Tối 7-3, rạp Công Nhân (TP.HCM) bỗng sáng đèn - một điều khác thường trong một tối giữa tuần. Trên băngrôn trước rạp treo hình những gương mặt diễn viên là lạ, loa cũng phát ra một giọng giới thiệu là lạ.
Khán giả đến gửi xe, mua vé và ngồi chờ trước sảnh cũng có gì mong đợi hơn thường ngày. Mọi người chào nhau, nói với nhau những câu như “lâu rồi mới gặp lại”, “ở ngoài đó thế này, thế kia”, “vở diễn này “ác liệt” lắm đấy”... Trước giờ diễn, lại có cô MC mặc áo dài duyên dáng ra chào, giới thiệu nội dung vở diễn và gửi lời tri ân khán giả... Tất cả sự khác lạ này đã diễn ra trong suất diễn vở Nhà có năm anh em trai của Đoàn kịch 1, Nhà hát Tuổi Trẻ (Hà Nội) tại TP.HCM.
Bản thân Nhà có năm anh em trai cũng là một vở diễn khác lạ trong thời điểm này đối với khán giả phía Nam, giữa rất nhiều những vở xem để cười. Được cảm tác từ truyện Không có vua của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, nữ tác giả Nguyễn Thu Phương đã chấp bút thành một kịch bản sân khấu dày dặn và kịch tính về những góc khuất của cuộc sống thành thị.
|
Cũng gần hai năm, khán giả miền Nam mới được xem lại kịch Bắc. Xem, cười, khóc rồi suy ngẫm khi ra về là điều mà nhiều vở kịch bây giờ khó làm được...
Năm anh em trai sống cùng nhau trong một căn nhà nhỏ. Sĩ bán chả giò cộc tính, Tình vừa đi tù về đầy bất mãn với cuộc đời, Dân bộc trực làm nghề xe ôm, Phúc bị thiểu năng và động kinh, còn Đức tuy là sinh viên nhưng ăn chơi lêu lổng và ích kỷ. Cuộc sống của họ đột nhiên thay đổi từ khi có sự xuất hiện của Xuân - cô vợ mới cưới của anh cả Sĩ. Những ẩn ức, sự đê tiện, thói ghen tị dần được bộc lộ qua những lời nói và cách hành xử hằng ngày giữa họ.
|
Cách dàn dựng liền mạch, kết hợp giữa tả thực và ước lệ của NSƯT Anh Tú cũng góp phần đem đến những lát cắt rõ ràng về một không gian bức bối và những tâm hồn bức bối. Cách diễn, cách thoại đôi khi có phần cường điệu và lên gân với những khán giả miền Nam, nhưng vẫn là nét đặc trưng khó lẫn làm nên hương vị kịch Bắc. Dẫu không phải là một tác phẩm quá mới, nhưng khi Nhà có năm anh em trai được đưa vào lưu diễn ở miền Nam đã mang đến một không khí hoàn toàn khác cho sân khấu. Khán giả đến xem, cười, khóc ở đó rồi suy ngẫm khi ra về là điều mà nhiều vở kịch bây giờ khó làm được.
Bởi cũng gần hai năm, khán giả miền Nam mới được xem lại kịch Bắc. Trước đây hầu như năm nào cũng có các đoàn kịch từ Hà Nội thay nhau vào Nam lưu diễn như: Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát kịch VN... Mỗi lần như vậy thường rất tốn kém nên ngay cả những sân khấu đang ăn nên làm ra ở thị trường sân khấu sôi động như TP.HCM cũng không dám nghĩ đến chuyện đi lưu diễn.
Để có được chuyến đi này, NSƯT Anh Tú - trưởng Đoàn kịch 1 Nhà hát Tuổi Trẻ - cho biết đã phải chuẩn bị và quyết tâm từ giữa năm ngoái. Ngoài việc chọn vở và lên lịch diễn thì những chuyện ngoài chuyên môn như thuê mướn rạp, lo ăn ở cho diễn viên, lo di chuyển, đi vận động bán vé... cũng là cả một vấn đề lớn trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.
Trong suốt thời gian lưu diễn, ban ngày đoàn chạy sô diễn hợp đồng ở các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Vũng Tàu..., xong lại phải “hành quân” về ngay để kịp suất diễn tối ở thành phố. Trưởng đoàn Anh Tú cho biết tính tới tính lui, gom đủ kiểu vẫn thấy khó mà... không đau đầu vì kinh phí trong những chuyến đi “mạo hiểm” như thế này, nhưng nếu không đi thì sẽ càng thấy đau đầu nhiều hơn vì nhớ tiếng vỗ tay của khán giả, nhớ cảm giác của việc di chuyển, nhớ cái động lực phải làm tốt hơn vào lần gặp sau.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)