Thấp thỏm dưới chân núi lở

10/03/2012 03:04 GMT+7

Hiện còn 23 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu vẫn phải sống dưới chân ngọn Mộc Sơn, Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng trong khi hòn núi này có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

Hiện còn 23 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu vẫn phải sống dưới chân ngọn Mộc Sơn, Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng trong khi hòn núi này có thể sạt lở bất cứ lúc nào.

6 tháng sống liều

Liên tiếp các ngày 8 và 16.9.2011, cả chục khối đá nặng hàng tấn từ vách ngọn Mộc Sơn bất ngờ sập xuống, đè nát 3 ngôi nhà của ông Lê Thanh Chiến, Nguyễn Thị Thúy Nga và Võ Thanh Tuấn sát bên chân núi. Rất may, gần 20 người của 3 gia đình đã thoát khỏi tai họa. UBND Q.Ngũ Hành Sơn yêu cầu 41 gia đình ở tổ dân phố 33, P.Hòa Hải sơ tán khẩn cấp, đồng thời đề xuất UBND TP.Đà Nẵng hỗ trợ tiền thuê nhà cho các hộ dân trong thời gian chờ bố trí tái định cư.

Ông Ngô Lai - Tổ trưởng tổ dân phố 33 - cho biết do hoàn cảnh khó khăn và chưa được hỗ trợ tiền thuê nhà, 7 hộ dân vẫn bám trụ sinh sống trong khu vực nguy hiểm suốt một tháng rưỡi sau đó. Đến ngày 1.11.2011, UBND TP.Đà Nẵng có công văn yêu cầu UBND Q.Ngũ Hành Sơn phối hợp với Ban giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 1 TP.Đà Nẵng giải tỏa các hộ dân trước ngày 20.11.2011.

Phải 3 tháng sau, UBND P.Hòa Hải mới hoàn tất rà soát, nắm danh sách lần cuối các hộ dân đã di dời để báo cáo trong khi người dân lần lượt trở về chỗ cũ. “5 tháng ở trọ hết 5 triệu đồng mà không thấy tiền hỗ trợ, đến tết gia đình phải về nhà cũ sửa lại khu bếp bị lở núi hết 6 triệu đồng nữa để đón tết cho tươm tất, biết là ở liều nhưng không ở thì biết đi đâu”, chị Từ Thị Hà, vợ anh Võ Thanh Tuấn, nói. Chị Thúy Nga bức xúc vì đã trả 6 tháng tiền trọ tương đương 7,2 triệu đồng mà đến nay vẫn không được giải quyết, chị cho biết sắp tới sẽ về lại ngôi nhà cấp 4 đã bị đá lở phá hủy một nửa hôm 8.9 vì không đủ sức vừa trả tiền trọ, vừa một mình nuôi 3 con nhỏ.

“Hiện 23 hộ dân trở về sống dưới chân Mộc Sơn và 7 hộ dân khác vẫn ở nhà thuê kiến nghị sớm được hỗ trợ tiền thuê nhà, bởi lẽ bây giờ giá thuê nhà từ 1,2 đến 2 triệu đồng/tháng, mà chủ nhà đều yêu cầu nộp tiền 3 tháng/lần, số tiền đó là gánh nặng đối với người lao động làm đá trong khu vực”, ông Ngô Lai nói.

Chính quyền chậm chạp

Khi chúng tôi liên hệ, ông Lê Hoàng Đức - Chủ tịch UBND Q.Ngũ Hành Sơn - nói rằng “thông tin nên nắm chỗ UBND P.Hòa Hải và Ban Giải tỏa đền bù số 1” nhưng khi làm việc với phóng viên, ông Lê Văn Tiến, Trưởng ban Giải tỏa đền bù số 1, lại tránh né vì “đâu có rảnh nắm mấy chuyện đó”.

Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch UBND P.Hòa Hải, chủ trương của UBND TP.Đà Nẵng là ưu tiên hỗ trợ, đền bù và sớm bố trí tái định cư cho 41 hộ của tổ 33, P.Hòa Hải với thủ tục đơn giản: người dân viết cam kết di dời và phường xác nhận là có thể nhận tiền hỗ trợ thuê nhà từ Ban Giải tỏa đền bù số 1. Trong khi ông Lê Văn Tiến lại cho biết người dân phải đập nhà, bàn giao mặt bằng thì mới được nhận tiền hỗ trợ thuê nhà.

Giải thích của ông Tiến càng khiến ông Nguyễn Văn Hiền bức xúc: “Ban giải tỏa đền bù yêu cầu người dân phải có thêm biên bản bàn giao mặt bằng thì mới hỗ trợ tiền thuê nhà, khổ nỗi là giải quyết chưa thỏa đáng thì làm sao dân bàn giao mặt bằng, cho nên thủ tục mắc kẹt ở chỗ đó”.

Suốt 6 tháng qua, hơn 100 con người dưới chân ngọn Mộc Sơn vẫn sống trong vòng luẩn quẩn. Trong khi đó, vụ lở núi đá đe dọa tính mạng người dân ở Ngũ Hành Sơn vào tháng 9.2011 không phải xảy ra lần đầu tiên. Theo thống kê của ông Huỳnh Chín - Phó trưởng ban Quản lý khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, từ hơn 40 năm trước, nạn nổ mìn khai thác đá đã làm kết cấu ngọn Mộc Sơn, Thổ Sơn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ đó đến nay đã có 5 vụ sạt lở nghiêm trọng, trong khi chưa hề có một cuộc khảo sát hay nghiên cứu nào đánh giá về tình trạng địa chất của Ngũ Hành Sơn dẫu nơi đây không chỉ có người dân sinh sống mà còn là quần thể danh thắng đón rất nhiều khách tham quan mỗi ngày.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.