Kỳ nữ trường Đồng Khánh

09/03/2012 08:36 GMT+7

Trong hai ngày 9 và 10.3, Trường Đồng Khánh, nay là Hai Bà Trưng, Huế, kỷ niệm 95 năm thành lập (1917-2012). Ra đời từ những năm đầu của thế kỷ 20, ngôi trường gắn với thương hiệu nữ sinh Đồng Khánh nổi tiếng một thời này đã có rất nhiều bậc kỳ nữ thành danh.

Những thập niên đầu thế kỷ 20, khi vấn đề nữ quyền đang gặp nhiều rào cản của tư tưởng phong kiến thì ngay tại kinh đô Huế, trường Đồng Khánh, ngôi trường nữ đầu tiên của 13 tỉnh Trung kỳ được xây dựng. Lễ đặt viên đá đầu tiên đã diễn ra vào 17 giờ ngày 15.7.1917 (tức 27 tháng 2 năm Khải Định thứ 2) dưới sự hiện diện của vua Khải Định. Từ đây, nhiều tiểu thư khuê các nhanh chóng bước ra khỏi chốn “màn che trướng rũ” để nhập cuộc với thời đại, trở thành những nữ sinh Đồng Khánh duyên dáng và trong số họ có rất nhiều bậc kỳ nữ tài hoa.

Người đầu tiên phải kể đến đó là nữ hiệu trưởng Tùng Chi. Tên thật của bà là Đào Thị Xuân Yến (1909-1997), thường được gọi theo tên chồng là bà Nguyễn Đình Chi (Tuần Chi), quê ở làng Hưng Thạnh, phủ Tuy Phước (nay thuộc TP.Quy Nhơn). Năm 1923, bà ra Huế học Trường Đồng Khánh. 18 tuổi, bà cầm đầu cuộc bãi khóa chống thực dân Pháp của nữ sinh Đồng Khánh. Bà là người phụ nữ miền Trung đầu tiên đỗ tú tài Tây ở trường Albert

Sarraut, là hiệu trưởng trường nữ trung học Đồng Khánh - Huế. Bà theo Mặt trận Việt Minh từ những năm đầu Cách mạng Tháng Tám và năm 1968, ra chiến khu tham gia kháng chiến, có thể nói bà là nhà ngoại giao quần chúng hàng đầu ở miền Nam Việt Nam.

Sau Cách mạng Tháng Tám, bà là Phó chủ tịch Hội Liên Việt Thừa Thiên, năm 1952 làm Hiệu trưởng Trường Đồng Khánh. Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, bà thoát ly ra vùng giải phóng, làm Phó chủ tịch UBND cách mạng tỉnh Thừa Thiên-Huế, rồi ủy viên Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; năm 1974, là ủy viên Hội đồng Hòa bình Thế giới. Sau năm 1975, bà là ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, rồi đại biểu Quốc hội khóa VI, VII.

 
Trường Đồng Khánh, nay là Hai Bà Trưng lung linh trong đêm - Ảnh: B.N.L

 
Nữ sinh trường Đồng Khánh - Ảnh: T.L

Một nữ sinh Đồng Khánh khác đã làm vẻ vang cho nền nghệ thuật VN trên thế giới là nữ điêu khắc Điềm Phùng Thị (1920-2002). Bà cũng là một nữ sinh xinh đẹp khiến cho Lưu Trọng Lư phải da diết: “Ai bảo em là giai nhân/ Cho đời anh đau khổ?/ Ai bảo em ngồi bên của sổ/ Cho vương víu nợ thi nhân” (Một mùa đông)… Hay Hoàng Nguyên phải ngơ ngẩn trong nhạc phẩm Tà áo tím, Thu Hồ phải bâng khuâng trong “Cô nữ sinh Đồng Khánh kia ơi”… Năm 1991, bà là một trong hai người châu Á vinh dự có tên trong từ điển Larousse - Nghệ thuật thế kỷ 20. Năm 1992, bà được bầu làm Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm Khoa học - Văn học và Nghệ thuật châu Âu.

Trên lĩnh vực âm nhạc có ca sĩ Tân Nhân. Bà tên thật Trương Tân Nhân, sinh năm 1932 tại làng Mai Xá, xã Gio Mai, H.Gio Linh (Quảng Trị), trong một gia đình trí thức. Cha bà là ông đốc Hy, mẹ là con gái trong một gia tộc họ Hoàng. Lớn lên bà học tại trường nữ sinh Đồng Khánh (Huế). Tân Nhân có một giọng nữ cao trữ tình, đậm chất miền Trung. Bà thành công với nhiều ca khúc dân ca và trữ tình cách mạng như Xa khơi, Tát nước đêm trăng, Nắng Ba Đình, Tình quê, Ru con, Tình quê hương, Anh về miền Bắc, Chim Pongkle, Lăm tơi, Bên nôi con mẹ hát, Câu hò bên bờ Hiền Lương, Nhớ... và một số ca khúc nước ngoài.

Đặc biệt với Xa khơi, được thu âm vào thập niên 1960, bà được đánh giá là người thể hiện thành công nhất ca khúc này, và đây cũng là một ca khúc gắn liền với tên tuổi của bà, được công chúng yêu thích và đón nhận rộng rãi. Tân Nhân đã được trao tặng Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất và danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (1988). Bà mất vào ngày 14.2.2008 tại TP.HCM, thọ 76 tuổi.

Nhân vật trữ tình trong bài thơ Đây thôn Vỹ Dạ nổi tiếng của Hàn Mặc Tử là Hoàng Thị Kim Cúc (1913-1989). Bà Cúc không chỉ là người đẹp mà còn là người đã có công đào tạo ra nhiều thế hệ nữ sinh Đồng Khánh với đầy đủ phẩm chất công dung ngôn hạnh. Bà là tác giả cuốn sách Món ăn Huế, công trình biên soạn qui mô lớn nhất về nghệ thuật chế biến các món ăn Huế, gồm 60 thực đơn bốn mùa với 600 món ăn nấu theo lối Huế, trong đó có 300 món ăn mặn, 125 món ăn chay, 175 món chè, cháo, bánh Huế.

 Ngoài ra còn có nhiều tên tuổi như nhà cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái, nữ sinh Đồng Khánh gắn với mối tình đầy thơ mộng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Nữ sĩ Nguyễn Thị Thiếu Anh, ca sĩ Hà Thanh, một giọng ca mượt mà, rất Huế ở hải ngoại; GS-TS Thái Kim Lan, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đứng trên bục giảng triết học ở nước Đức, là giảng viên triết học tại Đại học tổng hợp Ludwig - Maximilian (Munich, Đức), là Chủ tịch Trung tâm giao lưu Đức - châu Á và là Phó chủ tịch Hội thân hữu Phật tử châu Âu…

Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An: “Nữ sinh Đồng Khánh không chỉ là những nàng thơ mà họ còn là những người phụ nữ có văn hóa và đặc biệt là rất mẫu mực. Mẫu mực ấy thể hiện đầu tiên là ở thiên chức làm vợ, làm mẹ.

Nhắc lại lịch sử Đồng Khánh tức là một lần nữa xác định vai trò quan trọng của ngôi trường này trong việc gây dựng địa vị xứng đáng của phụ nữ trong xã hội Việt Nam”. 

Bùi Ngọc Long - Tuyết Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.