Hội hô bài chòi nơi phố cổ Hội An bây giờ có vô số vị khách cao to, bệ vệ đủ các quốc tịch Anh, Pháp, Mỹ, Nga…
Vừa đưa lên tấm bảng quân bài, anh hiệu đọc to di – âu – en đánh vần cho chữ “Dọn” theo phiên âm tiếng Anh. Những tràng pháo tay tán thưởng cho màn diễn tấu độc đáo…
Bài chòi Anh – Việt
Chiều thường lệ phổ cổ Hội An, các chòi của hội bài chòi phút chốc chật như nêm, trong đó có vô số khách Tây. Anh Michael (29 tuổi, du khách Úc) hào hứng: “nghe mấy người bạn giới thiệu tới Hội An phải cố xem cho được bài chòi. Mình đến đây 4 đêm rồi, đây là đêm thứ hai tham gia bài chòi, càng chơi
càng thích”.
|
Từng thẻ bài của bộ cờ được phát cho du khách. Hội chòi cả phiên dịch Anh – Việt. Vừa bốc con bài Dọn, “anh chị hiệu” (người quản trò, đối đáp nhau - PV) hô: “Làm trai cho đáng lên trai/Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài tan/Còn ông thì mất lên hư thân/Sáng ông say, chiều ông xỉn, ông nợ nần tứ thân”. Anh hiệu không vừa, đáp lại: “Quần lĩnh phải mặc áo nhung. Người ta tứ đức tam tòng, còn bà mỏ nhọn, chửi chồng như bắp rang. Ới bạn mình ơi là cái con thất dọn/Con thất dọn ra rồi !”.
Vừa giơ tấm bảng quân bài, anh hiệu đọc to di – âu – en đánh vần cho chữ “Dọn”. Những tràng pháo tay tán thưởng, kèn trống rộn ràng. Mỗi lần các anh chị hiệu bốc thẻ, khán giả được dịp cười nắc nẻ vì những câu hô hát, đối đáp sôi nổi, vui tươi.
|
Nhiều lúc lời đối đáp pha chất thanh tục, dí dỏm. Các anh chị hiệu kiêm luôn phiên dịch, đánh vần từng chữ quân bài bằng tiếng Anh giúp khán giả ngoại quốc theo dõi.
Mỗi bộ bài chòi kéo dài vài chục phút đến hơn tiếng đồng hồ. Hết bộ bài này, lại đến bộ bài khác được phát cho dân, du khách tham gia. Nhiều du khách nước ngoài hứng thú tham gia đến cuối buổi.
“Ban đầu chỉ xem vì tò mò, nhưng chơi mới thấy thú vị. Hiểu được một chút tiếng Việt và văn hóa bản địa”- cô Nata (45 tuổi, quốc tịch Anh), nói.
Đưa bài chòi đi Tây
Bài chòi Hội An được nghiên cứu, dựng thành những tiết mục nghệ thuật hoàn chỉnh và liên tục được cử tuyển hoặc mời chọn tham dự các liên hoan nghệ thuật dân ca, dân vũ cấp khu vực cũng như toàn quốc. Ông Võ Phùng, Giám đốc Trung tâm VH-TT Hội An cho hay: mỗi năm hội bài chòi phố cổ tổ chức trên 170 buổi diễn xướng với hơn 50 buổi phục vụ người dân và du khách trong, ngoài nước.
Đặc biệt, hội bài chòi tham gia nhiều đợt lưu diễn khắp các nước châu Á, châu u. Mới đây, đoàn vừa kết thúc chuyến biểu diễn tại Ý. Bài chòi muốn xuất ngoại cần có sự nghiên cứu, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Như việc lồng tiếng Anh – Việt vào các hội bài chòi, vận động anh chị hiệu trau dồi vốn ngoại ngữ…
Tại Hội An, bài chòi đang được dạy ở gần 20 trường tiểu học, THCS. Mỗi tuần có khoảng 1 – 2 tiết ngoại khóa để tạo đội ngũ kế cận. Nhiều anh chị hiệu “nhí” tham gia biểu diễn bài chòi ngay trong trường hoặc tại các chương trình lưu diễn của ngành giáo dục, như bé Vĩnh Phúc (mẫu giáo Măng Non), “anh hiệu” Thanh Tú (lớp 5, THCS Nguyễn Duy Hiệu)…
Hiện bài chòi là 1 trong 12 di sản văn hóa phi vật thể vừa được Bộ VH-TT&DL xúc tiến lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể, giai đoạn 2012-2016.
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)