Giá xăng tăng mạnh, cước vận tải dự báo tăng cao

08/03/2012 17:10 GMT+7

(TNO) Giá xăng tăng mạnh thêm 2.100 đồng/lít, tương đương khoảng 12% so với mức cũ đang khiến thị trường vận tải “choáng váng”. Nhiều hãng taxi và vận tải hành khách, hàng hóa đã rục rịch tăng giá sau cú "nhảy vọt" của giá xăng lần này.

* Sẽ ảnh hưởng tới CPI

(TNO) Giá xăng tăng mạnh thêm 2.100 đồng/lít, tương đương khoảng 12% so với mức cũ đang khiến thị trường vận tải “choáng váng”. Nhiều hãng taxi và vận tải hành khách, hàng hóa đã rục rịch tăng giá sau cú "nhảy vọt" của giá xăng lần này.

Không chỉ vậy, nhiều chuyên gia còn lo ngại những ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay sẽ gia tăng.

>> Giá xăng tăng 2.100 đồng/lít
>> Người dân lo giá cả "té nước theo mưa
>> Lãi suất huy động 13% !

Taxi rục rịch tăng giá

Chiều 8.3, Hiệp hội taxi TP.HCM thông báo đã nhận được đề nghị của nhiều hãng taxi trên địa bàn TP về việc xem xét tăng giá cước.

Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Đặng Hoàng Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên taxi Sài Gòn Hoàng Long dự đoán giá xăng tăng cao lần này sẽ khiến nhu cầu đi lại bằng taxi của người dân giảm. Kéo theo đó, các nhân viên lái xe sẽ ngại lái và doanh thu của doanh nghiệp taxi sẽ giảm đáng kể.

“Trước mắt, khi chưa thể điều chỉnh đồng hồ cước kịp công ty sẽ hỗ trợ một phần chi phí nhiên liệu cho nhân viên lái xe, tuy nhiên việc này không thể kéo dài do sức chịu đựng của doanh nghiệp có hạn”, ông Phương nói.

 

Mức tăng giá cước taxi lần này tương đương 30% so với mức tăng của giá xăng (giá xăng tăng gần 12%)

Dự báo của ông Đặng Hoàng Phương

Đại diện các hãng taxi tại TP.HCM khẳng định chắc chắn phải tăng giá cước. Lý do là nhiên liệu chiếm hơn 30% giá thành vận chuyển, nhiên liệu tăng kéo theo các mặt hàng khác như phụ tùng, vỏ xe… cũng tăng theo. Tuy nhiên, mức tăng cụ thể bao nhiêu thì phải chờ các hãng ngồi lại họp xem xét một cách hợp lý nhất.

Theo dự kiến của ông Đặng Hoàng Phương thì mức tăng giá cước taxi lần này tương đương 30% so với mức tăng của giá xăng (giá xăng tăng gần 12%).

Trao đổi với chúng tôi, một tài xế tên Thành thuộc hãng Mai Linh than: “Trung bình mỗi ngày tụi tôi chạy khoảng 200km, nay với việc xăng tăng thêm 2.100 đồng/lít thì mỗi ngày tôi phải bù lỗ 50.000 đồng nhiên liệu”.

Tài xế này cho biết từ hôm nay mình và các đồng nghiệp không dám chạy lòng vòng tìm khách như mấy hôm trước vì sợ không đủ tiền đổ xăng, chạy không đủ chỉ tiêu doanh thu sẽ bị sa thải.

"Dòm ngó" nhau để chờ tăng giá

Trong khi đó, ông Thượng Thanh Hải, Phó giám đốc bến xe Miền Đông cho hay việc tăng giá xăng chắc chắn sẽ khiến giá cước xe khách tăng theo. Tuy nhiên, hiện các hãng xe khách đang “dòm ngó” nhau nên chưa vội tăng như taxi.

Theo ông Hải, thông thường mỗi khi nhiên liệu tăng giá thì khoảng 10 ngày sau các hãng xe khách mới tăng giá vé.

Theo ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM, việc giá nhiên liệu tăng cao lần này đã ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp vận tải hàng hóa. Để bù đắp thì không còn cách nào khác ngoài việc phải tăng giá cước vận tải. Tuy nhiên, mức tăng cụ thể do các doanh nghiệp đàm phán với chủ hàng.

Sẽ ảnh hưởng tới CPI

Cú tăng giá xăng với mức 2.100 đồng/lít, tương đương 12% so với mức cũ đang khiến thị trường “choáng váng”, và nhiều chuyên gia lo ngại những ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm phát.

Là người đã từng có những nghiên cứu hết sức cụ thể và sâu sắc về tác động giá xăng lên chỉ số giá CPI, Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, theo tính toán của ông giá xăng tăng 10%, trực tiếp đẩy chỉ số giá CPI tăng thêm khoảng gần 1%... Tính toán này dựa trên cơ sở, mặt hàng xăng chiếm 2% trong tổng thể giỏ hàng hóa tính CPI.

Cũng theo ông Thành, ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu hàm chứa yếu tố tiêu cực dễ thấy trong ngắn hạn như xáo trộn tâm lý, tăng giá và sức ép tăng giá, suy giảm trên thị trường chứng khoán, bất lợi trong khu vực kinh doanh.

Tuy nhiên, nó cũng hàm chứa nhiều yếu tố tích cực trong dài hạn, như giảm thất thu ngân sách từ buôn lậu xăng ở biên giới, giảm méo mó trên thị trường do các hình thức trợ cấp nói chung, giảm sức ép thâm hụt ngân sách, sức ép vay nợ hoặc đánh thuế của chính phủ trong tương lai.

Trong chiều nay, trước sức ép quá lớn của giá xăng dầu nhập khẩu tăng mạnh, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Thông tư số 39 ngày 8.3, miễn thuế nhập khẩu dầu diesel. Cụ thể hạ từ mức 3% đối với nhiên liệu diesel xuống còn 0%, các loại diesel khác cũng hạ xuống mức 0%.

Anh Vũ

Đình Mười

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.