Khác với những người phụ nữ có điều kiện về kinh tế khá giả được chồng chiều chuộng đón đưa, được chồng tặng quà đắt tiền và những bông hồng rực rỡ, thì những người vợ lính nhà giàn DK1 thui thủi một mình và chờ chồng đằng đẵng.
Đối với họ, được nhận quà của chồng ngày 8.3 là một khái niệm quá xa vời, song nói về thiên chức của người mẹ hiền, vợ đảm, hiếu thảo với hai bên nội ngoại gia đình thì các chị luôn tự hào rạng rỡ.
Khi quà 8.3 là... thơ tình
Chiều 4.3, trung tá Đinh Công Trung - Chính trị viên nhà giàn DK1 -15 gọi điện cho tôi: “Ngày mai tao đi biển rồi, vậy là thêm một lần ngày 8.3 nữa không được tặng hoa cho vợ”.
Bữa cơm chia tay vợ của người lính nhà giàn DK1 gọi là “hoành tráng” cũng chỉ thêm cái lẩu gà. Trung bảo: “Vì nhiệm vụ, mình phải ra thay cho đồng đội khác về đất liền. Thêm một lần ngày 8.3 nữa mình không được chở vợ con đi chơi”. Dù đã được chồng “trấn tĩnh” như thế, nhưng mắt chị Chính vẫn đỏ hoe: “Nhiệm vụ của đơn vị giao phó, anh cứ đi đi. Em cũng đã quen với những ngày 8.3 không có anh bên cạnh rồi”.
|
Tàu HQ 609 của Vùng 2 Hải quân hú ba hồi rồi từ từ rời cảng, chị Chính ngậm ngùi bế con nhìn theo cánh tay của chồng đang vẫy xa dần. Đợi cho con tàu khuất hết trong sóng nước, chị Chính mới chở con về nhà ở phường Rạch Dừa (Vũng Tàu) trên chiếc xe máy cà tàng cũ kỹ. Vậy là từ hôm ấy, căn nhà cấp 4 thêm phần trống trải, hai mẹ con chị lại đơn côi trong nỗi nhớ chồng, nhớ bố khắc khoải cách xa. Những ngày anh Trung nghỉ phép ngắn ngủi qua mau, bao điều sâu kín chưa nói hết. Mỗi lần tiễn chồng đi nhà giàn, chị Chính hẫng hụt, bao nỗi niềm khát khao chị nén chặt trong lòng.
Chị Chính đưa cho tôi xem bài thơ anh Trung làm tặng chị trước ngày đi ra nhà giàn DK1. Bài thơ có tựa đề “Tặng vợ ngày 8.3”. Thơ có đoạn: “Vợ họ mùng tám tháng ba/ Nhận quà đắt giá nhận hoa rất nhiều/ Tình anh chỉ có bấy nhiêu/ Bài thơ tặng vợ để chiều anh đi”. Chị Chính cười bảo: “22 năm cưới nhau, bây giờ em mới nhận được quà 8.3 của anh Trung là thơ tình. Nói thật với anh, thời bình mà vợ lính xa chồng đằng đẵng là một thiệt thòi lớn đối với phụ nữ. Nhiều khi con ốm, mẹ đau, nội ngoại tận Thanh Hóa không biết bấu víu vào đâu. Nhiều lúc thấy vợ chồng người ta bên nhau hạnh phúc, em tủi thân lắm. Lúc đó chỉ cần một bờ vai của chồng để tựa vào san sẻ, nhưng rồi đành tự mình an ủi mình”. “Năm vợ chồng gần nhau bao thời gian?” - tôi hỏi. “Gọi là công tác ở tỉnh nhà, nhưng cả năm chỉ gặp nhau vẻn vẹn 20 ngày phép. 22 năm, vợ chồng gần nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay thôi” - chị Chính chia sẻ.
Lon gạo quê em dành đợi anh về
Hôm chúng tôi đến ấp Bến Đình, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) để trao quyết định “Tặng nhà đồng đội” cho chị Nguyễn Thị Hồng - vợ của trung úy chuyên nghiệp Lê Trần Phương (nhân viên cơ yếu hiện công tác tại nhà giàn DK1/2 trên thềm lục địa phía nam tổ quốc). Căn nhà đồng đội thơm mùi vôi mới chừng 24m2 hôm ấy dường như chật chội ấm áp bởi sự có mặt của lãnh đạo chính quyền địa phương, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và những người lính hải quân nhà giàn DK1. Nhận quyết định “Tặng nhà đồng đội” của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân trao tặng, chị Hồng mắt đỏ hoe xúc động chẳng nói nên lời. Những giọt nước mắt hạnh phúc trong căn nhà mới cứ lăn dài trên má. Chen lẫn niềm vui, xúc động, chị Hồng nghĩ về chồng đang công tác ở nhà giàn ngoài khơi xa.
|
Chị Hồng kể, quê chị là một miền đất trung du nghèo ở Hà Tĩnh. Năm 2005, chị theo bạn vào làm công nhân giày da Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai) rồi tình cờ gặp anh Phương trong một lần giao lưu kết nghĩa. Khi ấy anh Phương công tác ở đơn vị Căn cứ 696 Hải quân. Lương “ba cọc ba đồng” của 2 vợ chồng không đủ sinh hoạt hằng ngày, ước mơ có ngôi nhà mới để che nắng che mưa cũng chỉ là mơ ước. Nhờ nội ngoại hai bên giúp đỡ ít nhiều, anh chị mua mảnh đất 80m2 sình lầy, cỏ hoang gần bãi rác ở ấp Bến Đình, dựng tạm chiếc chòi lá để mẹ con có chỗ chui ra chui vào.
Ngày anh đi nhà giàn DK1, chị Hồng động viên chồng: “Nhiệm vụ của quân đội giao là quan trọng, anh cứ đi đi, mẹ con em ở nhà sẽ ổn. Bên cạnh mình còn có hàng xóm, bạn bè và đồng đội”. Đứa con trai chưa đầy tuổi cứ trân trân nhìn bố. Ghé má mình, Phương bảo con trai: “Thơm bố cái nào, bố đi xa lắm, năm sau mới về”. Cu con thơm má bố, còn chị Hồng giấu giọt nước mắt bằng cách gục đầu vào vai áo chồng. Họ chia tay trong hoàn cảnh nhớ thương ấy.
Chồng đi nhà giàn DK1, chị Hồng gửi con nhà trẻ tất bật với cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền. 6 giờ sáng đạp xe vượt gần chục cây số đến xí nghiệp, 18 giờ tối trở về, ghé bên đường mua quả trứng vịt, về nhà nhóm lửa nấu cơm. Rau muống mẹ ăn, miếng trứng chiên chị dành cho con. Nhớ lại những ngày gian khó, chị Hồng nghẹn ngào: “Thời gian anh ấy đi nhà giàn DK1, mẹ con em ở nhà vất vả. Nội ngoại ở xa đều nghèo khổ, lúc con ốm em chẳng biết kêu ai được. Nhiều đêm mưa tầm tã, mẹ con ôm nhau co ro và thấy cô đơn. Những lúc như thế lại thấy thương anh ấy, vì ngoài biển dông bão bất thường.
Em nghĩ ở đất liền khó khăn thiếu thốn cũng chẳng thấm gì so với các anh ở nhà giàn. Những lúc khó khăn nhất, em lại nhớ đến buổi chia tay, thế là vượt qua. Nếu nói vợ lính nhà giàn hiện nay không thiệt thòi là không đúng, nhưng em lại thấy luôn tự hào và kiêu hãnh. Bù lại thiệt thòi sau hơn 200 ngày xa cách, là tình yêu của anh ấy dành cho mẹ con em. Em nghĩ thế là đủ rồi”.
Chị Hồng khoe với chúng tôi: “Biết được đơn vị tặng cho căn nhà đồng đội, bên ngoại gửi 5 ký gạo nếp từ quê vào làm quà cho thằng cu tí. Anh ấy đi biển rồi, mẹ con em ở nhà ăn gì chả được. Em để dành khi anh ấy về ăn luôn thể”.
Chị Chính, chị Hồng ở trong số gần 200 người vợ lính nhà giàn DK1 hiện có chồng làm nhiệm vụ ở biển xa. Những chị gia đình ở Vũng Tàu, Đồng Nai, TPHCM, xa chồng nhưng vẫn thấy “gần”, vì dù sao chồng cũng công tác ở tỉnh bên cạnh. Còn những chị ở tận quê xa như Lạng Sơn, Hưng Yên thì thiệt thòi và xa hơn nhiều. Bởi khi các anh đi DK1 về, phải chờ một thời gian mới được về quê thăm vợ. 20 ngày phép ngắn ngủi qua mau, chưa ấm chỗ các anh lại vào đơn vị đi biển thay cho đồng đội khác về đất liền. Nhưng điểm chung của các chị là chung thủy, đảm đang, vẹn toàn nuôi dạy con cái, hiếu thảo với nội ngoại hai bên gia đình, sẵn sàng hy sinh hạnh phúc riêng tư để chồng, con yên tâm công tác.
Trong cuộc sống bộn bề tấp nập thời kinh tế thị trường, đối diện với những người vợ của những “sếp” được sớm đón chiều đưa, cuộc sống nhung lụa, là sự tảo tần chịu thương chịu khó và giàu đức hy sinh của vợ lính, mà vợ lính nhà giàn DK1 là một điển hình của đức hy sinh ấy.
Theo Lao Động
Bình luận (0)