Sau khi Báo Thanh Niên ngày 5.3 đăng bài Thợ mổ đóng dấu thú y, nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến về tòa soạn, trong đó đa số cho rằng phải siết chặt mạng lưới kiểm dịch.
Tin vào điều gì?
Với cách làm việc như thế, người dân làm sao tin tưởng được vào những kiểm dịch viên đang cầm trong tay con lăn kiểm dịch. Hóa ra, rất nhiều thịt heo ngoài chợ hay siêu thị, dù có dấu kiểm dịch nhưng là thịt heo bẩn, heo bệnh. Chúng tôi phải tin vào điều gì đây, khi những người đại diện cho nhà nước, ăn lương từ tiền thuế của dân mà lại làm việc vô cùng tắc trách như vậy?
Lâm Thị Hiếu (P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Ảnh hưởng người chăn nuôi heo
Các công ty kinh doanh gia súc gia cầm mà bài báo đề cập quả thật đã rất xem thường sức khỏe người tiêu dùng. Họ cấu kết với kiểm dịch để làm ăn dối trá khiến người dân không còn tin tưởng vào chất lượng thịt heo bán ra thị trường, làm ảnh hưởng đến người chăn nuôi heo. Tôi đề nghị cơ quan chức năng phải rà soát các lò giết mổ heo, kể cả các công ty có chức năng giết mổ gia súc, gia cầm, đồng thời phải xử lý đến nơi, đến chốn những kiểm dịch viên làm ăn tắc trách.
Dương Hùng (hungduong 58@yahoo.com)
Cảnh giác với thịt heo lề đường
Các sạp thịt heo ở những chợ tự phát lề đường, nhất là gần các khu công nhân ở chính là nơi tiêu thụ loại thịt heo thường được kiểm dịch qua loa. Tôi thấy, nếu công đoạn kiểm dịch được thực hiện như quý báo phản ảnh thì quả thật rất nguy hiểm. Chắc chắn các kiểm dịch viên này phải được “lót tay” mới dễ dãi như vậy. Chỉ tội cho người lao động, công nhân phải ăn thịt heo của các lò mổ trôi nổi đưa ra.
Nguyễn Huy (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
Bình luận (0)