Ngô Thì Nhậm càng cảm niệm công ơn to lớn của vua Quang Trung, ông đã viết bài Cảm hoài và ghi một lời chú ở dưới bài thơ. Câu 8 bài thơ “Đan Dương cung điện nhật tam thu (Trông về điện Đan Dương một ngày coi bằng ba thu), tác giả chú: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y tiên hoàng ta”, như đã dẫn ở trên. Đây là một nguyên chú dưới bài thơ chứ không phải là một câu thơ trong một bài thơ - là một tư liệu lịch sử vô giá.
|
Bài thơ và lời chú cho biết vua Quang Trung có một cung điện tên là Đan Dương. Cung điện này ở vùng núi, sau đó được sử dụng làm lăng cho vua Quang Trung, nên gọi là Sơn lăng.
Ngoài ra, ông Xuân còn dẫn nhiều tư liệu của Ngô Thì Nhậm có nhắc đến Đan Lăng, bài thơ Đạo ý có viết "Vọng Đan Dương”; bài Khâm vãn Đan Dương lăng (Kính viếng lăng Đan Dương); bài Sóc vọng thị tấu nhạc, Thái Tổ miếu, cung ký (Ngày lễ rằm, mùng một tấu nhạc miếu Thái Tổ, kính ghi) có câu "Đan Lăng thức mục tử vân thâm” (Chốn Đan Lăng ngước mắt, áng tử vân âm u); bài Tòng giá bái tảo Đan Lăng, cung ký (Theo xa giá đi bái tảo Đan Lăng, kính ghi). Trong bài thơ này lại có câu: “Sơn Lăng vạn cổ điện Thần kinh” (Sơn Lăng muôn thuở là nơi yên nghỉ tinh thần). Người em rể của Ngô Thì Nhậm là Phan Huy Ích cũng đã nhiều lần đề cập đến Đan Lăng.
Theo ông Xuân, đây là một thông tin lịch sử quý giá không ai có thể phủ nhận được, chứng tỏ lăng Đan Dương của vua Quang Trung ở ngay trong cung điện Đan Dương, hay nói cách khác cung điện Đan Dương chính là nơi táng vua Quang Trung và từ đó trở thành lăng Đan Dương - lăng vua Quang Trung.
Cung điện Đan Dương ở đâu?
Ông Xuân đã đưa ra giả thiết, phủ Dương Xuân trên gò Dương Xuân là nơi trú tất của các chúa Nguyễn vào những tháng mùa đông. Nhà Tây Sơn đã chiếm phủ Dương Xuân để làm hành cung. Về sau chuyển làm cung điện rồi lăng Đan Dương. Khi Nguyễn Vương (Gia Long) đập phá và chôn sâu lăng Đan Dương xuống đất, phủ Dương Xuân cũng mất tích. Chùa Thiền Lâm là một bộ phận của Đan Dương nên bị chuyển địa chỉ trong sử sách, mài đục bia tháp để đánh lạc hướng người đi tìm dấu vết lăng mộ vua Quang Trung.
Từ giả thiết ấy, ông Xuân đã bỏ công đi điền dã tại khu vực bốn chùa Thiền Lâm - Vạn Phước - Diệu Đức và Kim Tiên ngày nay và phát hiện những viên đá tảng, đá tấm, đá khối, đá viên đủ cỡ... (đặc biệt dưới lòng đất nền chùa Thiền Lâm) từ đầu thế kỷ 20 đến nay. Đặc biệt là, 4 tấm đá được gia đình ông Nguyễn Hữu Oánh, đào được vào khoảng năm 1925, trong quá trình làm vườn. Trong đó, một tấm bán cho dân xứ Phủ Cam, một tấm cho người thân ở chợ Bến Ngự và tặng chùa Vạn Phước 2 tấm (hiện chùa Vạn Phước vẫn còn giữ một tấm làm bàn ở nhà bếp). Trong khu vực này, lại có nhiều giếng cổ mang tên “giếng loạn”, nhiều gốc hoa đại cổ thụ, chứng tỏ đã từng là một vùng cung điện có liên hệ đến Tây Sơn (loạn). Về phong thủy, vị trí trung tâm khu vực ấy có một dòng nước chảy từ trái sang phải, có đủ yếu tố “cát địa” tả Thanh long, hữu Bạch hổ, tiền án, hậu chẩm đầy đủ. Hiếm có nơi nào gần bờ sông Hương có vị trí tốt và đẹp đến như vậy. Và ông Xuân khẳng định đã tìm được dấu tích cung điện Đan Dương - Sơn lăng của vua Quang Trung - hậu thân của phủ Dương Xuân.
Năm 1988, ông Nguyễn Đắc Xuân cùng một số nhà nghiên cứu, nhà báo ở Huế đã tiến hành khai quật thăm dò ở vị trí góc vườn phía tây nhà bà Nguyễn Thị Liên, ở 63/13/12 Điện Biên Phủ, P.Trường An, TP.Huế (gần chùa Vạn Phước) và phát hiện một lớp thành dày chạy dọc theo hiên phía tây của ngôi nhà, với độ sâu 1,5m vẫn chưa đến chân và dài hơn 3m nhưng vẫn chưa đến hai đầu thành. Lúc này, do gia đình bà Liên không cho tiếp tục đào bới vì sợ sập nhà, nên công việc đã dừng lại. Nhóm thám sát của ông Xuân thu nhặt vôi vữa và nhận thấy đồng dạng với vôi vữa ở lăng Ba Vành và lăng Chiêu Nghi. Ông Xuân cho rằng di tích được chôn sâu đó có trước nhà Nguyễn và khớp với giai đoạn lịch sử xuất hiện lăng mộ vua Quang Trung.
Từ tư liệu kết hợp với thăm dò thám sát và những hiện vật phát hiện được, ông Xuân kết luận: tấm đá lớn còn giữ ở chùa Vạn Phước làm mặt bàn và bức thành bên ngoài đường hầm phía chái tây nhà bà Nguyễn Thị Liên là dấu hiệu của một cái huyệt mộ đã bị quật phá. Đây rất có thể là lăng mộ vua Quang Trung.
Cũng như ông Điền, công trình của ông Xuân sau khi công bố vẫn gây nhiều tranh cãi, mà gay gắt nhất vẫn là giữa hai khuynh hướng khác nhau của ông Điền và ông Xuân. Không ai chịu ai. Trong khi ông Điền trông chờ vào kết quả đo độ tuổi gạch, thì ông Xuân nhiều năm qua đã đề nghị chính quyền và ngành văn hóa cần có đợt khảo cổ học ở khu vực mà ông nghiên cứu. Thế nhưng, đề xuất ấy đến nay vẫn chưa được đồng thuận.
Bùi Ngọc Long
Bình luận (0)