Chủ trương nâng cấp quốc lộ 1 (QL1) là cần thiết nhưng mức phí 750 đồng/km/xe tiêu chuẩn có thực sự hợp lý khi người dân đã và sẽ phải gánh thêm rất nhiều loại phí giao thông.
Việc đổ một khối lượng vốn rất lớn xây dựng song song cả cao tốc bắc - nam và QL1 cũng đang đặt ra bài toán làm thế nào để tránh lãng phí nguồn lực.
|
Thêm nhiều trạm thu phí
|
Theo phương án thu phí Quỹ bảo trì đường bộ, các trạm thu phí (TTP) nộp ngân sách nhà nước (NSNN) sẽ giải thể, các trạm đã bán quyền thu phí hoạt động lâu nhất đến năm 2015, các trạm BOT còn lại hoạt động bình thường. Hiện trên QL1 có tổng cộng 27 TTP, trong đó có 3 trạm nộp NSNN, 19 trạm BOT và 5 trạm bán quyền thu phí. Riêng đoạn từ Hà Nội đến TP.HCM có 22 trạm (1 trạm nộp NSNN, 3 trạm bán quyền thu phí và 18 trạm BOT). Nói cách khác, vì người dân đã đóng tiền duy tu, sửa chữa đường bộ qua quỹ bảo trì, nên nhà nước sẽ phải cắt bớt các TTP, chỉ để lại các trạm BOT để hoàn vốn cho nhà đầu tư (NĐT), số TTP sẽ giảm đáng kể so với hiện nay.
Để huy động vốn cho việc mở rộng QL1, Bộ GTVT đưa ra phương án tổ chức lại, tăng thêm hệ thống TTP. Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, toàn tuyến mở rộng QL1 sẽ có khoảng 24 TTP, trong đó 19 trạm BOT đang có và bổ sung thêm 5 trạm tại một số đoạn tuyến chưa có. Trả lời câu hỏi liệu việc lập thêm TTP có mâu thuẫn với Đề án quỹ bảo trì, ông Đông cho rằng những trạm bán quyền thu phí hết thời gian sau năm 2015 dù phải bỏ theo dự án (DA) Quỹ bảo trì, nhưng chuyển sang hình thức BOT vẫn là kênh thu hút vốn.
Về phương án đầu tư mở rộng QL1, theo Bộ GTVT, trường hợp Chính phủ cho phép thu cả các trạm trên các đoạn chưa mở rộng (14 trạm) thì nguồn huy động vốn qua phương án BOT cơ bản đáp ứng (40.000 tỉ đồng). Nhà nước sẽ tham gia dựa trên việc sử dụng nguồn thu phí phương tiện cá nhân (bình quân 15.000 tỉ/năm thời hạn 4 năm), nếu không sử dụng nguồn này sẽ phát hành công trái, trái phiếu chính phủ... Cùng với đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ thông qua đề xuất thu phí lưu hành phương tiện cá nhân và cho phép sử dụng nguồn thu phí này để thực hiện Phương án cao.
Như vậy, dù ở phương án đầu tư nào thì người dân cũng không có nhiều lựa chọn khi sẽ phải đóng các loại phí gồm: phí trong giá xăng, quỹ bảo trì đường bộ, phí qua các TTP QL1, đường cao tốc và rất có thể là phí lưu hành phương tiện.
Có thể phá sản vì phí
|
Bộ GTVT cũng đưa ra mức giá thu phí trên QL1 bằng tối thiểu 75% phí đường cao tốc, 3 năm điều chỉnh 1 lần với mức tăng 18%. Lý giải cho điều này, theo Bộ GTVT, nếu thu phí quá thấp, các phương tiện có xu hướng tiếp tục sử dụng tuyến QL1 trong khi các tuyến cao tốc song hành sẽ có rất ít phương tiện lưu thông.
Ông Lương Hoàng Trung - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM - nhận xét, mức phí cầu đường “đánh” lên các phương tiện tham gia giao thông sẽ vô cùng nặng nề. QL1A từ TP.HCM đến Hà Nội dài 1.719 km, với mức phí 750 đồng/km (tính cho xe tiêu chuẩn), ô tô con chạy từ bắc vào nam sẽ mất gần 2,6 triệu đồng phí cầu đường cho hai chiều (đi và về). Nặng nhất là với container 40 feet, mức phí sẽ lên đến 6.000 đồng/km, như vậy mỗi chuyến container chở hàng bắc - nam sẽ phải “gánh” đến 20,6 triệu đồng phí cầu đường cho hai chiều. Có thể thấy, phí cầu đường hiện nay đã được đánh giá là quá cao, vì mỗi chuyến container bắc - nam phải gánh ít nhất 3,5 triệu đồng cho hai chiều. Vậy mà, mức Bộ GTVT dự kiến thu sau khi hoàn thành mở rộng toàn tuyến QL1A gấp 6 lần mức phí hiện tại thì doanh nghiệp nào chịu nổi?
Anh Mai Văn Nam, tài xế lái container cho Công ty vận tải Nam - Trung - Bắc, cho rằng hiện nay đi từ bắc vào nam gần như chỉ có QL1A là đường độc đạo, thế nhưng người lưu thông phải “è cổ” chịu đến 18 TTP với mức phí ở ngưỡng đắt (80.000 đồng/lượt) hoặc rất đắt (160.000 đồng/lượt). Tình trạng TTP dày đặc khiến chi phí một chuyến vận tải hàng hóa đội lên rất cao, trong đó chi phí nhiên liệu đã lên đến 27 triệu đồng/lượt đi về (trong xăng dầu đã bao gồm phí giao thông 1.000 đồng/lít), 3,5 triệu đồng phí cầu đường và rất nhiều loại chi phí khác. Do đó, nếu tăng phí cầu đường thì sẽ có 2 kịch bản xấu xảy ra: Một là, DN vận tải phá sản, tài xế đình công, hàng hóa sẽ ách tắc tại các cảng, kho hàng. Hai là, DN buộc phải tăng giá vận tải lên rất cao, kéo theo hàng hóa tăng giá mạnh và cuối cùng người tiêu dùng phải gánh.
Theo PGS-TS Nguyễn Quang Toản, Đại học GTVT Hà Nội, mức phí thu trên QL1 bằng 75% phí đường cao tốc hiện nay phải cân nhắc lại, tùy thuộc vào sức chịu đựng của xã hội. Với mức phí này, NĐT cũng rất khó hoàn được cả vốn lẫn lãi, nên thu phí chỉ là một phần, phải đưa thêm ra các lợi ích khác cho NĐT như đổi đất lấy hạ tầng hay ưu đãi thuế, lãi suất… Từ đó có thể giảm thiểu mức thu phí mà NĐT vẫn nhanh hoàn vốn.
Lãng phí nguồn lực
Tháng 1.2010, Chính phủ phê duyệt DA đường cao tốc Bắc - Nam. Thứ trưởng Đông cho biết, dự kiến tới năm 2020 về cơ bản sẽ nối thông các đoạn tuyến, trừ một số đoạn như Quảng Ngãi - Phú Yên. Trong khi đó, đến năm 2015, theo Phương án cao của DA mở rộng QL1, sẽ hoàn thành mở rộng toàn tuyến từ Hà Nội - Cần Thơ với 4 làn xe đến. Tuy nhiên, theo đánh giá của chính Bộ GTVT, một số đoạn đồng thời mở rộng QL1 với quy mô 4 làn xe cơ giới, 2 làn thô sơ và đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía đông (quy mô tối thiểu 4 làn xe) thì tổng công suất tối thiểu là 8 làn xe. Trong khi nhu cầu một số đoạn tuyến QL1 đến năm 2020 chỉ là 4 làn xe, bởi vậy việc đầu tư sẽ chưa hiệu quả trong điều kiện nguồn lực đang khó khăn.
Bài học từ việc xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh song song với QL1 gây lãng phí lớn khi không được khai thác, sử dụng hiệu quả cũng là vấn đề cần xem xét kỹ khi xây dựng song hành DA mở rộng QL1 và cao tốc Bắc - Nam. Hiện tại, nguồn vốn cho cao tốc nhà nước vẫn phải can thiệp, đi vay vốn, bảo lãnh phát hành trái phiếu… để đóng góp vào phần thiếu hụt của NĐT. Nhưng DA mở rộng QL1 phương án huy động vốn chủ yếu là xã hội hóa, qua tăng mức thu phí, mở các TTP… Theo PGS-TS Nguyễn Quang Toản, việc mở rộng QL1 nếu làm “chậm” lại DA phát triển đường cao tốc Bắc - Nam cũng là cách đầu tư hiệu quả, vì với số vốn quá lớn, nếu dồn vốn vào đường cao tốc cũng sẽ là “chôn vốn”. Trong khi đó hoàn toàn có thể dồn vốn cho mở rộng QL1, giảm bớt gánh nặng thuế, phí cho người dân.
Mai Hà - P.Thanh
>> “Máy chém” ven quốc lộ 1
>> Quốc lộ 1: một trong 10 con đường đẹp nhất thế giới cho du khách xe đạp
>> Phí chồng lên phí
>> Sẽ lắp đặt gần 2.000 hệ thống camera trên quốc lộ 1
Bình luận (0)